Airbus và cuộc 'không chiến' sinh tử với Boeing
Sinh sau đẻ muộn có cái khó trong việc giành giật thị trường, nhưng cũng lại có ưu thế riêng. Airbus tận dụng được ngay từ đầu những thành tựu khoa học công nghệ cũng như rút được những bài học kinh nghiệm của tất cả các hãng chế tạo máy bay, kể cả Boeing.
Trong thế giới thương hiệu có nhiều thương hiệu nổi tiếng nhờ thành công tích tụ theo thời gian và lịch sử, với bề dày truyền thống đến cả trăm năm, nhưng cũng có không ít thương hiệu thuộc diện sinh sau đẻ muộn mà công thành danh toại không kém. Airbus là một trong số những trường hợp điển hình.
Trong lịch sử ngành hàng không thế giới, đại đa số các hãng chế tạo máy bay đều khởi nguồn trong nửa đầu của thế kỷ 20, phát triển vươn tới những đỉnh cao, khắc đậm dấu ấn, trải qua thăng trầm, lớn mạnh hoặc… bị đối thủ cạnh tranh “nuốt chửng”. Airbus là hãng chế tạo máy bay được thành lập rất muộn, được ví như “nảy mầm ở giữa rừng”. Khi Airbus ra đời, thị trường chế tạo máy bay trên thế giới dường như đã được phân chia, đẳng cấp đã được xác định, Boeing đã là cây đại thụ trong rừng. Không một cá nhân hay tập đoàn riêng lẻ nào một thân một mình có thể cạnh tranh được với Boeing của Mỹ.
Chung lưng đấu cật để cạnh tranh
Trong bối cảnh ấy, Airbus là sản phẩm của cách tiếp cận “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những gì một cá nhân hay một tập đoàn riêng lẻ không làm nổi thì phải chung lưng đấu cật với nhau để làm. Airbus được coi là câu trả lời của châu Âu dành cho Mỹ. Sự ra đời của Airbus không đơn thuần là một ngành kinh tế mới ở Lục địa Già, mà còn là một biểu tượng cho tiến trình nhất thể hóa châu Âu, củng cố liên kết chính trị và kinh tế, giảm bớt sự lệ thuộc vào bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngay từ đầu, Airbus không chỉ là dự án hợp tác về kinh tế, mà còn là cả dự án hợp tác về chính trị, đối ngoại và an ninh.
Năm 1965, được sự hậu thuẫn tích cực của Chính phủ CHLB Đức, các hãng chế tạo máy bay và công nghệ hàng không ở CHLB Đức tiến hành một quá trình sáp nhập có một không hai trong lịch sử để hình thành “Cộng đồng kinh doanh Airbus”. Mục đích được đề ra rất rõ ràng là chế tạo máy bay chở khách có đủ khả năng cạnh tranh với hãng Boeing và hãng McDonnell Douglas. Nếu không hợp nhất lại với nhau như thế thì họ không thể đáp ứng được nhu cầu tài chính khổng lồ và không thể khai thác được một cách hiệu quả nhất sự hỗ trợ về chính trị và tài chính của chính phủ. Trong năm ấy, Công ty trách nhiệm hữu hạn Airbus Đức được thành lập. Từ 1965 đến 1970, công ty này đã cùng với Tập đoàn Aerospatiale của Pháp và Tập đoàn Hawker Siddeley Aviation của Anh tiến hành những cuộc thương thảo với mục tiêu thành lập một tập đoàn chế tạo máy bay chung cho cả châu Âu. Ngày 18/12/1970, Công ty Airbus Industrie được thành lập từ công ty Airbus của Đức và tập đoàn Aerospatiale của Pháp. Năm 1971, Tập đoàn hàng không CASA của Tây Ban Nha và năm 1979 Tập đoàn British Aerospace tham gia vào Airbus Industrie. Năm 2000, các hãng chế tạo máy bay ở châu Âu - trừ Bristish Aerospace - hợp nhất lại thành Tập đoàn European Aeronautic Defence and Space Company (EADS). Airbus trở thành một công ty con của EADS, hoạt động theo luật pháp của nước Pháp và đóng trụ sở tại Toulouse - Blagnac.
Lịch sử ra đời của Airbus chỉ đơn giản như vậy, nhưng đủ để cho thấy nó đặc biệt hơn tất cả các hãng chế tạo máy bay khác. Nó ràng buộc nguồn vốn của nhiều tập đoàn khác và trách nhiệm chính trị của nhiều quốc gia. Nó ẩn chứa sự phân công lao động để tận dụng được thế mạnh về công nghệ của từng đối tác, nhưng đồng thời cũng còn để đảm bảo đối tác tham gia nào cũng có phần xứng đáng trong sản phẩm chung. Có thể nói châu Âu đã đầu tư cả khả năng tài chính lẫn tiềm năng công nghệ, cả thể diện lẫn uy danh vào dự án hợp tác chung này. Nhờ thế mà Airbus tuy chỉ là hậu bối sau nhiều đời so với những hãng chế tạo máy bay khác, nhưng lại có thể phát triển đuổi kịp, vươn lên và vượt trước, trở thành kỳ phùng địch thủ của Boeing.
Thế mạnh của thương hiệu
Theo thời gian, Airbus đã sản sinh ra rất nhiều dòng máy bay chở khách cũng như vận tải quân sự. Những chiếc máy bay chở khách đầu tiên của Airbus ban đầu được chế tạo là tầm gần và trung bình, về sau mới có máy bay tầm xa. Gần như Boeing thành công trên lĩnh vực nào thì Airbus cũng tập trung vào loại máy bay ấy. Chỉ riêng trong dòng máy bay siêu lớn (A380) là Airbus đi trước Boeing. Đến nay, khi A380 của Airbus đã bay ngang dọc bầu trời thì sản phẩm tương ứng của Boeing là DreamLines vẫn chưa qua được thời kỳ bay thử nghiệm.
Sinh sau đẻ muộn có cái khó trong việc giành giật thị trường, nhưng cũng lại có ưu thế riêng. Airbus tận dụng được ngay từ đầu những thành tựu khoa học công nghệ cũng như rút được những bài học kinh nghiệm của tất cả các hãng chế tạo máy bay, kể cả Boeing. Thế mạnh hàng đầu của Airbus là hiện đại. Tính hiện đại này không chỉ thể hiện trong thiết kế, chế tạo và lắp ráp, trong công nghệ vật liệu và kỹ thuật hàng không, mà còn ở trong mô hình vận hành máy bay, tiện ích của thiết bị và độ an toàn nói chung. Airbus đã nhanh chóng bỏ xa ngay cả Boeing trong việc kết hợp sử dụng máy tính điện tử và vai trò điều khiển trực tiếp của con người ở trong khoang lái. Airbus tận dụng tối đa khả năng xử lý của máy tính điện tử, nhưng không vì thế mà thiếu thân thiện đối với việc điều khiển và kiểm soát của con người.
Điều nữa khiến thương hiệu Airbus ngày thêm sáng giá là tính kế thừa và tiếp nối. Các dòng sản phẩm của Airbus đều được cải tiến và phát triển từ một nền tảng chung, dù đa dạng hóa chủng loại cũng vẫn từ cùng một gốc. Bởi vậy, việc vận hành và làm chủ phương tiện dễ dàng và thuận lợi chứ không phải mới hoàn toàn như mỗi khi có sản phẩm mới ở hãng Boeing. Nhờ đó, Airbus có thể hiện đại hóa cho hàng loạt máy bay của mình với chi phí không cao, lại tiết kiệm thời gian.
Một thế mạnh nữa của thương hiệu này là khả năng bất tử! Airbus là thể diện và tham vọng của cả châu Âu. Bởi thế, chính phủ ở các nước châu Âu có thể thay đổi, đảng phái chính trị thay nhau cầm quyền, nhưng Airbus thì không thể chết. Trong mấy lần khủng hoảng, khi thì vì kỹ thuật, lúc vì tài chính, Airbus cũng khốn đốn, cũng phải sa thải nhân công và thu hẹp sản xuất. Nhưng rồi lần nào hãng cũng thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục lớn mạnh. Sự hậu thuẫn chính trị và tài chính từ phía các chính phủ liên quan là một nét đặc thù trong bản sắc của thương hiệu này. Boeing không có được cái đó, các hãng khác lại càng không. Thị trường hàng không châu Âu dường như đã được dành riêng cho Airbus. Airbus có thể cạnh tranh với Boeing ở Mỹ chứ không bao giờ có chuyện ngược lại.
Ngư Phủ
diễn đàn doanh nghiệp
|