Thu nhập không theo kịp thuế:
Nhiều khoản giảm trừ chưa được ghi nhận
Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Cục Thuế TP.HCM - cho rằng mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay chưa thỏa đáng, chưa thể hiện sự ghi nhận của cơ quan thuế đối với gia cảnh từng lao động. Ông Sơn nói:
- Trong quá trình nghiên cứu thuế TNCN, tôi thấy quan điểm của Singapore rất hay. Đó là chủ trương của chính phủ đưa ra thuế suất thấp để người dân thấy số thuế phải nộp không đáng kể so với thu nhập họ nhận được, mặt khác quy định hình phạt nghiêm khắc nếu bị phát hiện trốn thuế. Song song đó, Chính phủ có nhiều hình thức tuyên dương người nộp thuế khiến họ cảm thấy tự hào về việc được nộp nhiều thuế.
Người đóng thuế cao cảm thấy tự hào vì đóng góp nhiều cho đất nước và là dấu hiệu chứng tỏ mình là người tài giỏi, thành đạt. Mối nguy hiểm do bị phát hiện trốn thuế cao gấp nhiều lần so với số thuế trốn, vậy tại sao không chủ động kê khai đúng số thuế phải nộp! Để người dân mạnh dạn khai thuế, ở Mỹ còn cho phép họ kê khai cả những nguồn thu nhập bất hợp pháp.
Từ kinh nghiệm của các nước, tôi cho rằng trong giai đoạn đầu cơ quan thuế chỉ nên đặt mục tiêu kiểm soát được các nguồn thu của người nộp thuế, sau đó mới nghĩ đến việc điều tiết thuế ở mức cao hơn. Nên hạ mức thuế suất (hoặc tăng mức giảm trừ gia cảnh) và tăng độ giãn giữa các bậc thuế suất. Số thuế thu bị giảm sẽ được bù đắp bằng cách tập trung lực lượng nhằm kiểm tra cho được thu nhập của những người có thu nhập cao.
Như vậy số thuế thu được sẽ nhiều hơn, đồng thời không gây áp lực lên những người có thu nhập thấp trong xã hội, khiến họ phải tìm mọi cách lách thuế. Nhật Bản xây dựng chính sách thuế TNCN hoàn chỉnh phải mất đến 55 năm. Trong điều kiện VN, nếu tận dụng kinh nghiệm của nước ngoài để “đi tắt đón đầu” thì khoảng 20 năm nữa chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thiện được chính sách thuế TNCN.
"Cho người nộp thuế trừ chi phí tạo ra thu nhập, cơ quan thuế được nhiều hơn mất. Khi đó, người nộp thuế sẽ tự động yêu cầu đơn vị bán hàng xuất hóa đơn để họ đưa vào chi phí. Người dân cũng mạnh dạn chi tiêu, mua sắm, kích thích sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu thuế giá trị gia tăng"
Ông Nguyễn Thái Sơn |
* Ở các nước khác, người dân có bị áp lực khi phải đóng thuế?
- Ở các nước tiên tiến, thuế TNCN được xem là sắc thuế “vua” do cơ sở tính thuế dựa trên năng lực kiếm tiền của từng cá nhân. Người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh, giảm trừ chi phí tạo ra thu nhập, do vậy cùng mức thu nhập nhưng số thuế phải nộp của từng người sẽ khác nhau.
Mặt khác, do thuế suất căn cứ theo biểu thuế lũy tiến nên cơ quan thuế có thể điều tiết thuế suất phù hợp với năng lực từng cá nhân. Thuế TNCN đánh trực tiếp vào thu nhập của từng cá nhân, do vậy không gây tác động xấu đến giá cả hàng hóa, dịch vụ. Ở Mỹ, thuế TNCN chiếm rất cao trong tổng nguồn thu, tại Nhật chiếm hơn 31%. Tương tự ở Anh, Đức, Ý, thuế TNCN chiếm 35-39% trong tổng nguồn thu.
Ở các nước, chính sách thuế TNCN hoàn chỉnh đòi hỏi tổng hợp tất cả nguồn thu nhập rồi mới áp dụng biểu thuế suất lũy tiến. Trong điều kiện của VN, chúng ta mới có thể áp dụng biểu thuế lũy tiến đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương; những thu nhập khác như chuyển nhượng vốn, đầu tư vốn, chuyển nhượng bất động sản... đều phải chịu mức thuế cố định.
