Vụ tặng bệnh nhân nghèo thuốc kém chất lượng:
Phytopharma tặng thuốc đã nằm trong kế hoạch tiêu hủy
Liên quan đến vụ Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 (Phytopharma) làm từ thiện bằng cách tặng hơn 300 thùng thuốc kém chất lượng cho bệnh nhân nghèo, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đã có sự tùy tiện trong quy trình quản lý của công ty này đối với lô hàng trên.
|
Một trong các loại thuốc được Phytopharma làm từ thiện |
Ngày 4-12, sau khi Tuổi Trẻ thông tin về việc Phytopharma tặng đoàn y bác sĩ Chi hội Thiện Đức (Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM) 300 thùng thuốc Okadol Fizz và 6 thùng Platra để tặng bệnh nhân nghèo, bà Nguyễn Thị Thanh Phương - giám đốc xuất nhập khẩu của Phytopharma - đã đến gặp phóng viên và cho rằng số thuốc trên vẫn có chất lượng tốt.
Tiền hậu bất nhất
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 7-2009 bộ phận kiểm nghiệm của Phytopharma phát hiện lô thuốc Okadol Fizz gồm 13.527 hộp (mỗi hộp gồm 12 vỉ x 4 viên) bị phồng vỉ nên kết luận không đạt chất lượng về mặt cảm quan. Đây là lô hàng trong hợp đồng mua bán của Phytopharma với Công ty TNHH dược phẩm Minh Tâm (một dạng nhập ủy thác) từ tháng 10-2008 (có hạn sử dụng đến đầu năm 2012). Do đó, tháng 3-2010 Phytopharma gửi công văn thông báo đề nghị Công ty TNHH dược phẩm Minh Tâm xác nhận để tiêu hủy và chịu toàn bộ tổn thất với lô hàng trị giá hơn 798 triệu đồng này. Sau khi Công ty TNHH dược phẩm Minh Tâm đồng ý và ngày 10-11-2010 hội đồng xử hủy thuốc của Phytopharma đã họp và quyết định đưa lô hàng này vào danh mục tiêu hủy.
Một ngày sau, 11-11-2010, Phytopharma nhận được công văn của đoàn y bác sĩ Chi hội Thiện Đức đề nghị hỗ trợ thuốc cho chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo vùng sâu vùng xa. Và theo đề xuất của dược sĩ Nguyễn Thị Xuân Thảo (chuyên viên kiểm nghiệm), bà Nguyễn Thị Thanh Phương đã duyệt “xuất cho từ thiện 300 thùng Okadol, 6 thùng Platra” và được tổng giám đốc duyệt thông qua. Ngay trong ngày, số thuốc trên đã được xuất kho và giao cho Chi hội Thiện Đức.
Đáng lưu ý, chính dược sĩ Thảo là người từng ký kết luận kiểm nghiệm “không đạt chất lượng về mặt cảm quan” và chính bà Phương với vai trò là thành viên hội đồng xử hủy thuốc trước đó cũng đã thống nhất kết luận số thuốc trên phải được tiêu hủy. Riêng dược sĩ Thảo đồng thời là thành viên đoàn y bác sĩ Chi hội Thiện Đức và là người đứng ra nhận số thuốc trên.
Làm việc với phóng viên, bà Phương đưa ra một bản đề xuất ký tên dược sĩ Nguyễn Thị Xuân Thảo, trong đó nêu lý do là hai loại thuốc này tuy “bao bì không tốt, bị móp méo nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng” nên đề xuất làm từ thiện cho bệnh nhân nghèo, tránh lãng phí.
Vẫn... đạt chất lượng(!)
Sau khi nhận được thuốc từ Phytopharma, từ ngày 12 đến 15-11, đoàn y bác sĩ Chi hội Thiện Đức đã phát cho các tổ chức, cá nhân tại TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Lâm Đồng... tổng cộng 71 thùng Okadol và Platra. Một lãnh đạo của Chi hội Thiện Đức cho biết sau đó phát hiện số thuốc trên bị bong vỉ nên chi hội đã thông báo cho Phytopharma.
Ngày 26-11, chi hội nhận được kết quả kiểm nghiệm do Phytopharma cung cấp kết luận thuốc vẫn có chất lượng tốt. Tuy nhiên, lúc này cơ quan công an đã vào cuộc xác minh quy trình tiêu hủy thuốc của Phytopharma nên chi hội đã tạm ngưng, không sử dụng số thuốc còn lại để phát từ thiện nữa.
Dược sĩ Phan Thành Lay - giám đốc Phytopharma - nói hai loại thuốc (thuốc Okadol Fizz viên sủi trị cảm cúm và thuốc Platra trị đau bao tử đều do Ấn Độ sản xuất) mà công ty đem cho Chi hội Thiện Đức vẫn còn hạn sử dụng và chất lượng, nhưng do công ty nhập về bán không được vì vỉ thuốc Okadol Fizz có những viên bị phồng, còn Platra bị móp, rách vỏ hộp.
Vì thế sẵn cuối năm công ty xử lý hủy bỏ những lô hàng hết hạn sử dụng thì đưa vào xử hủy luôn. Khi Chi hội Thiện Đức có văn bản xin thuốc để đi khám chữa bệnh từ thiện thì công ty xuất cho. Công ty cũng đã đưa thuốc Okadol Fizz đi kiểm nghiệm (định tính và định lượng - PV) thấy chất lượng vẫn đảm bảo.
Trong khi đó do không được thông báo về việc đem thuốc tặng cho đơn vị từ thiện nên ngày 17-11, dược sĩ Nguyễn Văn Phận - phó tổng giám đốc Phytopharma, chủ tịch hội đồng xử hủy thuốc - khi giám sát việc tiêu hủy tại Công ty Môi Trường Xanh mới phát hiện số lượng Okadol và Platra không đủ như danh mục đã duyệt. Do đó ông Phận đã đề nghị phía Công ty Môi Trường Xanh niêm phong lô hàng và hoãn việc tiêu hủy.
Về việc vì sao đã xuất tặng 306 thùng thuốc cho từ thiện nhưng biên bản giao nhận cho Công ty Môi Trường Xanh để tiêu hủy vẫn thể hiện là giao đủ theo hợp đồng đã ký, ông Lay nói là do sơ suất của nhân viên khi làm việc.
Thuốc kém chất lượng phải hủy bỏ
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề chất lượng thuốc, dược sĩ Nguyễn Văn Mô - nguyên viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (thuộc Bộ Y tế) - cho biết thuốc kém chất lượng là thuốc có hàm lượng vẫn đạt nhưng các chỉ tiêu khác không đạt như bao bì bị phồng, rách, móp méo, chữ in lem nhem, không rõ nét; màu sắc thuốc không còn nguyên thủy, có khả năng thuốc đã bị biến chất, hoạt chất của thuốc đã sinh ra những tạp chất có tác dụng phụ nào đó.
Theo dược sĩ Mô, nhà sản xuất thuốc khi đóng vỉ phải thực hiện quy trình cực kỳ nghiêm ngặt về độ kín. Khi bao bì thuốc đã bị phồng, rộp sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của thuốc. Không thể nói bao bì tuy bị phồng, rách nhưng thuốc còn đạt hàm lượng.
Muốn xác định thuốc còn đạt chất lượng hay không, ngoài định lượng thuốc còn phải kiểm nghiệm các chất khác có liên quan, kiểm nghiệm độ rã, độ tan, độ giải phóng hoạt chất có đúng thời gian, đúng nồng độ và nhiều cách thử khác.
Thậm chí còn phải thử tương đương sinh học mới xác định được còn tác dụng cho cơ thể không. Nếu không xác định lại các chỉ tiêu này, khi uống vào người không có tác dụng mà còn gây hại cho sức khỏe.
Theo dược sĩ Mô, nếu một đơn vị thấy thuốc bị hư hỏng bao bì nhưng chất lượng còn đạt thì muốn sử dụng lại cho người bệnh cũng phải theo quy trình rất nghiêm ngặt, phải đóng lại bao bì, phải được hội đồng thẩm định chất lượng thuốc Bộ Y tế xem xét, lập biên bản kiểm tra lại, nếu đạt chất lượng mới được phép đưa ra thị trường. Nếu không đạt chất lượng thì phải hủy hết.
“Nếu công ty đã đưa thuốc vào danh mục để tiêu hủy mà sau đó lại đem cho làm từ thiện thì càng sai” - dược sĩ Mô nói. |
Nguyễn Triều - Lê Thanh Hà
tuổi trẻ
|