Tăng điều kiện để "làm sạch" môi trường niêm yết
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố dự thảo văn bản liên quan đến việc nâng tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán, với những tiêu chuẩn cụ thể về vốn điều lệ, cổ đông, kết quả kinh doanh đối với các DN niêm yết tại HOSE và HNX (xem Báo ĐTCK số 133 vừa qua), câu hỏi đặt ra là: khi quy định này được thông qua và áp dụng thì "số phận" của những DN đang niêm yết trên 2 Sở chưa đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ như thế nào?
|
Trao đổi với ĐTCK, một thành viên Ban soạn thảo cho biết, khi nghiên cứu để đưa ra dự thảo quy định này, nguyện vọng của cơ quan quản lý là nâng cao chất lượng "đầu vào" của hàng hoá trên TTCK, nhưng không làm xáo trộn đối với các DN đang niêm yết trên 2 Sở, không gây nhiều biến động cho thị trường. Điều này có thể hiểu là đối với các DN đang niêm yết trên 2 Sở, nhưng chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn mới, đặc biệt là quy định vốn điều lệ của DN niêm yết trên HOSE tối thiểu là 120 tỷ đồng (hiện là 80 tỷ đồng), DN niêm yết trên HNX tối tiểu là 30 tỷ đồng (hiện là 10 tỷ đồng), thì trước mắt sẽ vẫn "nằm im".
Trước đây, khi Nghị định số 14/2007/NĐ-CP được ban hành, trong đó quy định vốn điều lệ đối với các DN niêm yết trên HOSE tối thiểu phải đạt 80 tỷ đồng, còn dưới mức này thì phải chuyển sang HNX, đã gây áp lực đối với các DN đang niêm yết tại HOSE, dù đưa ra thời hạn 2 năm để các DN tăng vốn. Thực tế, nhiều DN đã phải làm mọi cách để phát hành tăng vốn, dẫn đến hệ lụy là DN phát hành cổ phiếu tràn lan, trong khi sử dụng nguồn vốn chưa được hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán Phạm Kinh Luân cho rằng, khi đưa ra một văn bản hay quy định, điều mà cơ quan quản lý phải tính đến là tính kế thừa của văn bản và không gây nhiều xáo trộn và biến động cho thị trường. Theo ông Luân, đối với các DN đang niêm yết trên 2 Sở nhưng chưa đủ điều kiện thì không thể "đẩy" DN xuống sàn cấp thấp hơn. Nếu không sẽ lại xảy ra việc các DN giải quyết, đối phó bằng việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn, điều này hoàn toàn không hợp lý. Nếu các DN buộc phải tăng vốn để đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì cơ quan quản lý cần đưa là lộ trình cụ thể để các DN thực hiện.
Mặc dù chỉ mới là dự thảo, nhưng theo các chuyên gia, cần phải quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI), người trước đây từng có văn bản kiến nghị về việc cần sớm nâng cao tiêu chuẩn niêm yết đối với các DN cho rằng, việc nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa "đầu vào" là cần thiết và cần sớm được ban hành. Cần hạn chế hàng hóa kém chất lượng tham gia niêm yết nhằm giảm thiểu rủi ro cho các NĐT, đồng thời làm cho môi trường đầu tư chứng khoán được tốt hơn. Ngoài ra, nâng cao tiêu chuẩn niêm yết để các DN thấy rằng, được niêm yết là niềm vinh dự và tự hào, là phần thưởng cho các nhà quản trị DN. Theo ông Hải, ngoài việc nâng cao tiêu chuẩn DN mới niêm yết thì cũng cần "mạnh tay" hơn đối với các DN hiện đang niêm yết có hoạt động kinh doanh yếu kém, nhưng vẫn phát hành cổ phiếu tràn lan làm ảnh hưởng đến thị trường, đến quyền lợi của NĐT. "Cần loại bỏ các DN yếu kém để làm 'sạch' môi trường niêm yết", ông Hải nói.
Theo tổng giám đốc một DN đang niêm yết trên HOSE, TTCK Việt Nam đang có 620 DN niêm yết trên cả hai sàn, nhưng một lượng không nhỏ trong số đó có chất lượng khá thấp. TTCK Việt Nam đã hình thành 3 sàn giao dịch, sàn HOSE có tiêu chuẩn cao hơn, sàn HNX thì yêu cầu ở mức độ vừa phải và sàn UPCoM có tiêu chuẩn thấp nhất. Cần có cách phân loại theo đúng tiêu chuẩn để khi nhìn vào thì NĐT có thể nhận thấy ngay quy mô, cũng như "tầm cỡ" của DN trên từng sàn.
"Sự phân loại DN trên từng sàn hiện nay chưa chính xác, việc lựa chọn sàn niêm yết vẫn xuất phát từ nguyện vọng của DN", vị tổng giám đốc nêu trên nói và cho rằng, để thị trường trở nên chuyên nghiệp thì cần có sự phân bổ hàng hóa hợp lý. Điều này, cơ quan quản lý cần chú trọng đến, bởi việc phân hóa các sàn là nhằm tạo điều kiện cho NĐT thuận lợi trong việc lựa chọn danh mục đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, để TTCK ngày càng hấp dẫn, đồng thời tạo sân chơi an toàn cho NĐT thì cần thiết phải nâng cấp tiêu chuẩn niêm yết tại các sàn giao dịch. Song nâng thế nào là đủ, là hợp lý và đối với những DN không đủ tiêu chuẩn thì phải "xử lý" như thế nào? Câu hỏi này, thị trường đang chờ câu trả lời, tránh tình trạng DN tăng vốn ồ ạt chỉ để đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ như đã từng xảy ra trong lần nâng tiêu chuẩn niêm yết trước đây.
Hoàng Anh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|