Bất cập trong thực hiện thuế thu nhập cá nhân:
Không phải do thuế!
Trong bối cảnh giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng, lạm phát vượt mức 2 con số như hiện nay thì mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN), hay mức chiết giảm gia cảnh của luật thuế này đang bộc lộ nhiều bất cập và không theo kịp thực tế.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Ngô Đình Quang - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ảnh - xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng thuế TNCN có mức khởi điểm chịu thuế quá thấp và không phù hợp với thực tế?
- Phương pháp tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được xác định là: Tổng tiền lương, tiền công tháng trừ giảm trừ gia cảnh cho bản thân NLĐ là 4 triệu đồng/tháng; trừ giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc mà NLĐ có trách nhiệm nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng/tháng; trừ các khoản đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trừ các khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ khuyến học... Số còn lại mới là thu nhập chịu thuế thì được áp dụng biểu thu nhập luỹ tiến tính thuế theo tháng để xác định số thuế phải nộp.
Với phương pháp nêu trên thì đại bộ phận cán bộ công chức hưởng lương từ NSNN và NLĐ ở trong DN hầu như không phải nộp thuế TNCN. Ví dụ, một người làm việc trong cơ quan nhà nước, hàm vụ trưởng, có mức lương hệ số 7 (trong đó có hệ số trách nhiệm là 1), với mức lương tối thiểu tạm tính 730.000đ thì sẽ nhận được tổng tiền lương, tiền công hơn 5 triệu đồng/tháng. Sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 4 triệu đồng/tháng và giảm trừ gia cảnh tạm tính cho một người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng, đưa tổng mức giảm trừ lên 5,6 triệu đồng/tháng thì rõ ràng là không phải nộp thuế. Đưa ví dụ này, tôi muốn nói so với thu nhập từ tiền lương, tiền công của công nhân viên chức và NLĐ trong hầu hết các DN, chưa kể hiện khá nhiều DN đang làm ăn khó khăn, thì để mức khởi điểm chịu thuế như hiện nay là chưa có gì quá bất hợp lý.
Ngoài mức khởi điểm chịu thuế, người chịu thuế đang chịu nhiều thiệt thòi vì khoảng cách giữa các bậc thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần quá dày (5, 10, 15, 20%...), vậy có nên kéo dãn khoảng cách giữa các bậc thuế bằng cách nâng mức thu nhập của từng bậc lên không, thưa ông?
- Theo phương pháp tính thuế sau khi trừ đi các khoản được giảm trừ, số còn lại là thu nhập tính thuế áp vào biểu thuế suất luỹ tiến từng phần theo tháng. Tôi lấy ví dụ: Ông A lương tháng 6,6 triệu đồng/tháng (sau khi được trừ 5,6 triệu đồng), còn 1 triệu đồng phải chịu thuế. Theo biểu thuế luỹ tiến, ông A ở bậc đầu của mức chịu thuế là 5%/1 triệu đồng, tức là phải nộp thuế TNCN 50.000 đồng. Tổng thu nhập 6,6 triệu đồng/tháng, nộp thuế TNCN 50.000 đồng/tháng, theo tôi là không quá nhiều. Ví dụ khác, cũng ông A này, lương 10,6 triệu đồng/tháng, sau khi trừ 5,6 triệu giảm trừ gia cảnh, thì số còn lại 5 triệu đồng phải chịu thuế nhưng vẫn thuộc bậc cuối của mức chịu thuế là 5%, có nghĩa là chỉ phải chịu thuế TNCN 250.000 đồng/tháng. Như vậy, khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu luỹ tiến từng phần không hề quá dày.
Có ý kiến cho rằng, lương tối thiểu thay đổi, mức giảm trừ cũng phải thay đổi theo?
- Tôi cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ mức khởi điểm thuế TNCN quá thấp cần điều chỉnh tăng, mà vấn đề là ở tình hình lạm phát và giá cả ảnh hưởng đến đời sống của người dân, chứ đổ lỗi do phải nộp thuế TNCN là không khách quan.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Huệ
lao động
|