Lời nguyền tài nguyên?
Có phải sự giàu có dưới đất đã dẫn tới tai ương trên bề mặt của nó? Không phải thực sự như thế.
Tin xấu: Mozambique vừa phát hiện ra khoảng từ 6-8 nghìn tỉ mét khối khí ngoài bờ biển - khá đủ cho sản xuất thương mại. Phát hiện này đóng góp thêm cho thực tế ngành công nghiệp khai thác than đang bùng nổ gần đây để biến quốc gia này thành một nhà xuất khẩu tài nguyên tự nhiên.
Cùng với nước Đông Phi bất hạnh này là Papua New Guinea, dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu khí tự nhiên trị giá 30 tỉ USD và Afghanistan - với việc phát hiện ra các trầm tích sắt, đồng, coban, vàng và Lithi với tổng giá trị vào khoảng 1 nghìn tỉ USD. Và, thật đáng tiếc, mọi cơ hội để họ có thể duy trì một nền dân chủ kinh tế ổn định lại chỉ là những cái hố đào ngổn ngang.
Tại sao lại như vậy? Hãy nói tới lời nguyền tài nguyên - với ý tưởng rằng, càng nhiều sản phẩm đào ra từ bề mặt hay dưới lòng đất của một quốc gia, thì nước ấy sẽ càng tăng trưởng chậm và càng có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến. Những phiên bản của lời nguyền này từng xảy ra. Trở lại những năm 1970, các nhà kinh tế học đã lo lắng về "Căn bệnh Hà Lan". Các nước xuất khẩu nhiều dầu khí sẽ chứng kiến tỉ giá hối đoái giá tăng. Điều này đổi lại, có thể làm cho sản xuất xuất khẩu của họ không cạnh tranh.
Nhưng ý tưởng này thực sự được chú ý là vào giữa những năm 1990, khi Jeffrey Sachs và Andrew Warner, đều ở Đại học Harvard phát hiện ra rằng, các quốc gia càng xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản và nhiên liệu lại càng chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Sachs và Warner đã nhấn mạnh Căn bệnh Hà Lan và những hậu quả của nó như là nguyên nhân thích hợp. Nhưng những nhà nghiên cứu khác nhìn vào cùng dữ liệu lại lập luận rằng, có thể có sự liên quan giữa những nhà lãnh đạo độc tài nắm quyền với cho thuê tài nguyên hoặc tác động mất ổn định chính trị của việc dễ dàng có được lợi nhuận. Trong khoảng vài năm, xuất khẩu tài nguyên phải trả giá bằng hàng loạt tác động xấu - chi tiêu giáo dục thấp, chính phủ bất ổn, nội chiến, tham nhũng, quản trị kém.
Năm 1997, Ngân hàng Thế giới đưa ra một số biện pháp đánh giá về sự giàu có nguồn tài nguyên tự nhiên - bao gồm đất nông nghiệp, khoáng sản và trữ lượng dầu, các khu vực phòng hộ. Những quốc gia giàu nhất trong xếp hạng tài nguyên tính theo đầu người là Australia, Canada, New Zealand, và Na Uy. Thu nhập trung bình theo đầu người của họ năm 2008 là 24.430 USD. Jordan và Malawi đứng cuối danh sách. Jordan có thu nhập bình quân theo đầu người là 5.702 USD; Malawi là 744 USD. Chỉ nhìn riêng vào nguồn tài nguyên khoáng sản, Venezuela và Na Uy xếp đầu bảng, trong khi Bỉ, Benin, Ghana (trước những phát hiện dầu khi gần đây) và Nepal đứng cuối cùng. Trừ số ít ngoại lệ, danh sách cho thấy rõ rằng, khan hiếm tài nguyên dưòng như là bí quyết của tăng trưởng nhanh.
Nhìn vào sự phát triển gần đây ở các quốc gia, nhà kinh tế học Thuỵ Sĩ Christa Brunnschweiler kết luận rằng, các nền kinh tế có nguồn tài nguyên giàu có hơn thường phát triển nhanh hơn trong giai đoạn từ 1970-2000 so với các nước nghèo tài nguyên. Bà không tìm ra bằng chứng nào chứng tỏ mối liên quan giữa nguồn tài nguyên giàu có hơn với các thể chế yêú ớt hơn, theo như phát hiện của Daron Acemoglu tại Học viện Công nghệ Massachusetts.
Cùng với cộng sự Erwin Bulte, Brunnschweiler cũng nhìn ra sự liên quan giữa tài nguyên tự nhiên với mối bẩn ổn dân sự. Theo họ, các nước có nhiều tài nguyên hơn ít có khả năng rơi vào nội chiến hơn trong giai đoạn đầu tiên. Mặt khác, Stephen Haber và Victor Menaldo của Đại học Stanford và Đại học Washington, đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa doanh thu dầu mỏ và nền dân chủ ở các quốc gia.
Theo đó, nền dân chủ thực sự "sôi động" hơn bởi thu nhập dầu mỏ gia tăng - trong khi họ không thể tìm ra một ảnh hưởng theo cách này hay cách khác khi nó tiến đến chế độ chuyên quyền . Chắc chắn là có những trường hợp nơi doanh thu dầu mỏ và sự chuyên quyền gia tăng cùng nhau. Nhưng ít nhất nhiều trường hợp đã không xảy ra điều này, và nhiều trường hợp nền dân chủ trở nên vững mạnh hơn khi doanh thu tăng lên.
