13 tỷ USD đang chạy từ các thị trường mới nổi sang phát triển
(Vietstock) - Đối lập hoàn toàn với xu hướng năm 2010, nhà đầu tư đã rút tiền khỏi các quỹ đầu tư thị trường mới nổi và đổ tiền vào các cổ phiếu vốn hóa lớn tại các nền kinh tế phát triển hơn.
Theo số liệu từ EPFR Global - tổ chức theo dõi dòng vốn đầu tư và phân bổ tài sản của các tổ chức tài chính trên toàn thế giới, chỉ trong 3 tuần qua, nhà đầu tư đã rút hơn 13 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư thị trường mới nổi.
Riêng trong tuần kết thúc ngày 03/02, nhà đầu tư đã rút khoảng 7 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Các quỹ đầu tư có dòng vốn bị thất thoát chủ yếu tập trung tại một số quốc gia như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Dù tốc độ rút vốn có chậm lại trong tuần trước, nhưng từ đầu năm đến nay, khoảng 6.5 tỷ USD đã chạy khỏi các quỹ này.
Sự rút lui này là một điều đáng chú ý bởi nhà đầu tư đã dành phần lớn thời gian trong năm 2010 để tìm kiếm lợi nhuận tại các nền kinh tế mới nổi. Các nền kinh tế này đã phục hồi nhanh hơn các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu sau khi thoát khỏi suy thoái toàn cầu.
Tại thời điểm này, nhà đầu tư lo lắng rằng giá tiêu dùng leo thang ngày càng nhanh tại các thị trường mới nổi sẽ khiến các nhà làm chính sách áp dụng thêm các biện pháp chống lạm phát quyết liệt hơn, từ đó tác động xấu đến đà tăng trưởng kinh tế.
“Nhà đầu tư không nên coi thường sự thật rằng một số quốc gia mới nổi đã thực hiện hoặc đang thảo luận các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc hạ thấp lạm phát. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư vào các quốc gia nói trên”.
Hôm 15/02, Chính phủ Trung Quốc thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 4.9% từ mức 4.6% trong tháng 12/2010. Còn trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nâng lãi suất cho vay và huy động thêm 0.25% lần thứ ba chỉ trong 4 tháng.
Trong khi đó, ông Brad Durham - Giám đốc điều hành EPFR Global cho biết triển vọng của các nền kinh tế phát triển ngày càng cải thiện với hệ số P/E của các cổ phiếu lớn tại Mỹ đang đứng ở mức thấp chưa từng có trong một thập kỷ.
Ông nói: “Sau khi ồ ạt đổ tiền vào các thị trường mới nổi trong năm 2010, nhà đầu tư đang tìm kiếm thêm giá trị từ những tài sản tại các thị trường phát triển”.
Tuần vừa qua đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp dòng vốn đổ vào các quỹ đầu tư thị trường phát triển. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư đổ vào các thị trường này đã đạt khoảng 35.5 tỷ USD.
Ông Durham cho biết nhà đầu tư đã và đang tập trung vào các tài sản được định giá thấp trên thị trường như cổ phiếu của các công ty lớn tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Dòng vốn đầu tư đổ vào Mỹ tiếp tục phục hồi nhanh. Từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 5%. Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây của CNNMoney, các chiến lược gia đầu tư cũng như các giám đốc quản lý quỹ kỳ vọng S&P 500 sẽ tăng 11% trong năm 2011.
Tuy nhiên, sự thất thoát của dòng vốn không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư hoàn toàn đánh mất sự quan tâm đến các thị trường mới nổi.
Ông Bruce Thompson, Chủ tịch Thompson Wealth Management tại Concord, bang Massachuset nhận định: “Nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận cao từ sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, cũng cẫn phải chuẩn bị cho sự điều chỉnh”.
Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố thời vụ.
Nhiều nhà đầu tư thường cân đối lại danh mục đầu tư vào đầu năm nhằm chuẩn bị cho các tháng tiếp theo và chốt lời đối với các tài sản đầu tư trong năm trước.
Ông Durham cho rằng: “Khi một nhà đầu tư bắt đầu tái phân bổ danh mục đầu tư, họ sẽ bán các tài sản có lời cao và mua vào các tài sản bị định giá thấp".
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)
|