Thứ Hai, 15/11/2010 22:58

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:

Vụ Tamiflu: Vẫn giữ nguyên kết luận thanh tra

Chiều ngày 15.11, trong giờ giải lao của Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị kết quả xử lý sau thanh tra công tác dự trữ thuốc Tamiflu từ năm 2005 do bộ Y tế và một số công ty kinh doanh dược phẩm thực hiện, tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã công bố các kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc này.

* Bộ Y tế chi vượt hơn 27 tỷ đồng trong quản lý thuốc

Thưa ông, theo luật thì bản kết luận thanh tra đã có giá trị pháp lý nhưng vừa qua, do các công ty dược phẩm liên quan có phản ứng thì hiện nay, vụ việc này đã được chính thức kết luận, xử lý như thế nào?

Ông Trần Văn Truyền: Hôm nay không biết thế nào mà cơ quan tôi chưa ra thông báo chính thức việc thực hiện kết luận đây. Nhưng Thủ tướng đã có kết luận chỉ đạo rồi. Tất cả mọi việc đều thực hiện theo kết luận thanh tra chỉ riêng vấn đề một là về thu hồi tài chính (số tiền sai phạm trong việc tổ chức mua bán thuốc) thì Thủ tướng giao cho bộ Tài chính xem xét lại tính pháp lý và thực tế để đưa ra phương án xử lý có thu hồi hay không thu hồi. Thứ hai, trong kiến nghị của thanh tra Chính phủ, chúng tôi có kiến nghị chuyển một số vụ việc sang cho cơ quan điều tra làm. Nhưng các hành vi nhận tiền hay chuyển tiền trở lại đều đã được các công ty kinh doanh thuốc báo cáo một cách rõ ràng rồi. Chính vì vậy, các cơ quan thẩm quyền nói rằng việc này không cần phải chuyển sang cơ quan điều tra chứ không phải là có tội mà mình không chuyển sang cơ quan điều tra. Cả cơ quan điều tra khi xem xét lần cuối cùng đồng ý là không cần thiết phải chuyển, bởi vì việc này không có khuất tất.

Đến bây giờ thì thanh tra vẫn giữ nguyên kết luận thanh tra, không sửa như vẫn đề nghị thu hồi và không những thế còn kiểm điểm trách nhiệm về việc đó nữa; nhưng bây giờ, các đơn vị đó giải trình là trong điều kiện khó khăn, họ được bên nước ngoài hỗ trợ. Họ làm minh bạch, không có giấu. Thứ hai là họ cũng đưa vào tài khoản, hạch toán tài chính của họ cũng công khai. Do đó, họ kiến nghị để cơ quan tài chính xem xét tính pháp lý và cách xử lý trong việc này thì Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo hướng như vậy. Bộ Tài chính sẽ xử lý việc này và báo cáo với Chính phủ.

Sau khi Thủ tướng đã kết luận, các bên liên quan đã họp lại nghe, triển khai kết luận này chưa, thưa ông?

Đã họp rồi nhưng Thủ tướng đã chỉ đạo thẳng cho các đơn vị luôn, còn báo chí có viết họ nói gì thì đó là quyền của họ. Kiến nghị của họ thế nào thì không thuộc thẩm quyền của thanh tra Chính phủ nữa. Nếu họ không chấp hành nữa thì xử lý theo quyết định của pháp luật. Cũng có thực tế là theo luật Thanh tra cũ chưa rõ ràng về yêu cầu đôn đốc, chế tài thực hiện kết luận thanh tra nên là một kẽ hở để đơn vị không thực hiện tốt kết luận thanh tra.

Số thuốc Tamiflu còn lại xử lý thế nào, phải tiêu huỷ hết hay sao, thưa ông?

Cái đó trách nhiệm bộ Y tế phải xử lý. Cũng có kiến nghị xử lý: cái nào còn dùng được thì dùng, cái nào không còn dùng được thì làm thủ tục thanh lý, xử lý. Vì toàn bộ việc dự trữ thuốc thì không phải cái nào mình cũng dùng hết được. Riêng trên lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, tính nhạy cảm rất cao, mình phải xác định số lượng đủ với nhu cầu, nhưng nhiều khi nhu cầu cũng khó xác định chính xác ngay. Bây giờ dự trữ hết hạn rồi thì mình phải xử lý thôi.

