Chưa có cách tháo “chốt” 65% cho ĐHCĐ
Nhiều DN "kêu trời" vì quy định ĐHCĐ thường niên chỉ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, bởi tỷ lệ này khiến nhiều DN khó hội đủ. Xem ra, họ còn phải đối mặt với khó khăn này dài dài khi cơ quan quản lý chưa tìm ra lời giải.
Một vướng mắc cũ khiến nhiều DN "đau đầu" tiếp tục tái diễn khi mùa ĐHCĐ thường niên năm 2011 sắp bắt đầu, là Luật Doanh nghiệp quy định ĐHCĐ thường niên chỉ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Theo kết quả khảo sát trực tiếp tại các DN niêm yết do Báo Đầu tư Chứng khoán vừa tiến hành, nhiều DN cho rằng, tỷ lệ 65% là khá cao, khiến họ khó có thể tiến hành ĐHCĐ thường niên ngay trong lần triệu tập đầu tiên. Hệ quả là vừa khiến DN tốn kém tiền của cho in ấn tài liệu, thuê địa điểm tổ chức ĐHCĐ, vừa tốn thời gian... Bởi vậy, nhiều DN kiến nghị nên hạ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham gia ĐHCĐ xuống còn 51%, để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ở góc nhìn của người trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận, đúng là quy định ĐHCĐ thường niên chỉ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đang khiến nhiều DN không thể tiến hành ĐHCĐ ngay ở lần triệu tập đầu tiên. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, giảm tỷ lệ này xuống 51% là hợp lý, nhưng muốn vậy phải sửa Luật Doanh nghiệp. Thế nhưng, theo kế hoạch, dự kiến cơ quan quản lý chỉ kiến nghị sửa Luật này trong 2-3 năm tới. Điều này có nghĩa là các DN sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn với "chốt" 65%.
"Ngay cả khi Luật Doanh nghiệp giảm tỷ lệ trên xuống 51%, mà nếu ý thức của cổ đông tham gia các kỳ ĐHCĐ của DN không được nâng lên, cũng như tình trạng nhiều DN có lượng cổ đông quá phân tán như hiện nay không được cải thiện, thì không có gì đảm bảo các DN sẽ dễ dàng thành công trong lần đầu triệu tập ĐHCĐ…", ông Cung nói.
Có ý kiến cho rằng, việc chờ Luật Doanh nghiệp được sửa đổi như vậy là khá lâu, nên cơ quan quản lý có thể tháo gỡ khó khăn này cho DN bằng các biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những nỗ lực của cơ quan quản lý thời gian qua, thì không khó nhận ra biện pháp kỹ thuật chưa phải là sự lựa chọn khả thi. Với tư cách là người trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định 139/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, ông Cung cho biết, Ban soạn thảo đã cố gắng "tháo" chốt 65%, nhưng bất thành do không thoả mãn quy định của Luật Doanh nghiệp. Kết cục là Nghị định 102/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP tiếp tục giữ tỷ lệ 65%.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cho biết, thực ra, một giải pháp kỹ thuật đã được UBCK tính đến khi xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở GDCK ban hành theo Quyết định 12/2007/QĐ-BTC và Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở GDCK ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, để hoá giải "chốt" 65%, dự thảo Thông tư quy định: trường hợp các công ty niêm yết đã tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục về triệu tập ĐHCĐ theo quy định của pháp luật, cổ đông không tham dự nhưng không có ủy quyền hoặc không đăng ký tham dự và thực hiện bỏ phiếu từ xa, thì HĐQT có quyền mời tổ chức lưu ký chứng khoán đại diện cho các cổ đông tham dự và bỏ phiếu thay các cổ đông nêu trên.
Tuy nhiên, theo ông Hải, trong quá trình đưa dự thảo Thông tư ra lấy ý kiến trong năm 2010, nhiều bộ, ngành, cũng như các chuyên gia không tán thành giải pháp có tính kỹ thuật trên, bởi không phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Do đó, hiện dự thảo văn bản này tạm thời không được hoàn chỉnh, để ban hành như kế hoạch ban đầu... Điều này có nghĩa là, trong mùa ĐHCĐ năm 2011, nhiều DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi tổ chức ĐHCĐ do vẫn chưa có cách gì tháo "chốt" 65%.
Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán
|