“Mạnh tay” với lợi dụng chuyển giá để trốn thuế
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tại một số cục thuế các tỉnh, thành phố, hiện có đến 20 - 30% trong tổng số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên địa bàn kê khai có kết quả kinh doanh lỗ liên tiếp trong 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm. Điều bất thường là có DN khai số lỗ lớn hơn cả vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất.
Hiện tượng này, theo nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đỗ Hoàng Anh Tuấn, là biểu hiện của tình trạng lợi dụng việc chuyển giá để gian lận, trốn thuế. Bởi vậy, Bộ Tài chính đang rốt ráo triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn.
Thưa ông, trong tổng số 8.670 DN FDI đang hoạt động, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra để “lọc” ra bao nhiêu DN có biểu hiện lợi dụng chuyển giá để trốn thuế?
Qua theo dõi, đánh giá sơ bộ của một số cục thuế các địa phương có số lượng DN FDI đang hoạt động lớn, thì có khoảng 20 - 30 DN thường xuyên khai có kết quả kinh doanh lỗ, trong đó phần lớn là các DN không nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Tình trạng lỗ này phổ biến kéo dài liên tiếp trong 2 - 3 năm, thậm chí có DN khai lỗ tới 5 năm liên tiếp. Điều không bình thường là tuy lỗ như vậy, nhưng các DN này vẫn tiếp tục tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Điều này chứng tỏ có dấu hiện lợi dụng việc chuyển giá, để trốn thuế, vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh. Ngoài yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi tình trạng này, Bộ Tài chính đang chỉ đạo cục thuế các địa phương tiến hành điều tra tại một số DN để làm rõ dấu hiệu nghi vấn.
Việc xử lý vi phạm về chuyển giá hiện áp dụng theo hệ thống xử phạt chung của các quy định về thuế, mà không có quy định đặc thù theo thông lệ quốc tế. Điều này đang gây khó khăn cho việc đấu tranh với tình trạng lợi dụng chuyển giá?
Các quy định pháp lý về phòng, chống lợi dụng chuyển giá hiện vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, nên gây nhiều khó khăn trong đấu tranh ngăn chặn. Bởi vậy, Bộ Tài chính đang khẩn trương khắc phục tình trạng này. Định hướng hoàn chỉnh chính sách chống chuyển giá phải đạt hai mục tiêu: tạo sự minh bạch trong các quy định pháp lý về quy trình chuyển giá để giúp DN dễ thực hiện, đồng thời giúp cơ quan quản lý ngăn ngừa, xử lý hiệu quả các vụ lợi dụng chuyển giá để giảm thiểu thất thu cho ngân sách.
Được biết, Bộ Tài chính sắp hoàn tất thông tư về trị giá hải quan để tính thuế, nhằm đồng bộ các quy định xử lý vi phạm về chuyển giá. Bao giờ văn bản này được ban hành, thưa ông?
Muộn nhất là trong tháng 12/2010, thông tư này sẽ được ban hành, qua đó hỗ trợ đắc lực cho cơ quan hải quan, thuế trong triển khai các biện pháp phòng, chống DN lợi dụng việc chuyển giá để gian lận, trốn thuế. Cùng với đó, trên cơ sở rút kinh nghiệm xây dựng Trung tâm dữ liệu điện tử về thuế tại Cục thuế TP. HCM triển khai từ tháng 8/2010, Bộ Tài chính sẽ triển khai xây dựng các trung tâm dữ liệu điện tử về thuế tại các địa bàn song song với một trung tâm tương tự đặt tại Tổng cục Thuế. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xây dựng Trung tâm Dữ liệu điện tử thuế quốc gia, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, đặc biệt là góp phần hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu, phục vụ cho công tác đấu tranh ngăn chặn lợi dụng chuyển giá nhằm trốn thuế. Thông qua các biên bản ghi nhớ, các hiệp định về hải quan với các nước, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường trao đổi thông tin thống kê về giá hàng hoá với các quốc gia để đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm về chuyển giá. Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan hải quan với cơ quan thuế, chú trọng kiểm tra sau thông quan, để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng chuyển giá để gian lận, trốn thuế.
Việc thực hiện cơ chế thoả thuận giá trước, giữa đối tượng nộp thuế với cơ quan thuế tại nhiều nước đã góp phần giảm tình trạng DN lợi dụng chuyển giá. Theo ông, Việt Nam có nên nghiên cứu kinh nghiệm này để triển khai?
Thoả thuận giá trước là thoả thuận đơn hoặc đa phương giữa đối tượng nộp thuế với các cơ quan thuế có liên quan đến chuyển giá trong một hạng mục cụ thể: đối tượng, hoàn cảnh và điều kiện của các giao dịch, cũng như các thoả thuận trước về phương pháp chuyển giá của các giao dịch đó và có hiệu lực trong một thời gian nhất định. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, một khi cơ chế này được tuân thủ nghiêm ngặt, thì nguy cơ điều chỉnh về chuyển giá sẽ được loại trừ, đồng thời giảm chi phí, cũng như thời gian cho DN trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế. Với nhiều ưu điểm như vậy, Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, để sớm có quy định pháp lý cụ thể về cơ chế thoả thuận giá trước, qua đó hình thành hệ thống pháp lý đồng bộ về phòng, chống DN lợi dụng chuyển giá để gian lận thuế.
Hữu Hòe thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|