Tại sao kết luận thanh tra là đúng, có giá trị thực hiện ngay mà cứ phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo?

Luật (Thanh tra) cũ xác định chưa rõ ràng. Trước nay đoàn thanh tra khi hoàn thành cuộc thanh tra phải báo cáo cho người ra quyết định thanh tra. Người quyết định thanh tra chỉ đạo nội dung báo cáo và kết luận. Báo cáo kết luận thanh tra xong rồi còn phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về hành chính xem xét và hiện nó đang bị đánh đồng cái này. Ví dụ như ở cấp tỉnh, người ra quyết định thanh tra lại thường là người đứng đầu cơ quan hành chính tỉnh, tức là chủ tịch UBND tỉnh; hoặc nếu ở cấp sở là giám đốc sở chứ không phải ông chánh thanh tra, nên người ra quyết định cũng đồng thời là người kết luận, chỉ đạo kết luận. Còn ở trên trung ương có 2 cự ly: có những việc nếu Chính phủ giao thanh tra thì phải báo cáo cho Chính phủ. Nhưng có những việc là do tôi quyết định thì theo điều 16 của luật Thanh tra quy định thì tổng thanh tra vẫn có quyền phải quyết định thanh tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm kết luận thì kết luận và tự chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế, những vụ việc như vậy đều phải báo cáo cả. Nhất là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng thuộc phạm vi tổng thanh tra quyết thì đều là những vụ quan trọng cả và đều phải báo cáo (với Thủ tướng Chính phủ). Đương nhiên, khi có kết luận rồi thì phải báo cáo lên. Đương nhiên cả cấp hành chính cấp dưới và cả cấp thanh tra Chính phủ thì Thủ tướng không can thiệp vào nội dung kết luận. Tức là nội dung đúng, sai, có hay không thì thanh tra phải tự chịu trách nhiệm. Còn cấp cơ quan hành chính chỉ có chỉ đạo việc này nên thực hiện như thế nào, xử lý đến đâu và thông báo và giải quyết những việc liên quan là họ xử lý cái kết luận đó. Nhưng luật cũ không quy định rạch ròi điều này nên trên thực tế, nhiều khi cấp quản lý hành chính lại can thiệp trực tiếp vào kết luận thanh tra.

Do đó, có những lần tôi nói, có những vụ thanh tra Chính phủ kết luận rồi thì tổng thanh tra sẽ chỉ đạo thực hiện kết luận; còn chỉ đạo sai, đúng thế nào thì tổng thanh tra tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dù cơ quan thẩm quyền cấp nào bảo sửa, thanh tra cũng không sửa. Việc chỉ đạo thực hiện thế nào là của cơ quan hành chính: có thể thực hiện hết hoặc không hết thì đó là thẩm quyền của cơ quan hành chính. Trên thực tế ở cấp thanh tra Chính phủ thì tôi thấy hầu hết nội dung thanh tra đã kết luận thế nào là thực hiện đầy đủ theo kết luận đó.

Cho nên luật Thanh tra mới chỉ xử lý kết luận đó thôi chứ không phải xem xét để kết luận, để tránh tình trạng người đứng đầu cơ quan hành chính lại can thiệp rất sâu, cụ thể vào nội dung kết luận thanh tra. Điều đó khiến cơ quan thanh tra không còn giữ được tính tự chịu trách nhiệm của mình.

Mạnh Quân

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Xóa sổ khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam (15/11/2010)

>   Vụ nhà báo Phan Hà Bình nhận hối lộ: Công an triệu tập lãnh đạo một số báo (11/11/2010)

>   Truy nã trưởng phòng kế hoạch của PVL chiếm đoạt 20 tỷ đồng (10/11/2010)

>   Ầm ĩ vì thông tin 1.000 tấn vàng nhập ròng (08/11/2010)

>   Bắt một cán bộ Ngân hàng Vietcombank Vũng Tàu (04/11/2010)

>   Bắt phó tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh - Vinashin (03/11/2010)

>   Thủ đoạn lừa đảo cho vay “vốn ngoại” (02/11/2010)

>   "Nói chi cho Đại lễ 94 nghìn tỷ đồng là không có cơ sở" (02/11/2010)

>   Sẽ cho phép kinh doanh đặt cược bóng đá? (01/11/2010)

>   Đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba thế giới (01/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật