Uẩn khúc quanh việc FPT thay tổng giám đốc?
Thông tin ông Nguyễn Thành Nam, nguyên tổng giám đốc FPT từ chức được phần lớn các tờ báo tài chính đăng tải ngày 23/2 thu hút sự quan tâm của rất đông nhà đầu tư. Việc HĐQT FPT có nghị quyết về bổ nhiệm ông Trương Đình Anh ngay sau đó khiến không ít người đặt câu hỏi: có gì uẩn khúc quanh sự việc này?
* FPT thay Tổng Giám đốc: Cần gương mặt mới vì mục tiêu lớn
Người FPT cho biết, việc này không có gì bất ngờ. Ông Nguyễn Thành Nam là một trong 13 cổ đông sáng lập của FPT. Trong các cuộc tiếp xúc với báo chí sau khi nhậm chức, ông tạo ấn tượng với người đối diện về một CEO thiên về những kiến thức kỹ thuật, chuyên môn (ông Nam vốn là dân Toán tốt nghiệp tại Nga ) hơn là doanh nhân, lãnh đạo một tập đoàn tư nhân lớn. Ngay khi ông Nam nhậm chức tổng giám đốc, người FPT đã biết sẽ có một sự thay đổi nổi tiếp. Tuy nhiên, thời điểm này, với nhiều người hơi khá bất ngờ bởi ông Nam mới ở cương vị trên gần 2 năm.
Ngược lại, ông Trương Đình Anh như lời HĐQT FPT đánh giá “sự thay đổi này là thích hợp và có lợi nhất cho những mục tiêu chiến lược trong 15 năm tới, sự phát triển ổn định của Tập đoàn và nhất quán với lộ trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo”. Ông Trương Đình Anh sinh năm 1970, thuộc thế hệ lãnh đạo trẻ của FPT, được đánh giá là người có đầu óc nhạy bén, quyết đoán và đặc biệt nhiều tham vọng. Không nặng về kỹ thuật như các bậc cha anh, hiệu quả kinh doanh và thời gian đạt được mục tiêu đã đề ra là yếu tố doanh nhân này đặt vị trí số 1 khi quyết định thực hiện một dự án. FPT Telecom dưới sự dẫn dắt của ông có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 5 năm liên tiếp xấp xỉ 50%/năm; doanh thu năm 2010 đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2009.
Có một yếu tố nhiều người FPT nhận xét là ông Trương Đình Anh sử dụng nhân sự theo chiến lược khá khắc nghiệt (tận dụng tối đa sức làm việc của nhân viên, quan tâm tới lợi nhuận và ít quan tâm tới phúc lợi xã hội cho đại bộ phận người lao động). Người ta hy vọng, khi ở vị trí lãnh đạo một tập đoàn lớn với gần 20.000 nhân công, quan điểm quản trị của doanh nhân này sẽ thay đổi.
Lý do chính của việc thay đổi tổng giám đốc, theo FPT, năm 2011 là năm đầu tiên Tập đoàn thực hiện kế hoạch dài hơi với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 4 lần trong 4 năm (2011 - 2014). Con đường thực hiện mục tiêu trên được cụ thể hóa ở những bước như đảm bảo các lĩnh vực kinh doanh hiện tại tăng trưởng tốt, bên cạnh đó triển khai các hướng mới nhằm đem lại lợi nhuận đột biến gồm: Hợp tác công tư trong phát triển công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm, phần mềm và xuất khẩu phần mềm, đào tạo và kinh doanh nội dung số.
Sau cổ phần hóa vào những năm 2002-2003, FPT từng tăng trưởng ở mức rất cao 70-80%/năm, cổ tức trả cho cổ đông cũng ở mức rất cao 70-80%/năm. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu FPT với giá cao và kỳ vọng gắn bó dài hạn với doanh nghiệp. 3-4 năm qua, FPT phát triển chưa đạt kỳ vọng của nhiều cổ đông dù luôn duy trì mức độ tăng trưởng ít nhất 23%/năm. Đổi CEO lần này, hy vọng có thành hiện thực?
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|