Làm thế nào để dung hoà các kết quả trên để tìm ra một lời nguyền? Các nghiên cứu trước nhìn vào tầm quan trọng của xuất khẩu tài nguyên trong một khoảng thời gian cụ thể. Ở đó, mối quan hệ là sự phụ thuộc lớn giữa xuất khẩu tài nguyên với tăng trưởng thấp và nguy cơ nội chiến. Nhưng đó là cách kỳ lạ để đánh giá "lời nguyên tài nguyên". Theo một câu chuyện thông thường, lời nguyền liên quan đến bất hạnh của việc ngồi trên một mỏ dầu hoặc tảng đá có kim cương.
Và còn rất nhiều điều khác bên cạnh trữ lượng khoáng sản. Thực tế là rất nhiều quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên tự nhiên thường nghèo và bất ổn. Đó là bởi những quốc gia nghèo và bất ổn ấy hiếm có sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng hay công nghệ cao. Tài nguyên tự nhiên là thứ duy nhất để những nước ấy có lợi thế so sánh trong giao dịch. Một lần nữa, những quốc gia ấy không thể giàu có nếu tất cả những gì họ làm là sản xuất cây tròng và đào bới mặt đất. Chỉ giàu có khi lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh và ít nhất có một số ngành ssản xuất. Nên những nước chỉ đào bới mặt đất gặp khó khăn vì họ đã thất bại thảm hại trong việc tạo ra một môi trường để các dịch vụ và sản xuất có thể phát triển mạnh.
Có phải nhiều chế độ độc tài khai thác tài nguyên tự nhiên để lấp đầy các tài khoản của họ trong ngân hàng, mua chuộc đối thủ hay thậm chí tậu vũ khí thị uy? Dĩ nhiên là họ làm vậy. Khai khẩn, nhồi nhét, hối lộ và ức hiếp là những gì mà họ làm tốt nhất. Nhưng họ là những người khai thác với cơ hội ngang bằng. Nếu tài nguyên tự nhiên cho thuê không sẵn có, họ sẽ làm thứ gì khác, và có thể làm những thứ tồi tệ để có nó. Ví dụ từng đồng trong số hàng tỉ USD của tướng Sani Abacha kiếm được từ dầu mỏ Nigeria đã đẫm máu hàng nghìn người Uganda mà không cần viện trợ hay động lực đáng kể từ các mỏ khoáng sản.
Những quốc gia trông chờ vào tài nguyên tự nhiên cho phần lớn sản lượng của họ trên thực tế đã chịu lời nguyền - bởi một chính phủ chất lượng thấp và một môi trường thể chế kiềm chế sự tăng trưởng của sản xuất và dịch vụ. Đó có thể là tin tốt cho Afghanistan, Mozambique, và Papua New Guinea rằng: Họ sẽ không nghèo hơn hay bất ổn hơn nhờ có trữ lượng khoáng sản phong phú. Nhưng sau đó cũng là những tin xấu: với tình trạng tổ chức tương đối kém, các nước này khó có thể sử dụng tiền kiếm được để trở thành một Na Uy tiếp theo.
Đó là lý do tại sao những chiếc bùa hữu hiệu nhất chống lại lời nguyền tài nguyên - cải tổ thể chế thông qua giám sát và minh bạch lớn hơn - tạo ra cảm giác bất cần. Trên thực tế, vì nguồn lợi nhuận quá lớn từ các ngành công nghiệp khai khoáng chảy qua các chính phủ, cải thiện giám sát có thể là sự trợ giúp đặc biệt sau khi tìm thấy một mỏ khoáng sản. Sáng kiến Minh bạch Các ngành Công nghiệp Khai khoáng, ví dụ, đưa ra báo cáo kiểm toán về các khoản thanh toán từ các ngành công nghiệp với chính phủ các khoản tiền bản quyền và thuế. Một cách tiếp cận khác, do Todd Moss tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu theo đuổi, là chuyển các khoản lợi nhuận trực tiếp từ dầu mỏ tới người dân - một mô hình được thông qua ở Alaska. Đây là những ý tưởng tốt, và có những tin tức vui rằng, Mozambique và Afghanistan đã ký Sáng kiến Minh bạch.
Nhưng trong thâm tâm, chúng thực sự là ý tưởng tốt bởi tất cả các chính phủ nên minh bạch hơn, tăng cường dòng chảy tài nguyên đến cộng đồng, mà không quan trọng những gì nằm dưới đất đai của họ.
Đổ lỗi nghèo đói vì có nhiều dầu mỏ chả khác nào đổ lỗi cho sự tồn tại của kẻ trộm cướp vì của cải châu báu.
* "Căn bệnh Hà Lan" là một thuật ngữ trong kinh tế học ra đời năm 1977 để mô tả sự suy giảm của khu vực sản xuất Hà Lan sau khi nước này tìm ra mỏ khí gas lớn. Từ đó về sau, thuật ngữ này được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa việc phát hiện những nguồn tài nguyên thiên nhiên mới với sự tụt hậu của sản xuất trong nước của một quốc gia.
Thuỵ Phương (Theo foreignpolicy)
Tuần Việt Nam
|