Huy động vốn từ bán cổ phần, cổ phiếu riêng lẻ: Cần cởi trói!
Một trong những thông điệp của Chính phủ đưa ra đối với tất cả các bộ, ngành và địa phương đầu năm 2011 là tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một trong những điều kiện quan trọng là huy động vốn của các DN lại đang gặp khó khăn. DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Phan Đức Hiếu – Phó trưởng Ban môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về vấn đề này.
Ông Hiếu cho rằng, để sản xuất kinh doanh, DN dựa vào hai nguồn vốn cơ bản là vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng. Tuy nhiên, với lãi suất gần 20% như hiện tại, việc huy động vốn tín dụng khó có thể được DN chấp nhận. Hình thức huy động vốn bằng bán cổ phần, cổ phiếu đang là kênh các DN nhắm tới. Đây là hình thức huy động vốn mang tính an toàn và bền vững cao. Rủi ro được chia đều cho các cổ đông, cổ phần. Còn lợi nhuận cũng được chia sẻ công bằng, phân chia rộng rãi cho toàn xã hội.
- Nhưng với việc ban hành Nghị định số 01/2010, các DN lại gặp rất nhiều khó khăn khi huy động vốn bằng hình thức chào báo cổ phần riêng lẻ, thưa ông ?
Với nhiều quy định quá chặt chẽ trong phát hành cổ phần riêng lẻ, các cá nhân, tổ chức ngại mua cổ phần của các DN. Các DN muốn tăng vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu. Đặc biệt, số vốn huy động bằng hình thức chào bán cổ phần lại phải gửi vào tài khoản phong toả. Do đó, mục đích huy động vốn để nắm bắt cơ hội sản xuất kinh doanh không đạt được. Còn nhà đầu tư thì bị hạn chế quyền chuyển nhượng, nên cũng nản lòng.
- Theo ông, làm thế nào để huy động vốn tốt nhất từ các nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh ?
Có thể nói công ty cổ phần là một hình thức ưu việt của kinh tế thị trường. Việc ra đời cty cổ phần trong kinh tế thị trường được ví như việc phát kiến ra động cơ hơi nước. Cty cổ phần là một mô hình huy động được sức mạnh toàn bộ nền kinh tế. Mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tham gia đầu tư phát triển kinh tế, từ người có 1 nghìn đồng đến người có cả triệu USD.
Đối với nền kinh tế VN, việc đầu tư, hay nói cách khác là tích trữ tiền đang là một vấn đề cần phải đặt ra. Các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm, chứng khoán hay bất động sản vốn vẫn là các kênh chủ yếu. Nếu nhìn lại, thì tất cả các kênh đầu tư trên đang có vấn đề. Kể cả bất động sản, nhiều người có thể thu lợi lớn, nhưng kết cục là bất động sản cứ leo thang mãi, không biết đâu là điểm dừng.
Trong khi đó, việc đầu tư vào mua cổ phần của các DN vừa mang lại lợi ích cho nhà đầu tư vừa không phí phạm đồng vốn, lại đang bị coi nhẹ. Thực tế, với quá nhiều các quy định ngặt nghèo, các nhà đầu tư từ chỗ ngại ngần đến bỏ quên hình thức đầu tư này.
- Tuy nhiên, lại có quan điểm ngược lại, rằng việc ban hành các quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ của các cơ quan quản lý thực tế bắt nguồn từ mong muốn bảo vệ các cổ đông thiểu số, nhỏ lẻ và thúc đẩy cơ chế huy động vốn từ xã hội ?
Vấn đề mấu chốt là điểm cân bằng lợi ích. Các chính sách nhìn chung đều hướng tới một mục đích bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số, nhỏ lẻ. Từ đó, khuyến khích mọi thành phần trong xã hội có hướng đầu tư đúng đắn. Tuy nhiên, nếu làm không tốt, quản lý theo hướng giám sát chặt chẽ quá sẽ khiến hạn chế nhà đầu tư có lựa chọn đúng đắn. Cụ thể ở đây, nhà đầu tư ngại không mua cổ phần của các DN. Điều này vừa không có lợi cho DN vừa có hại cho các nhà đầu tư, vì đã bỏ lỡ mất một cơ hội đầu tư có hiệu quả.
Cởi bỏ các quy định cứng nhắc, hay nói cách khác là cân bằng lợi ích các bên đối với việc huy động vốn cho các DN cổ phần là điều cần phải làm ngay, càng sớm càng tốt. Đây cũng chính là việc cần bằng các kênh đầu tư của toàn xã hội. Nếu làm tốt, Chính phủ cũng sẽ đạt được định hướng đầu tư của toàn xã hội. Điều này sẽ khiến các kênh đầu tư khác không bị quá tải như bất động sản hay chứng khoán... ở mỗi thời kỳ, thời gian vừa qua.
- Một vấn đề khác mà các nhà đầu tư quan tâm là khi đầu tư vào đâu thì họ phải xác định được sự an toàn của đồng vốn, cũng như khả năng sinh lời. Tuy nhiên, hiện nay các công ty cổ phần vẫn rất hạn chế trong việc công khai các thông tin về chiến lược sản xuất kinh doanh hay tình hình tài chính, khả năng phát triển của mình. Vậy theo ông, đây có phải là một trong những hạn chế của hình thức huy động vốn từ chào báo cổ phần riêng lẻ ?
Đúng vậy ! So với nhiều nền kinh tế, VN là quốc gia mới tham gia kinh tế thị trường. Do đó, sự nhạy bén hay già dặn của các nhà đầu tư là chưa có. Chính vì vậy, Chính phủ muốn bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số, nhỏ lẻ thì nên ban hành các quy định rõ ràng về cơ chế cung cấp thông tin của các DN muốn chào bán cổ phần ra thị trường. Một chế tài chặt chẽ về việc cung cấp thông tin của các DN là điều các nhà đầu tư cần, chứ không phải các quy định ngặt nghèo như đã bàn ở trên.
- Xin cảm ơn ông !
Bá Tú thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|