Phương thức xác định thu nhập chịu thuế của mình chưa thật xác đáng vì chúng ta chỉ mới chấp nhận giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và những người phụ thuộc. Trong khi còn rất nhiều khoản giảm trừ quan trọng khác lại chưa được ghi nhận như chi phí tạo ra thu nhập... Lấy ví dụ, nhiều luật sư, bác sĩ có thu nhập vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một tháng. Nhưng để có thu nhập này họ thường xuyên phải bỏ rất nhiều chi phí để không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ.
Chưa kể trong quá trình tạo ra nguồn thu nhập họ phải bỏ ra nhiều chi phí khác như trang thiết bị hành nghề... Tuy nhiên hiện nay những chi phí hợp lý đó lại không được cơ quan thuế chấp nhận, tất cả mọi người nộp thuế đều chỉ được cơ quan thuế “khoán” cho 4 triệu đồng/tháng. Nhiều khoản thu nhập khác, kể cả phụ cấp độc hại, chăm sóc y tế... đều phải đóng thuế.
Các bước xác định thuế thu nhập tại các nước và tại VN.
* Các nước: Thu nhập ban đầu -> khấu trừ chi phí tạo ra thu nhập -> giảm trừ gia cảnh -> thu nhập tính thuế
* VN: Thu nhập ban đầu -> giảm trừ gia cảnh -> thu nhập tính thuế |
Ở Nhật, ngoài chi phí đảm bảo cuộc sống tối thiểu có rất nhiều thu nhập khác được miễn trừ và giảm trừ. Trong đó quan trọng nhất người nộp thuế được trừ chi phí tạo ra thu nhập và một số khoản như phụ cấp thôi việc, khấu trừ lương hưu. Một số ngành nghề đặc biệt còn được khấu trừ phụ cấp thanh sắc, phụ cấp độc hại...
Với người nộp thuế được trừ nhiều khoản mang tính chiếu cố đến cá nhân từng người nộp thuế như khấu trừ cho người lập gia đình, nuôi dưỡng con cái, khấu trừ giáo dục, ưu đãi cho người tàn tật, góa bụa, sinh viên vừa học vừa làm, chăm sóc y tế... Như vậy mới đúng nghĩa là thu nhập chịu thuế và người nộp thuế mới thấy thỏa đáng. Nói cách khác, một khi ghi nhận được những khoản chi phí chính đáng này thì chính sách thuế mới hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và công dân.
* Nhiều người cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa thỏa đáng?
- Thời điểm đưa ra mức giảm trừ đến nay đã năm năm. Vào thời điểm đó mức giảm trừ gia cảnh có thể phù hợp. Nhưng trong khoảng thời gian năm năm, giá cả sinh hoạt đã thay đổi rất nhiều mà mức giảm trừ vẫn cố định sẽ khó tránh khỏi khó khăn cho người nộp thuế. Theo tôi, không nên cố định mức giảm trừ mà nên dựa theo một tiêu chí nào đó như mức lương tối thiểu và cho phép mức giảm trừ gia cảnh biến động theo đó. Mặt khác, hiện nay bậc thuế quá dày, do vậy thu nhập chỉ cần nhích lên một vài triệu đồng là đã rơi vào bậc thuế khác.
* Ở các nước, làm cách nào hạn chế thất thu thuế?
- Ở Nhật, 82% thuế TNCN được khấu trừ tại nguồn, 18% còn lại do kê khai. Mỗi khi công ty chi trả cho người lao động qua ngân hàng thì những dữ liệu này đều được truyền về ngân hàng nhà nước để “chảy” về hệ thống kiểm tra dữ liệu của cơ quan thuế. Như vậy cơ quan thuế chỉ cần quản lý chặt cơ quan chi trả. Bộ máy hành thu rất gọn nhẹ.
Tôi từng đặt câu hỏi “Nhật Bản có bị thất thu thuế không?” với ông Kenichiro Otake - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nhật Bản - và ông đã trả lời rằng có. Tuy nhiên đó chỉ là thiểu số, rơi vào những trường hợp nộp thuế theo dạng kê khai, chỉ chiếm 18% tổng nguồn thuế TNCN. Cơ quan thuế Nhật cũng không dại gì tập trung lực lượng để kiểm soát nguồn thu này vì như vậy hành thu sẽ không hiệu quả. Trong khi đó tại VN, do không kiểm soát được người có nhiều nguồn thu nhập nên cơ quan thuế chỉ có thể thu thuế dựa vào sự tự giác của người có thu nhập. Thất thu thuế là điều không thể tránh. |
Ánh Hồng thực hiện
TUỔI TRẺ
|