Chứng khoán Mỹ vẫn miệt mài leo dốc
(Vietstock) - Dù chỉ tăng điểm khiêm tốn trong phiên giao dịch ngày 17/02 nhưng cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều chạm các mức cao nhất trong nhiều năm. Lợi nhuận doanh nghiệp và số liệu sản xuất lạc quan đã góp phần bù đắp số liệu lạm phát cao hơn dự báo.
* Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 14-18/02
* Mỹ: CPI cơ bản tháng 01/2011 tăng mạnh nhất trong 15 tháng
Cả 3 chỉ số chính đều khép phiên ở các mức cao nhất trong hơn 2 năm ngày thứ 2 liên tiếp.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones chạm mức cao nhất kể từ ngày 05/06/2008.
Chỉ số S&P 500 chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/06/2008. Hiện chỉ số này đã cao hơn gấp đôi so với mức thấp nhất trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính xác lập ngày 06/03/2009.
Chỉ số Nasdaq cũng chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2007.
Được biết, chứng khoán Mỹ giảm điểm vào đầu phiên do các cuộc biểu tình chống Chính phủ lan rộng tại Trung Đông và kênh truyền hình quốc gia Iran cho biết nước này đang gửi tàu chiến đến kênh đào Suez của Ai Cập.
Kể từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư mang tâm trạng lạc quan khi triển vọng kinh tế Mỹ cải thiện. Dù nỗi lo lạm phát đang dần trở lại nhưng nhà đầu tư vẫn an tâm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sẵn sàng áp dụng các biện pháp thích hợp nếu tình hình xấu đi.
Trong ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng cơ bản tháng 1 tăng 0.2% sau khi tăng 0.1% trong tháng 12/2010. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2009.
Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp và số liệu sản xuất lạc quan đã góp phần bù đắp số liệu lạm phát cao hơn dự báo và giúp chứng khoán Mỹ khởi sắc vào cuối phiên.
Cụ thể, cổ phiếu của Cliffs Natural Resources tăng 7.2% sau khi công ty công bố lợi nhuận vượt dự báo. Cổ phiếu nhà chế tạo chip đồ họa Nvidia Corp tiến 9.8% khi dự báo doanh số bán hàng cao hơn ước tính của các chuyên gia phân tích.
Trong khi đó, một báo cáo khác cho thấy hoạt động tại nhà các nhà máy thuộc khu vực Trung - Đại Tây Dương của Mỹ tiến lên mức cao nhất kể từ tháng 01/2004 trong tháng 2/2011.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones cộng 29.97 điểm (0.24%) lên 12,318.14 điểm, chỉ số S&P 500 nhận 4.11 điểm (0.31%) lên 1,340.32 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite tăng 6.02 điểm (0.21%) lên 2,831.58 điểm.
Khoảng 6.7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên ba sàn New York, American và Nasdaq; mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm tới nay.
Thị trường châu Âu đóng cửa trái chiều với chỉ số FTSE 100 của Anh nhận 2.11 điểm (0.03%) lên 6,087.38 điểm, và chỉ số CAC 40 của Pháp cộng 1.05 điểm (0.03%) lên 4,152.31 điểm, nhưng chỉ số DAX của Đức lùi 8.79 điểm (0.12%) xuống 7,405.51 điểm.
Anh Vũ (Theo Reuters, CNBC)
|