FPT thay Tổng Giám đốc là vì lợi ích tập thể
Không phải tự nhiên mà chuyện một tập đoàn tư nhân như FPT chấp thuận đơn từ nhiệm của tổng giám đốc (CEO) cũ - ông Nguyễn Thành Nam, bổ nhiệm CEO mới - ông Trương Đình Anh lại gây xôn xao như thế.
* Uẩn khúc quanh việc FPT thay tổng giám đốc?
* FPT thay Tổng Giám đốc: Cần gương mặt mới vì mục tiêu lớn
Đơn giản chỉ vì đấy là lợi ích của hàng vạn người liên quan đến cổ phiếu FPT, chứ không chỉ vì CEO cũ từng nổi tiếng vì đoạt giải nhất toán quốc tế hoặc CEO mới đã nổi tiếng vì 10 năm trước tuyên bố: “trở thành Thủ tướng vào năm 40 tuổi”!
Trong thông cáo chính thức, FPT chỉ giải thích rằng đó là sự thay đổi “thích hợp và có lợi nhất cho những mục tiêu chiến lược trong 15 năm tới, sự phát triển ổn định của tập đoàn và nhất quán với lộ trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo”. Dù không giải thích “phù hợp nhất” là thế nào nhưng việc chọn ông Trương Đình Anh (41 tuổi) được FPT đánh giá “là người phù hợp nhất với vị trí này”. Xuất hiện trên báo, ông Nguyễn Thành Nam (50 tuổi) cũng nói lý do từ nhiệm vị trí CEO của FPT là sự sắp xếp trước của ông, việc chọn Trương Đình Anh thay thế cũng là hợp lý!
Thật ra nếu nghiên cứu kỹ báo cáo kết quả kinh doanh 2010 của FPT (phát hành sát tết Tân Mão) thì các quyết định đang gây sự chú ý dư luận cũng có lý do của nó. Cụ thể, dù mang danh là doanh nghiệp CNTT nhưng doanh thu chiếm tỉ trọng lớn nhất của FPT lại là việc... buôn điện thoại di động và đồ IT (gần 14.000 trong số hơn 20.000 tỉ đồng), chứ không phải là mảng CNTT, vốn là sở trường của Nguyễn Thành Nam. Đặc biệt về lợi nhuận thì dù doanh thu khá thấp (gần 2.500 tỉ đồng), song mảng viễn thông do Trương Đình Anh phụ trách lại đem về tới trên 600 tỉ đồng, mức cao nhất trong tập đoàn, đạt tỉ lệ tăng trưởng tới 33%.
Trong hoàn cảnh này, việc FPT thực hiện trẻ hóa lãnh đạo điều hành, chuyển giao quyền lực để khai thác thế mạnh của Trương Đình Anh là một sự lựa chọn khôn ngoan, dù dư luận khá băn khoăn bởi ông Nguyễn Thành Nam chỉ mới ngồi vị trí CEO hơn một năm. Điều băn khoăn đó có lẽ bắt nguồn từ “thói quen xã hội” nhiều hơn bởi hiện nay chỉ thấy người ta “lên” chứ không thấy ai tự nguyện “xuống”, dù có thể vị trí đang nắm giữ thực sự không phù hợp với năng lực chuyên môn, dẫn tới cản trở sự phát triển chung.
Nhưng có lẽ lý do lớn nhất buộc một tập thể lớn như FPT phải thay đổi vị trí điều hành chính là lợi ích của cả vạn người đang giao tài sản và niềm tin cho họ.
Phan Mai
PHÁP LUẬT
|