Thứ Sáu, 19/11/2010 17:55

Hẹp cơ hội gọi vốn từ trái phiếu

Trong khi nhiều dự án đang rất “khát” vốn thì cơ hội tiếp cận vốn qua thị trường trái phiếu của các dự án hạ tầng có nguy cơ bị thu hẹp đáng kể.

Các dự án hạ tầng sẽ bị tác động tức thời, nếu Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, bảo lưu quan điểm về mức bảo lãnh, cũng như điều kiện phát hành.

“Chiểu theo những quy định về điều kiện bảo lãnh phát hành được đề cập trong Dự thảo, Dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình sẽ bế tắc trong việc huy động vốn”, ông Lương Quốc Việt, Kế toán trưởng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư 2 dự án hạ tầng giao thông huy động vốn trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh duy nhất hiện nay, khẳng định.

Được biết, Điều 22 của Dự thảo nói trên (đang tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành) quy định: mức bảo lãnh thanh toán tối đa là 100% giá trị gốc, lãi trái phiếu phát hành theo đề án phát hành trái phiếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này có nghĩa là, các chủ đầu tư sẽ không có cơ hội phát hành trái phiếu để đáo nợ.

“Về cơ bản, mức bảo lãnh thanh toán tối đa được đề cập tại Dự thảo được giữ nguyên so với Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20/11/2003 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Trong khi đó, trong 7 năm triển khai, quy định này gần như đã ‘thắt’ các cơ hội tiếp cận thị trường trái phiếu của các dự án hạ tầng giao thông”,  một lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ Giao thông - Vận tải) nhận xét.

Trên thực tế trong quá trình triển khai Dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng mức đầu tư lên tới 9.017 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã phải cho phép VEC được phép phát hành trái phiếu để đáo nợ trong quãng thời gian 25 năm hoàn vốn công trình.

“Các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc thường có tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) thấp, thời gian hoàn vốn lên tới 20 - 25 năm nên khi xây dựng phương án phát hành trái phiếu, các chủ đầu tư đều đề xuất kỳ hạn phát hành dài, thường trên 15 năm. Nhưng trong quá trình điều hành, do tình tình thị trường tài chính và chính sách điều hành tài chính vĩ mô, Bộ Tài chính có thể chỉ cho phép doanh nghiệp phát hành với kỳ hạn phát hành ngắn hơn phương án đã duyệt (3 năm hoặc 5 năm). Do đó, đương nhiên đến thời điểm trả nợ, chủ đầu tư sẽ phải phát hành trái phiếu bổ sung để đảo nợ. Khi đó, tổng số lượng phát hành cần bảo lãnh sẽ lớn hơn giá trị đã được Chính phủ phê duyệt”, ông Việt tính toán.

Theo VEC, nêu không có những quy định mở hơn hạn mức bảo lãnh thanh toán, VEC chắc chắn sẽ phá sản, bởi trong vòng 3 - 5 năm đầu tiên kể từ ngày tiến hành khai thác tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tổng số tiền thu phí chỉ đủ trả lãi phát hành.

Không riêng gì Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, với thời gian thi công thực tế của các dự án hạ tầng giao thông lớn thường lên tới 5 – 6 năm, các chủ đầu tư chắc chắc sẽ phải phát hành trái phiếu để đáo nợ ngay khi công trình vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Theo ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận- đơn vị đang tiến hành chuyển đổi thành Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, huy động vốn qua phát hành trái phiếu công trình là phương án khả thi gần như duy nhất đối với cho các doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ đầu tư dự án hạ tầng giao thông có quy mô vốn lớn, nhưng khả năng sinh lời thấp. Các khoản vay thương mại của ngân hàng thường bị giới hạn về hạn mức, hầu hết là ngắn hạn, không thể sử dụng cho các đầu tư dài hạn và đòi hỏi phải có tài sản cầm cố, thế chấp.

Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường trái phiếu đối với các dự án hạ tầng chỉ được rộng mở nếu như câu chuyện “con gà có trước, hay quả trứng có trước” trong điều kiện phát hành trái phiếu được giải quyết dứt điểm.

Theo quy định tại điểm 1b, Điều 16, Dự thảo Nghị định, một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phát hành trái phiếu là “các chương trình, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan”. Trong khi đó, nếu căn cứ theo Luật Xây dựng và Nghị định số 12/2009/NĐ – CP về quản lý đầu tư xây dựng công trình (Nghị định 12), các dự án đầu tư xây dựng chỉ được coi là hoàn thành thủ tục đầu tư sau khi được cấp có thẩm quyền ký quyết định đầu tư.

Oái oăm ở chỗ, cũng theo Nghị định 12, yêu cầu xác định được nguồn vốn là điều kiện tối quan trọng để một dự án được được phê duyệt. “Do đó, nếu Bộ Tài chính không hạ điều kiện phát hành trái phiếu từ “hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định” xuống “được phê duyệt chủ trương đầu tư” thì các dự án hạ tầng giao thông sẽ rất khó khăn khi muốn huy động vốn qua phát hành trái phiếu công trình”, ông Nguyễn Ngọc Long, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình trọng điểm chia sẻ.

Anh Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   SBS phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu (18/11/2010)

>   CII bán 25 triệu USD trái phiếu cho Goldman Sachs (18/11/2010)

>   CII sẽ mời Vietcombank bảo lãnh trái phiếu  (15/11/2010)

>   Ngày 13/12/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu CPD071046 (14/11/2010)

>   Ngày 08/12/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu TP1A5605 (14/11/2010)

>   Ngày 22/11/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu TP1A5105 (14/11/2010)

>   Ngày 29/11/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu TP1_2505 (14/11/2010)

>   Ngày 29/11/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu CPD071043 (14/11/2010)

>   Ngày 06/12/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu CPD071044 (14/11/2010)

>   Ngày 22/11/2010, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu CPB071242 (14/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật