Thứ Sáu, 01/10/2010 11:59

Sẽ tách chi lương ra khỏi chi phí quản lý hành chính

Bộ Tài chính đang xây dựng định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 (thay thế Quyết định 151/2007/QĐ-TTg) theo hướng tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng (giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường…). Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp xung quanh nội dung này.

Thưa ông, định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính theo quy định mới sẽ gồm những khoản nào?

Các khoản chi quản lý hành chính mới gồm khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên của các cơ quan hành chính phát sinh hàng năm (bao gồm cả chi khoản khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể, thông tin liên lạc, công tác phí, văn phòng phẩm, điện nước, xăng dầu…); các khoản chi nghiệp vụ mang tính chất thường xuyên hàng năm và kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc, kinh phí sửa chữa tài sản thường xuyên.

Như vậy, định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính mới sẽ không tính khoản chi lương và các khoản đóng góp theo lương của cán bộ, công chức?

Theo quy định hiện hành, chi quản lý hành chính hàng năm bao gồm cả tiền lương, phụ cấp và các khoản trích theo lương. Việc tính tiền lương, phụ cấp và các khoản trích theo lương vào chi quản lý hành chính rất phức tạp, vì theo lộ trình cải cách tiền lương, mỗi năm, lương tối thiểu được điều chỉnh một lần, khiến những cơ quan có quỹ lương lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm kinh phí để thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, bản thân quỹ lương của các cơ quan đã là định mức được xác định bằng tổng số biên chế do Bộ Nội vụ quản lý nhân với số tiền mà mỗi cán bộ, công chức được hưởng theo hệ số, phụ cấp, nên việc tách lương ra khỏi chi quản lý hành chính là phù hợp.

Ngoài ra, còn có những khoản chi nào không được tính vào định mức chi quản lý hành chính?

Chi mua ô tô, sửa chữa trụ sở có giá trị lớn; mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức mới được bổ sung biên chế; chi cho các cơ quan đại diện ngoài nước, kinh phí đối ứng của các dự án, kinh phí thuê trụ sở làm việc, chi hỗ trợ cho các quỹ theo quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… cũng không được đưa vào định mức phân bổ chi quản lý hành chính theo cơ chế mới. Kinh phí chi cho những nhiệm vụ này thực hiện theo các quyết định cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu không tính lương vào chi phí quản lý hành chính, liệu có tạo điều kiện để các cơ quan tăng biên chế?

Các cơ quan không thể tăng biên chế, bởi biên chế do Bộ Nội vụ quản lý trên cơ sở định biên (biên chế phụ thuộc vào công việc, chức năng, nhiệm vụ được giao). Hơn nữa, theo định mức mới, cơ quan càng nhiều biên chế, thì định mức chi quản lý hành chính càng giảm. Cụ thể, nếu cơ quan hành chính cấp bộ có trên 1.000 biên chế, thì mức chi quản lý hành chính là 19 triệu đồng/biên chế/năm; nếu có từ 301 đến 500 biên chế, được chi 23,4 triệu đồng/biên chế/năm; nếu có dưới 101 biên chế thì được chi 30 triệu đồng/biên chế/năm.

Năm 2011 nói riêng, giai đoạn 2011-2015 nói chung, những lĩnh vực quan trọng sẽ được bố trí chi ngân sách thế nào, thưa ông?

Định mức phân bổ ngân sách năm 2011 bảo đảm đủ nguồn để chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề chiếm 20% tổng chi ngân sách; lĩnh vực khoa học - công nghệ bảo đảm 2% tổng chi; sự nghiệp hoạt động môi trường bảo đảm trên 1% tổng chi. Riêng lĩnh vực y tế bảo đảm tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung.

Với cách tính định mức mới, số chi tuyệt đối/biên chế năm 2011 sẽ khoảng bao nhiêu?

Theo tính toán sơ bộ, định mức phân bổ quản lý hành chính ở các cơ quan Trung ương năm 2011 từ 19 triệu đồng đến 30 triệu đồng/biên chế (riêng khối tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ là 30 triệu đồng/biên chế để thực hiện Nghị quyết 49/2005/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020). Như vậy, sau khi loại trừ tiền lương và các khoản tính theo lương, mức chi quản lý hành chính năm 2011 của các cơ quan Trung ương sẽ tăng từ 1,79 lần đến 1,82 lần (mức tăng phụ thuộc vào số lượng biên chế của các cơ quan) so với mức chi theo Quyết định 151/2007/QĐ-TTg.

Hiện cả nước có 24 đầu mối cơ quan hành chính nhà nước và 5 tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động. Theo định mức mới, 20 cơ quan được áp dụng định mức cao hơn từ 1,81 lần trở lên so với định mức theo Quyết định 151/2007/QĐ-TTg (chỉ số giá năm 2010 theo ước tính tăng 46% so với năm 2007) và cao hơn 3-5% so với dự toán năm 2010.

Mạnh Bôn

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Kê khai thuế qua mạng: Tạo thế chủ động cho DN (01/10/2010)

>   Doanh nghiệp gặp khó được mua hóa đơn (01/10/2010)

>   Đề nghị xử lý 14 doanh nghiệp gian lận thuế nhập khẩu ôtô (30/09/2010)

>   Đề nghị xử lý 14 doanh nghiệp ôtô gian lận thuế (29/09/2010)

>   Lúng túng khi sử dụng (29/09/2010)

>   Bội chi ngân sách đã gần 45 nghìn tỷ đồng (28/09/2010)

>   Bổ sung Philippines vào danh sách được hưởng thuế AJCEP tại Việt Nam (28/09/2010)

>   Quy định mới về việc sử dụng hóa đơn do doanh nghiệp tự in (28/09/2010)

>   Chuyện các ông lớn bị soán ngôi (27/09/2010)

>   Thí điểm hoàn thuế VAT cho khách quốc tế mua hàng tại Việt Nam (27/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật