Thứ Bảy, 06/11/2010 15:13

Cổ phần hoá doanh nghiệp: khởi động lộ trình mới

Để cổ phần ưu đãi không thành bạc đãi

Lao động trẻ chỉ được mua rất ít cổ phần ưu đãi do thời gian công tác tại doanh nghiệp còn ít. Còn những người đã công tác lâu năm, được mua nhiều cổ phần ưu đãi lại không thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp do tuổi tác…

Bài 1: Định giá đất, lực cản của tiến độ cổ phần hoá?

Bài 2: Thiếu khung để chọn cổ đông chiến lược

Xem ra, việc giữ chân người lao động thông qua cổ phần ưu đãi không dễ dàng. Thậm chí trong nhiều trường hợp chính sách ưu đãi này lại thành... bạc đãi!

Đóng góp ý kiến xây dựng nghị định sửa đổi, nhiều người tỏ ra chưa đồng tình với dự thảo vì cho rằng chưa có nhiều quy định mới được đưa ra. Thực tế, đã có nhiều trường hợp từ ưu đãi trở thành bạc đãi. Đơn cử như khi Vietcombank (VCB) cổ phần hoá, người lao động được mua với giá 64.000 đồng/CP (giá đấu thành công bình quân của VCB là 107.000 đồng/CP), giờ giá cổ phiếu VCB chỉ dao động khoảng 35.000 đồng/CP, coi như mất đậm.

Ông Trịnh Công Loan – tổng công ty Ximăng Việt Nam cho biết thêm: khi cổ phần hoá công ty Ximăng Hà Tiên 1 và 2, rất nhiều lao động tha thiết được mua thêm cổ phần. Thế nhưng, rất may cho họ là nguyện vọng đó không được đáp ứng, nếu không với quy định về giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động tại nghị định 109/2007 thì đến thời điểm này, nhiều người đã bị mất đau và như thế ưu đãi trở thành bạc đãi, vì nhiều người chắt góp cả đời xem như mất hết. Đứng ở góc độ cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động, tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị: giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động là giá đấu thành công thấp nhất sau khi đấu giá. Vì quy định người lao động phải mua cổ phần ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công bình quân là chưa phù hợp thực tế, có trường hợp vẫn cao hơn nhà đầu tư tham gia đấu trực tiếp.

Ông Loan cũng cho rằng cần có thêm một số quy định cụ thể. Chẳng hạn, một số lãnh đạo doanh nghiệp được điều chuyển từ nơi khác đến, thời gian gắn bó với doanh nghiệp chưa lâu, có được mua cổ phần ưu đãi không? Mặt khác, việc quy định về mua cổ phần ưu đãi cũng nên căn cứ vào quy mô doanh nghiệp, tổng số lao động. Vì nếu doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ khoảng 30 tỉ đồng thì người lao động được mua mức đó là tốt. Nhưng đối với những doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng thì quy định mức cổ phần được mua trên là quá ít.

Còn một vị lãnh đạo đại diện vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ lại băn khoăn: mục đích giữ chân lao động, đặc biệt là lao động giỏi thông qua cổ phần ưu đãi là rất khó đạt được. Vì hầu hết người trẻ, tuổi lao động còn dài thì chỉ được mua rất ít lượng cổ phần ưu đãi do họ gắn bó với doanh nghiệp chưa lâu. Nếu người trẻ chỉ được mua khoảng 2.000 – 3.000 cổ phần thì không đủ sức hấp dẫn. Trái lại, những người nhiều tuổi đã gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, được mua nhiều cổ phần ưu đãi song thời gian gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trong tương lai lại không nhiều.

Bên cạnh đó, việc xác định người tài, giỏi để ưu đãi thêm cổ phần theo mức 500 cổ phần/một năm là rất khó. Vì thông qua đại hội công nhân viên chức để xem ai giỏi hơn ai là cả vấn đề! Do vậy, có ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm các tiêu chí để xác định người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao (về bằng cấp, ngạch lương, thành tích trong lao động sáng tạo) để doanh nghiệp cổ phần hoá có cơ sở thống nhất thực hiện.

Một băn khoăn nữa cũng rất đáng lưu tâm là với người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp trên mười năm nhưng nghỉ hưu vào thời điểm doanh nghiệp chốt số liệu cổ phần hoá có được mua cổ phần ưu đãi không? Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đã cam kết nhưng đã chuyển nhượng hết số cổ phần được phép chuyển nhượng sau thời hạn ba năm thì xử lý thế nào?

10 tháng đầu năm 2010 cổ phần hoá được 37 doanh nghiệp

Theo số liệu của bộ Tài chính, tính đến ngày 15.10.2010, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.845 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Trong đó, cổ phần hoá được 3.943 đơn vị (chiếm 67%); các hình thức sắp xếp khác là 1.902 doanh nghiệp (chuyển thành công ty TNHH MTV, sáp nhập, hợp nhất, giao bán, khoán...) chiếm 33%. Trong 3.943 doanh nghiệp cổ phần hoá có 2.294 doanh nghiệp thuộc địa phương (chiếm 58%); 1.196 doanh nghiệp khối bộ, ngành (chiếm 30%); 453 doanh nghiệp khối tập đoàn kinh tế, tổng công ty (chiếm 12%).

Riêng mười tháng đầu năm 2010 (tính đến 15.10.2010), cả nước sắp xếp được 315 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 37 doanh nghiệp; chuyển sang công ty TNHH MTV 261 doanh nghiệp; các hình thức sắp xếp khác 17 doanh nghiệp.

Hà Minh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Nhu cầu mua cổ phần Afiex An Giang chỉ đạt 48% (05/11/2010)

>   Đấu giá cổ phần: DN cần xem lại chính mình (05/11/2010)

>   Đăng ký mua cổ phần Vinaincon đạt 58% (04/11/2010)

>   Bài 2: Thiếu khung để chọn cổ đông chiến lược (04/11/2010)

>   Cuối năm, cổ phần hoá sẽ hết "nghẽn"! (04/11/2010)

>   Đấu giá cổ phần thời “chứng”... ế (03/11/2010)

>   IPO Phân bón Bình Điền thu hút giới đầu tư  (03/11/2010)

>   Nhu cầu mua cổ phần Hunex cao gấp 2 lần cung (02/11/2010)

>   Bài 1: Định giá đất, lực cản của tiến độ cổ phần hoá? (01/11/2010)

>   Chứng khoán BIDV: Chốt phiếu tham dự đấu giá ngày 15/11 (28/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật