Trước tình trạng biến động của tỷ giá, nhiều doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng đều lấy một ngoại tệ mạnh nào đó làm chuẩn để tính giá hàng hóa, dịch vụ. Giao dịch nói trên có bị xem là trái pháp luật? Xung quanh vấn đề này vẫn còn chưa có sự thống nhất, thậm chí ‘chỏi” nhau giữa cơ quan quản lý hành chính và cơ quan xét xử.
Ngân hàng Nhà nước: trái luật!
Thói quen sử dụng ngoại tệ, chủ yếu là đồng đô la Mỹ để tính giá hàng hóa, dịch vụ được các doanh nghiệp khai thác triệt để, nhất là vào lúc đồng nội tệ đang trên đà mất giá như hiện nay. Đây là cách giúp cho bên cung cấp bảo đảm được giá trị hàng hóa, dịch vụ của mình nhưng ngược lại gây thiệt hại không nhỏ cho các đối tượng tiêu dùng.
Ngay cả các hãng luật cũng phải “kêu trời” do tiền thuê văn phòng liên tục bị điều chỉnh, tăng lên theo tỷ giá đồng đô la. Luật sư Trần Anh Đức, Giám đốc Công ty luật Vilaf-Hồng Đức cho biết tiền thuê văn phòng của công ty này khoảng 25.000 đô la Mỹ/tháng. Tuy nhiên, trong vòng một năm qua, với mức tăng của tỷ giá từ 18.500 đồng/đô la lên 19.500 đồng/đô la, mỗi tháng công ty phải trả thêm 25 triệu đồng theo yêu cầu của bên cho thuê.
Bức xúc vì bị “bắt bí”, một hãng luật vừa mới có công văn hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trường hợp thuê mặt bằng của mình. Nguyên công ty có ký hợp đồng thuê văn phòng của một tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội. Giá thuê mặt bằng, phí dịch vụ, tiền đặt cọc và tiền trông giữ xe đều được tính bằng đô la Mỹ nhưng được trả bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá bán ra của ngân hàng công bố vào thời điểm thanh toán. Mặc dù, trong quá trình thương lượng bên thuê đề nghị các khoản tiền này được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam, tuy nhiên bên cho thuê vẫn không chấp nhận. Do vậy, công ty đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các bên phải làm gì để tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi nhận được công văn nói trên đã có văn bản trả lời, khẳng định “trường hợp này có dấu hiệu vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam tại Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối”. Tuy nhiên, văn bản của cơ quan quản lý tiền tệ không chỉ rõ hành vi vi phạm cụ thể là gì vì theo Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP có tới bốn trường hợp sử dụng ngoại hối bị nghiêm cấm gồm: “giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo”. Theo ý kiến của một luật sư, vi phạm ở đây có thể rơi vào trường hợp “giao dịch” bằng ngoại hối bị nghiêm cấm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội và TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra tình trạng một số doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản có hành vi niêm yết, ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư bằng ngoại tệ. Công văn này cho rằng đây là “hành vi không những vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân”.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã xử phạt hành chính hai công ty Phú Mỹ Hưng và Hoàng Quân, mỗi doanh nghiệp 8,5 triệu đồng do đã niêm yết cũng như quy định trong hợp đồng giá mua bán căn hộ chung cư với khách hàng bằng đô la Mỹ cho dù việc thanh toán các bên thỏa thuận bằng đồng Việt Nam.
Tòa án: không vô hiệu!
Trong khi các cơ quan quản lý tiền tệ cho là vi phạm thì cũng với hành vi đó khi giải quyết tranh chấp cơ quan tòa án lại có quan điểm khác. Hướng dẫn vấn đề này, Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chia ra làm hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, nếu hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ mà một hoặc các bên ký kết không được phép thanh toán bằng ngoại tệ thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Trường hợp thứ hai, nếu hợp đồng thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam thì hợp đồng không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Như vậy, nghị quyết này chỉ xem xét ở khía cạnh thanh toán, tức là hợp đồng vẫn được công nhận hợp pháp nếu đảm bảo được điều kiện thanh toán bằng đồng Việt Nam cho dù có thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ. Thậm chí, theo ý kiến của một số thẩm phán, trên thực tế việc xét xử có phần còn thoáng hơn. Chẳng hạn như đối với trường hợp thứ nhất (hợp đồng thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ) có tòa không tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ như hướng dẫn của TANDTC mà chỉ tuyên vô hiệu một phần hợp đồng về điều khoản thanh toán, đồng thời cho phép các bên thỏa thuận lại theo hướng thanh toán bằng đồng Việt Nam.
Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Phó chánh Tòa Kinh Tế TPHCM cho rằng việc nghị quyết của TANDTC chỉ tập trung vào vấn đề thanh toán không phải không có cái lý của nó. Bởi điều khoản thỏa thuận về thanh toán là một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng, còn niêm yết thì hoàn toàn chẳng liên quan gì ở đây cả. Quy định về niêm yết chỉ liên quan về mặt quản lý nhà nước, nằm ngoài thỏa thuận của hợp đồng và vì vậy theo ông Phú, không cần thiết phải đưa vấn đề niêm yết để xem xét hợp đồng khi các bên có tranh chấp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hợp đồng không chỉ có điều khoản về thanh toán mà còn có thỏa thuận về giá cả và các thỏa thuận khác. Trong khi đó, luật không chỉ cấm hành vi niêm yết, thanh toán hay quảng cáo bằng ngoại hối mà cấm cả “mọi giao dịch bằng ngoại hối”. Đây là một khái niệm với nội hàm rất rộng, trong đó bao gồm cả hợp đồng, giao kết… và dĩ nhiên có cả vấn đề thỏa thuận về giá cả khi giao kết hợp đồng. Do vậy, nếu “căn” đúng theo quy định của pháp luật thì việc thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ cũng phải bị xem là vi phạm điều cấm của pháp luật. Nói cách khác, hợp đồng phải bị vô hiệu. Thậm chí, theo một cán bộ của Phòng Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố TPHCM, kể cả trong trường hợp các bên có thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam nhưng lấy biến động của tỷ giá ngoại tệ để làm cơ sở điều chỉnh giá cả thì vẫn có thể rơi vào trường hợp “giao dịch bằng ngoại hối” bị nghiêm cấm. “Vi phạm ở chỗ, các bên vẫn áp giá trị ngoại tệ, dùng giá trị ngoại tệ để thực hiện giao dịch”- vị cán bộ giải thích.
Rõ ràng, các quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngoại hối vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi. Đây là vấn đề cần được Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ hoặc một thông tư liên tịch giữa TANDTC và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải thích rõ ràng, ngõ hầu pháp luật được thực thi một cách có hiệu quả.
Ba “chiêu” đối phó
Luật sư Nguyễn Hữu Phước (Công ty luật P&P) cho biết để tránh bị cơ quan quản lý nhà nước “thổi còi”, các công ty cho thuê văn phòng hiện có ba “chiêu” đối phó.
Một, là đề nghị bên thuê cùng sửa đổi hợp đồng bằng phụ lục. Theo đó, giá thuê và việc thanh toán được tính bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, giá thuê sẽ được điều chỉnh tại mỗi kỳ thanh toán nếu tỷ giá của đồng đô la Mỹ có sự biến động tăng so với tỷ giá tại ngày ký phụ lục. Hai, là bổ sung vào hợp đồng một điều khoản ghi chung chung là giá thuê sẽ được sửa đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng. Mặc dù không ghi thẳng vào hợp đồng, tuy nhiên cứ đến kỳ thanh toán nếu tỷ giá đô la Mỹ tăng thì bên cho thuê lại căn cứ vào đó để yêu cầu bên thuê thanh toán theo mức tăng tương ứng. Ba, là tìm cách cắt hợp đồng nếu bên thuê “làm căng”. Ví dụ như tăng giá thuê và các loại phí dịch vụ thật cao lên hoặc không chấp nhận gia hạn khi thương lượng để tái ký hợp đồng.
Theo luật sư Phước, trong tất cả các trường hợp trên thì trường hợp nào bên thuê cũng ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và phải đành “cắn răng” chịu chấp nhận thiệt hại vì họ đã lỡ thuê, lỡ đầu tư nội thất rất tốn kém. Hơn nữa, mỗi lần di chuyển trụ sở làm việc là mỗi lần khó khăn, không ai muốn như vậy cả.
Phạt, tịch thu hay hoàn trả?
Theo điều 22 Pháp lệnh ngoại hối ngày 13-12-2005 và điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ, “trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”, trừ một số giao dịch, đối tượng được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, hình thức và mức xử lý đối với các trường hợp vi phạm nói trên lại chưa được quy định thống nhất.
Theo Nghị định 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trường hợp “mua, bán, thanh toán, cho vay ngoại tệ với nhau niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” thì bị phạt tiền từ 5-12 triệu đồng (không phạt bổ sung).
Trong khi đó, theo Nghị định 107/2008/NĐ-CP ngày 22-9-2008 về xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại, đối với hành vi “niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc thu tiền bán hàng, phí dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép” thì bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng kèm theo phạt bổ sung như tịch thu số ngoại tệ vi phạm; tước giấy phép kinh doanh…
Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC lại hướng dẫn khác. Trong trường hợp do thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ mà hợp đồng vô hiệu toàn bộ thì xử lý theo hướng bên nhận phải hoàn trả cho bên giao số ngoại tệ đã nhận. |
Nguyên Tấn