Thứ Năm, 04/11/2010 12:06

Cổ phần hóa doanh nghiệp: Khởi động lộ trình mới

Bài 2: Thiếu khung để chọn cổ đông chiến lược

ViettinBank đấu giá lần đầu cuối năm 2008, năm 2010 mới lựa chọn được cổ đông chiến lược.

Nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá xong hàng tháng trời vẫn không chọn được nhà đầu tư chiến lược. Có doanh nghiệp vận tải chọn nhà đầu tư chiến lược là... phòng cảnh sát giao thông huyện.

* Bài 1: Định giá đất, lực cản của tiến độ cổ phần hoá?

Không thể cào bằng

“Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân” được quy định tại nghị định 109 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là tiêu điểm chú ý của doanh nghiệp khi sửa đổi nghị định. Quy định này đã khiến nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá không tìm được nhà đầu tư chiến lược.

Theo cách lập luận của một số tập đoàn lớn từng đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư lớn và thoái lui thì việc buộc các nhà đầu tư chiến lược phải mua với giá tối thiểu là giá của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước đấu giá lần đầu là không hợp lý. Họ phải mua với khối lượng rất lớn, buộc phải giữ trong thời gian rất dài mà không được bán. Thêm vào đó, cổ đông chiến lược nước ngoài lại phải đưa ra các trợ giúp về chiến lược, quản lý.

Việc Vietcombank cổ phần hoá xong mãi vẫn không chọn được cổ đông chiến lược, thường được đưa ra để minh chứng cho sự bất hợp lý này.

Ngoài giá, một vấn đề nữa là tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược. Ông Nguyễn Trọng Dũng, phó vụ trưởng vụ Đổi mới doanh nghiệp (văn phòng Chính phủ) cho biết: hiện nay, nhiều doanh nghiệp chọn quá nhiều cổ đông chiến lược, chọn cổ đông chiến lược không đúng tiêu chí. “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy có doanh nghiệp chọn cổ đông chiến lược là phòng cảnh sát giao thông huyện! Khi được hỏi doanh nghiệp giải thích họ là doanh nghiệp vận tải, chọn phòng cảnh sát giao thông làm cổ đông chiến lược sẽ có lợi!”

Thực tế, việc chọn cổ đông chiến lược bừa bãi, sai tiêu chí đang diễn ra khá phổ biến. Năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu bộ Xây dựng huỷ tư cách bốn cổ đông chiến lược, thu hồi 20% cổ phần ưu đãi tại Vinaconex, do các cổ đông chiến lược này đã không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hạ tiêu chí để... “kén chồng”

Để khắc phục tồn tại trên, điều 6, dự thảo gần đây nhất của nghị định 109 do bộ Tài chính soạn thảo quy định: “Sau khi đấu giá công khai thì giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược do ban chỉ đạo cổ phần hoá thoả thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai.

Dự thảo cũng quy định: đối với trường hợp thoả thuận trực tiếp hoặc đấu giá trong danh sách các nhà đầu tư chiến lược đủ tiêu chuẩn đã thực hiện đăng ký nhu cầu mua trước khi thực hiện đấu giá công khai, áp dụng giá thoả thuận giữa các bên, giá đấu thành công nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá quyết định.

Có thể nhận thấy về cơ bản bất cập về giá cho nhà đầu tư chiến lược đã nhận được sự đồng tình của dư luận, vấn đề còn lại là tiêu chí nào cho nhà đầu tư chiến lược? Ông Dũng cho rằng để loại bỏ những bất cập cho sự lựa chọn “bừa” trên, cần có một bộ tiêu chí chuẩn, cơ quan quyết định cổ phần hoá quyết định tiêu chí cụ thể, hoặc bổ sung tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm kinh doanh của từng doanh nghiệp. Tiêu chí đó nên để bản thân cơ quan chủ quản đưa ra là chính xác nhất.

Cũng có ý kiến cho rằng: nên quy định rõ tỷ lệ cổ phần cho một nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ tổng số cổ phần các nhà đầu tư nước ngoài được mua lần đầu. Mặt khác, cần làm rõ là đầu tư nước ngoài cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tất cả các nội dung: cam kết chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung ứng vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay chỉ cần một, một vài trong số các nội dung đó.

Mặt khác, cũng cần quy định cụ thể hơn các vấn đề nhà đầu tư chiến lược cam kết với ai, cam kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có giá trị và thực hiện tối thiểu bao lâu và đối với bao nhiêu lao động, nhất là lao động có trình độ cao, cam kết phát triển thị trường tiêu thụ cần có những định lượng nào? Quy định cũng chưa rõ cổ phần ưu đãi của nhà đầu tư thuộc loại nào: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại.

Hà Minh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Cuối năm, cổ phần hoá sẽ hết "nghẽn"! (04/11/2010)

>   Đấu giá cổ phần thời “chứng”... ế (03/11/2010)

>   IPO Phân bón Bình Điền thu hút giới đầu tư  (03/11/2010)

>   Nhu cầu mua cổ phần Hunex cao gấp 2 lần cung (02/11/2010)

>   Bài 1: Định giá đất, lực cản của tiến độ cổ phần hoá? (01/11/2010)

>   Chứng khoán BIDV: Chốt phiếu tham dự đấu giá ngày 15/11 (28/10/2010)

>   Chứng khoán BIDV IPO 10.2 triệu cp với giá 10,300 đồng/cp (23/10/2010)

>   Đăng ký mua cổ phần đấu giá Cảng Mỹ Thới đạt 73% (23/10/2010)

>   Cổ phần hóa TCty Dâu tằm tơ trong năm 2010 (21/10/2010)

>   PV Gas đấu giá 94.75 triệu cp khởi điểm 31,000 đồng/cp (21/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật