Nền kinh tế có thể bất ổn vì mong muốn chủ quan
Bộ Công Thương đang phải vật lộn tìm lời giải cho bài toán huy động 6 tỉ đô la Mỹ/năm, để giải quyết vấn đề thiếu điện đang ngày một trở nên trầm trọng.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải lại đang nghiên cứu để đề xuất lại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang, với tổng kinh phí có thể đến 22 tỉ đô la Mỹ. Đề xuất các chương trình, dự án phát triển lớn là chức trách của các bộ. Nhưng khi đưa ra xem xét ở cấp Chính phủ, nó phải được cân nhắc một cách toàn diện. Mọi quyết định đều phải dựa trên mục tiêu giải quyết những nhu cầu cấp bách và cơ bản của toàn bộ nền kinh tế. Bằng không, sẽ là lãng phí và để lại hậu quả khôn lường.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập nghiêm trọng. Đó là tình trạng thiếu điện triền miên; cơ sở hạ tầng giao thông quá yếu kém, ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí sản xuất kinh doanh; hạ tầng đô thị quá tải, làm cho tình trạng ách tắc giao thông, ngập lụt ngày một trầm trọng; môi trường sống bị tàn phá nặng nề, để lại những hậu quả vô cùng lớn về kinh tế và xã hội.
Đáng ngại nhất là những bất ổn vĩ mô, thể hiện qua lạm phát cao, nhập siêu lớn đang đe dọa trực tiếp tới sự phát triển ổn định của cả nền kinh tế và đời sống của mọi người dân. Chính vì vậy, mọi chương trình đầu tư phát triển, đặc biệt là những dự án lớn như đường sắt cao tốc, đồ án quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội, khai thác và chế biến bauxite… chỉ có thể quyết định thực hiện khi và chỉ khi nó giúp ích cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách kể trên của nền kinh tế. Tất cả chương trình đầu tư chưa thực sự cần thiết, hiệu quả kém hoặc thậm chí là có nguy cơ làm gia tăng lạm phát, nhập siêu, đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế, thì dứt khoát phải loại bỏ.
Ngân sách của Chính phủ hiện đang trong tình cảnh giật gấu vá vai, thiếu trước hụt sau. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta phải biết sử dụng nguồn vốn eo hẹp một cách khôn ngoan, đầu tư vào những nơi có hiệu quả nhất. Nếu cứ bay bổng với ý muốn xây dựng những công trình “để đời” cho thế hệ mai sau, muốn có những dự án với công nghệ hiện đại nhất của thế giới, mà không tính đến hiệu quả, thì hậu quả sẽ khôn lường. Tới lúc ấy, cái mà thế hệ mai sau được thừa hưởng không chỉ có những công trình vĩ đại, mà còn cả gánh nặng nợ nần. Quan trọng hơn, nền kinh tế có thể rơi vào bất ổn vì những công trình “để đời” nhưng kém hiệu quả, với những món nợ khổng lồ do nó tạo ra.
Đến nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam tính theo GDP đã lên tới 51,6%. Mặc dù một số quan chức của Bộ Tài chính đã trấn an rằng, tỷ lệ đó vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn thấy chưa an tâm, nhất là khi số tuyệt đối về nợ đang tăng rất nhanh. Chỉ trong 10 năm qua, mức nợ đã tăng hơn 5,6 lần, lên 50,9 tỉ đô la Mỹ. Đáng ngại hơn, những mầm mống gây bất ổn cho nền kinh tế giờ đây đã trở thành mối đe dọa thường trực, mà nguyên nhân chủ yếu là từ sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả. Sự vỡ nợ của một số nền kinh tế ở châu Âu, như Ireland vốn từng được xem là một “phép màu”, đáng cho chúng ta suy ngẫm.
tbktsg
|