Thứ Ba, 30/11/2010 17:28

Cử tri bức xúc vì “đại gia” muốn mua nhà ở xã hội

Cử tri Hà Nội góp ý về hoạt động của Quốc hội.

“Khen” Quốc hội đã có một kỳ họp chất lượng, song cử tri cũng “phê” nhiều chính sách chậm đi vào cuộc sống, nên trong thực tế vẫn có cảnh đại gia đi xe hơi nộp đơn xin mua nhà dành cho người có thu nhập thấp.

Buổi tiếp xúc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với cử tri hai quận Cầu Giấy, Ba Đình sáng 30/11 cho thấy, nhiều cử tri đã theo sát diễn biến nghị trường tại kỳ họp thứ tám vừa qua.

Theo cử tri Nguyễn Quang Vinh (Mai Dịch, Cầu Giấy), đây là một trong những kỳ họp “sôi nổi nhất, chất lượng nhất, nóng nhất”. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã hướng vào nhiều vấn đề trọng tâm trọng điểm của cuộc sống và phần trả lời tương đối thỏa đáng.

Tuy nhiên, vị cử tri này và nhiều ý kiến phát biểu sau đó còn băn khoăn khi những câu trả lời về trách nhiệm đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm rõ ràng của từng bộ, ngành liên quan.

Đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh nhất để làm rõ ai phải chịu kỷ luật về Vinashin. “Cần nhanh chóng xử lý những người vi phạm để có sự lựa chọn nhân sự hợp lý tại Đại hội Đảng XI tới và nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới, nếu không thì dân sẽ mất lòng tin rất nhiều”, đại biểu Lê Thanh Mưỡng (Nguyễn Trung Trực, Ba Đình) đề nghị.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Quốc hội thông qua quá nhiều luật tại một kỳ họp, nhưng không phải chính sách nào cũng nhanh chóng đi vào thực tế.

Cử tri Nghiêm Chính Hợp (Ngọc Khánh, Ba Đình) phát biểu, mua nhà xã hội hiện nay là chủ trương lớn của nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp ổn định cuộc sống. Song thực tế cho thấy, người có nhu cầu thì không tiếp cận được còn người không có nhu cầu, quá dư thừa về chỗ ở thì lại mua được.

“Có những đợt, những đại gia đi xe hơi sang trọng đắt tiền đi mua nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Ở khu nhà tôi, có người có 5 - 6 cái nhà cũng làm đơn xin tổ trưởng dân phố xác nhận là thu nhập thấp để mua”, ông Hợp phản ánh.

Phàn nàn có nhiều vấn đề đề nghị hết lần này đến lần khác mà chưa có kết quả, cử tri Nguyễn Đình Thi (Dịch Vọng, Cầu Giấy) dẫn ngay ví dụ về một căn hộ ở khu nhà tái định cư Thăng Long đã bỏ trống nhiều năm rồi mà chưa thấy phân cho ai. Vị cử tri này cũng đề nghị đưa tất cả các dự án nhà đất khi bán phải thông qua sàn bất động sản.

Cũng liên quan đến khoảng cách giữa luật và cuộc sống, một số vị cử tri cho rằng nhà nước đã có quy định đền bù đất đai rất cụ thể nhưng cơ quan thực thi thực hiện không nghiêm túc nên khiến dân còn nhiều bức xúc.

Như thực tế giá đền bù ở Mai Dịch, Cầu Giấy cao nhất 30 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 17 triệu đồng/m2 nên nhiều gia đình không chịu đi. Tình trạng dân đến khiếu kiện từng đoàn rất nhiều, nổi cộm nhất là thu hồi đất, đền bù không được thỏa đáng.

Thể hiện sự lo ngại trước sự leo thang của giá cả, trong đó có giá vàng, một số ý kiến cho rằng đến tận tháng 5/2011 mới điều chỉnh lương tối thiểu là quá lâu. Tuy nhiên, theo cử tri Nguyễn Đức Thắng (Điện Biên, Ba Đình) thì "tăng lương chúng tôi không mừng chút nào, vì lại thêm đợt báo hiệu đồng tiền mất giá".

"Nhà nước nên tập trung bình ổn giá, dùng tiền xây dựng những công trình chưa thật cần thiết để tập trung vào việc này. Như thế lòng dân mới yên", ông Thắng đề nghị.

Giải đáp nhiều băn khoăn của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phân tích, nhiều luật chưa đi vào cuộc sống do chất lượng hoặc do thực hiện chưa tốt. Song cũng không thể cầu toàn quá, cứ phải làm rồi dần dần bổ sung, điều chỉnh. Có ý kiến cho rằng mới ban hành đã sửa nhưng nếu không sửa thì lại cản trở sự phát triển, Chủ tịch nói.

Theo Chủ tịch, sắp tới vẫn tiếp tục cải tiến đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, nhưng không thể giám sát mọi thứ mà phải chọn vấn đề lớn. Đưa ra nhận xét, trước những vấn đề lớn của đất nước, “hình như bây giờ bớt đi cái tiếng Quốc hội chỉ bấm nút hoặc giơ tay”, Chủ tịch cho biết trước khi đưa ra quyết định về vấn đề gì đó, không chỉ trên hội trường mà hậu hội trường các ủy ban của Quốc hội "cọ xát" rất kỹ, chứ “không đơn giản tí nào”.

Liên quan đến trách nhiệm về Vinashin, theo Chủ tịch “có điều tra được mới kết luận được, có kết luận được mới xử lý trách nhiệm được mà có xử lý trách nhiệm được mới bỏ phiếu tín nhiệm được”.

Hiện nay đang điều tra, đang thanh tra và sẽ có kết luận, chờ xem sắp tới làm nghiêm đến đâu lúc bấy giờ Quốc hội mới tiếp tục, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói.

Nguyên Hà

TBKTVN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật