Nguyên nhân xuất hiện cơn sốt sáp nhập các sàn chứng khoán thế giới
(Vietstock) – Theo nhận định của các chuyên gia, vụ sáp nhập giữa hai sàn chứng khoán NYSE Euronext (NYSE) và Deutsche Boerse vừa được công bố trong tuần trước chỉ là mở đầu cho một làn sóng sáp nhập trong thời gian tới.
* Deutsche Boerse và NYSE Euronext đồng ý sáp nhập
* LSE và TMX đồng ý sáp nhập
* GSX và ASX sáp nhập, Tokyo lo sợ
|
Đường màu đỏ: Các thương vụ đã công bố, đường màu xanh: Dự báo |
Sự hợp nhất giữa các sàn chứng khoán lớn trên thế giới không còn là một vấn đề mới mẻ. Hiện nay, các sàn đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc xử lý các giao dịch nhanh hơn, tiếp cận tới nhiều thị trường hơn và cung cấp sản phẩm đa dạng hơn.
Trong vòng 5 năm qua, Sở giao dịch Chứng khoán New York đã mua Euronext, Nasdaq hợp nhất với OMX Group, và Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CME) sáp nhập với Sàn giao dịch Chicago (CBT).
Tuy nhiên, với một thương vụ lớn như giữa NYSE-Deutsche Boerse thì rõ ràng nhu cầu sáp nhập giữa các sàn chứng khoán lớn đang tăng mạnh.
Trong lúc một số sàn chứng khoán trên thế giới đã thông báo sáp nhập như Toronto, Moscow, Singapore, Sydney và London; nhà đầu tư Mỹ cũng tập trung vào kết quả của thương vụ giữa Nasdaq OMX Group và IntercontinentalExchange (ICE).
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Nasdaq và ICE tăng rất mạnh nhờ kỳ vọng rằng hai sàn có thể hoàn thành được mục tiêu sáp nhập trong năm 2011.
Nhà phân tích Richard Repetto tại Sandler O'Neill nhận định: “Sàn Nasdaq cần phải mở rộng quy mô nhanh hơn nếu muốn trở thành một sàn chứng khoán có ảnh hưởng lớn tại Mỹ”.
Tương tự như NYSE, sàn Nasdaq hiện đang phụ thuộc nhiều vào hoạt động giao dịch chứng khoán truyền thống và hoạt động này hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sàn không truyền thống trong những năm gần đây.
Theo số liệu của TABB Group, một tập đoàn tài chính nghiên cứu về các sàn chứng khoán và các thị trường tài chính thì trong năm 2010, Nasdaq chiếm 24% thị phần giao dịch cổ phiếu tại Mỹ, giảm đáng kể so với mức 36% cách đây 2 năm.
Các nhà phân tích cho rằng sớm hay muộn gì Nasdaq cũng sẽ thông báo kế hoạch mua bán hay sáp nhập trong các tháng tới. Đứng đầu trong danh sách các đối tác mà Nasdaq ngắm đến là Sở giao dịch Chứng khoán London (LSE) hay Sở giao dịch Chứng khoán Australian-Singapore. Việc sáp nhập với Nasdaq sẽ cho phép các sàn nước ngoài tiếp cận vào thị trường Mỹ.
Nhà phân tích cổ phiếu Rafay Khalid của Standard & Poor's cho biết: “Khi bạn mua sàn Nasdaq, nghĩa là bạn đang mua lại di sản của hoạt động giao dịch chứng khoán”.
Trong thương vụ giữa Nasdaq và ICE, khả năng ICE trở thành bên mua cao hơn Nasdaq. Hoạt động chính của ICE là giao dịch các hợp đồng quyền chọn và tương lai, một hoạt động kinh doanh đang phát triển và đem lại lợi nhuận rất cao.
Nhà phân tích Niamh Alexander của Keefe, Bruyette & Wood's nhận định trong một báo cáo rằng ICE và Nasdaq có thể là các đối tác thích hợp nhờ các hoạt động phụ của cả hai sàn. Tuy nhiên, ông cho rằng thương vụ này có thể chưa đi đến kết quả cuối cùng cho đến năm 2012. Một đối tác khác mà ICE có thể ngắm đến là Tập đoàn CBOE Holdings với hoạt động kinh doanh tương tự như ICE.
Giới phân tích cho biết sàn chứng khoán lớn nhất của Mỹ nhiều khả năng đứng bên ngoài làn sóng sáp nhập này là CME Group. Mới đây, Giám đốc điều hành Terry Duffy của CME cho biết tập đoàn của ông tập trung chủ yếu vào hoạt động kinh doanh chính là các hợp đồng phái sinh, tương lai và quyền chọn; và không quan tâm đến việc mua một sàn chứng khoán truyền thống như Nasdaq.
Các thương vụ sáp nhập lớn trên toàn thế giới
Chỉ riêng trong 3 tháng qua, Sở giao dịch Chứng khoán London (LSE) tuyên bố sáp nhập với TMX Group, nhà điều hành Sở giao dịch Chứng khoán Toronto của Canada; hai sàn chứng khoán của Nga là MICEX và RTS cũng thông báo hợp nhất; và cuối năm ngoái, Sở giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) đề nghị mua lại Sở giao dịch Chứng khoán Australia (ASX) với giá 7.8 tỷ USD.
Giới phân tích kỳ vọng các sàn chứng khoán lớn trên thế giới như Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) sẽ chủ động tìm kiếm đối tác để mua lại.
Trở ngại lớn nhất đối với hầu hết các vụ sáp nhập chính đã công bố hay mới chỉ dự tính chính là vấn đề chính trị và các quy định. Đợt sáp nhập đầu tiên giữa các sàn cách đây vài năm ít gặp cản trở từ các nhà lập pháp hơn vì quy mô của các sàn lúc đó còn nhỏ.
Singapore đã đối mặt với sự chống đối dữ dội từ các nhà lập pháp Australia về sự kết hợp giữa hai sàn chứng khoán của nước này. Tại Mỹ, các chính trị gia bày tỏ quan ngại về việc sàn chứng khoán Deutsche Boerse của Đức nắm giữ tới 60% cổ phiếu của NYSE.
Ông Larry Tabb, Giám đốc điều hành của TABB Group cho rằng: “Dù Đức là một đồng minh thân thiết của Mỹ nhưng nhưng rất khó cho người Mỹ chấp nhận sự thật rằng người Đức nắm giữ NYSE. Vụ sáp nhập giữa HKEX và Nasdaq có thể được xem là hợp lý nếu nhìn nhận từ góc độ kinh doanh, nhưng sẽ không thể vượt qua được ý nghĩ “Trung Quốc đang mua nền chính trị Mỹ”.
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)
|