5 thủ thuật thương mại Trung Quốc dưới con mắt doanh nghiệp Mỹ
(Vietstock) - Hoạt động thương mại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước lại không cân bằng.
* Mỹ-Trung ký các thỏa thuận trị giá 570 triệu USD
* Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận xuất khẩu 45 tỷ USD
* Căng thẳng tiền tệ Mỹ - Trung leo thang trước giờ G
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ tính riêng trong năm 2009, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là 263 tỷ USD, chiếm khoảng 2/3 tổng thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm đó.
Thâm hụt thương mại của Mỹ xấu đi do một số nguyên nhân.
Việc mua quá nhiều hàng hóa Trung Quốc đồng nghĩa với việc đồng USD đang dịch chuyển từ Mỹ qua Trung Quốc. Và sau đó, người Trung Quốc dùng những đồng USD đó để mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Điều này cho phép Mỹ tiếp tục vay mượn nhưng chính những người nộp thuế lại phải trả lãi cho các khoản vay này.
Thâm hụt thương mại cho thấy số việc làm để tạo tất cả sản phẩm này tại Mỹ đều đến từ nước ngoài.
Trong nhiều năm, doanh nghiệp Mỹ cho rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc không phải do sản phẩm Mỹ kém chất lượng hoặc người tiêu dùng Mỹ tham lam. Họ cho rằng Trung Quốc lên chính sách để đẩy mạnh sự mất cân bằng này với 5 thủ thuật thương mại chính.
Thao túng tiền tệ
Cho đến nay, đây là vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp Mỹ khi Trung Quốc không cho phép đồng Nhân dân tệ (NDT) được giao dịch tự do. Thay vào đó, Trung Quốc neo giá đồng NDT theo đồng USD ở mức thấp giả tạo.
Điều này tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ vì giá hàng hóa Mỹ tại Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn và sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn tại Mỹ. Các ước tính cho thấy đồng nội tệ của Trung Quốc được định giá thấp từ 10% đến 40%.
Ông Alan Tonelson - nhà nghiên cứu của Hội đồng Công nghiệp và Thương mại Mỹ, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ cho biết: Đây là vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt”.
Được biết, Trung Quốc đã cho phép đồng NDT tăng giá nhẹ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chính quyền Obama sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc tăng giá đồng NDT nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, đây là một yêu cầu ít khả thi.
Hạn ngạch và chi phí xuất khẩu
Theo luật sư thương mại Terence Stewart, khi Trung Quốc gia nhập WTO cách đây 10 năm, nước này được phép áp dụng hạn xuất khẩu đối với 84 nguyên liệu thô có giá trị, chẳng hạn như hoàng thạch, một khoáng chất được sử dụng trong tủ lạnh.
Chính phủ Trung Quốc áp mức thuế xuất khẩu 15% đối với khoáng sản hoàng thạch, giúp giá khoáng sản này rẻ hơn tại Trung Quốc so với các nước khác trên thế giới. Điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyết định địa điểm xây dựng nhà máy của công ty sản xuất tủ lạnh.
Ông Stewart cho biết hiện Trung Quốc đang áp dụng hạn ngạch xuất khẩu trên 340 sản phẩm, bao gồm nhiều mặt hàng từ than cốc dùng trong chế tạo thép cho đến các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong các tiện ích công nghệ cao. Điều này vi phạm các quy định của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mua hàng Trung Quốc
Hiện Stewart đang đại diện hợp pháp cho các nhà sản xuất thép trong một vụ kiện trước WTO liên quan đến việc Trung Quốc yêu cầu cối xay gió và hầu hết các công nghệ năng lượng tái tạo khác đều phải được xây dựng tại Trung Quốc, với thiết kế của người Trung Quốc, để được hưởng trợ cấp chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc có rất nhiều quy định “mua nội bộ”. Theo đó, việc sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đều phải được thực hiện tại Trung Quốc.
Điều này đặt các công ty Mỹ vào tình thế bất lợi và Trung Quốc thường đòi hỏi họ phải chia sẻ thông tin độc quyền nếu họ muốn tiếp cận với thị trường đầy hấp dẫn của Trung Quốc.
Các công ty Mỹ cũng quan ngại về quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Họ cáo buộc công ty Trung Quốc ăn cắp thiết kế và sau đó bán ra trên thị trường mở với mức giá thấp hơn.
Trợ cấp xuất khẩu
Tương tự như hầu hết các nước khác, Trung Quốc cũng có một ngân hàng xuất nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, ông Stewart cho biết số tiền mà ngân hàng của Trung Quốc cung cấp nhiều gấp năm lần số tiền mà Mỹ bỏ ra, thường dưới các khoản vay lãi suất thấp cho các nhà xuất khẩu.
Ông cho rằng kết quả là số tiền trợ cấp 300 tỷ USD dưới dạng các sản phẩm có trợ cấp, điều được xem là vi phạm các quy định của WTO.
Bán phá giá
Điều này xảy ra khi sản phẩm được xuất khẩu với giá thấp hơn chi phí sản xuất.
Ông Hamilton Loeb, Giám đốc Bộ phận thực hành luật thương mại quốc tế tại Hãng luật Paul Hastings cho biết người Trung Quốc bị tố cáo bán phá giá lốp xe và gần đây là ống khoan được sử dụng tại các giếng dầu khí vào thị trường Mỹ.
Anh Vũ (Theo CNN Money)
|