Nhật Bản muốn mở cửa thị trường nông nghiệp
Hôm 7/2, tại Tokyo, Nhật Bản và Australia đã có các cuộc thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận tự do thương mại đầu tiên của Nhật Bản với một nước xuất khẩu nông nghiệp lớn.
Theo hãng tin BBC, các cuộc đàm phán xung quanh việc mở cửa thị trường nông nghiệp của Nhật Bản đã đổ bể hồi tháng 4/2010. Nhiều năm qua, quốc gia này đã bảo hộ ngành nuôi trồng của mình, và đã đặt mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản có thể đã gây ra một sự thay đổi trong chính sách và lối suy nghĩ.
"Đã có một số thay đổi trong thái độ, ngay cả trong các nhóm các nhà nông vận động hành lang tích cực", Akio Okawara từ Viện nghiên cứu Sumito nhận định. "Người ta nhận thức ra rằng cần phải thích nghi. Nhật Bản cần phải thay đổi".
Có đi có lại
Nhật Bản lấy lý do cần đảm bảo an ninh lương thực và các lý do văn hóa để bảo hộ ngành nông nghiệp. Nước này đã áp thuế nặng đối với các mặt hàng nhập khẩu như ngũ cốc. Mặt hàng gạo bị đánh thuế nhập khẩu 800%, còn lúa mì là 250%.
Theo một đại diện nông nghiệp của Australia được hãng tin BBC dẫn lời, quan điểm của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản trong các vòng đàm phán trước đó đã phản ánh sự nhạy cảm của nhiều nông dân Nhật Bản.
Vị đại diện này nói, các nhà nông Nhật Bản "già nua và rất bảo thủ". Ước tính khoảng một nửa số nông dân Nhật Bản tại hơn từ độ tuổi 65 trở lên.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng, ông muốn ưu tiên cho vấn đề thương mại, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật. Thương mại song phương giữa Australia và Nhật Bản trị giá khoảng 60 tỷ USD mỗi năm.
Một số nhà phân tích nhận định, trong khi vẫn rất muốn bảo hộ thị trường nội địa, Nhật Bản cũng có những nhu cầu khác khiến nước này phải có nhượng bộ quanh bàn đàm phán.
Theo BBC, Nhật Bản sẽ hoan nghênh việc được tiếp cận dễ dàng hơn tới nguồn cung ứng nguyên liệu thô dồi dào của Australia, đặc biệt là uranium dùng trong việc sản xuất điện hạt nhân.
Nhật Bản cũng phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các mặt hàng khác nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng.
"Nếu các cuộc đàm phán không đem lại một thỏa thuận thì về mặt ngắn hạn, việc này không làm tổn hại tới nền kinh tế của Nhật Bản, nhưng về lâu về dài, Nhật Bản cần mở cửa thị trường," ông Okawara cho hay.
Nguy cơ tụt hậu
Các nhà phân tích nói rằng các cuộc đàm phán thương mại song phương với Australia là một phép thử đối với Nhật Bản. Vào tháng 6 tới, ông Naoto Kan sẽ phải quyết định việc Nhật có tham dự hay không thỏa thuận tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Mỹ hiện giữ vai trò đi đầu trong hiệp định này, là thỏa thuận đã có 8 quốc gia khác nữa cùng tham gia. Nhưng để tham dự, Chính phủ Nhật sẽ phải đồng ý dỡ bỏ nhiều hơn nữa các rào cản thương mại của mình.
Nhiều đối thủ thương mại của Nhật Bản trong khu vực đã đi trước với các thỏa thuận nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng và tăng trưởng kinh tế.
Năm ngoái, Hàn Quốc ký các thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu, giúp các hãng điện tử và xe hơi của nước này tiếp cận dễ dàng hơn vào các thị trường đó.
Các nhà phân tích cho rằng, điều này gây thêm áp lực cho các công ty Nhật và làm tăng nguy cơ các hãng này sẽ bị tụt hậu trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Hồng Ngọc
TBKTVN
|