Thứ Sáu, 15/10/2010 18:35

Giấc mộng mới của Vimpelcom khó thành hiện thực

Vào đầu tháng 10 vừa qua, Vimpelcom, tập đoàn cung cấp dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) lớn thứ hai ở Nga đã đạt được thỏa thuận với tỷ phú Naguib Sawiris (quốc tịch Ai Cập) về việc mua lại toàn bộ Wind Telecomunicazioni SpA, công ty cung cấp dịch vụ ĐTDĐ lớn thứ 3 của Italia và cổ phần lớn của Orascom Telecom, tập đoàn viễn thông lớn nhất Ai Cập.

Tổng trị giá của vụ mua bán này ước vào khoảng  6,6 tỷ USD, trong đó có 1,8 tỷ USD bằng tiền mặt.

Với thương vụ này, trên giấy tờ sổ sách, Vimpelcom sẽ trở thành tập đoàn cung cấp ĐTDĐ lớn thứ 5 thế giới xét theo số lượng thuê bao (với khoảng 174 triệu thuê bao ở 20 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và châu Phi) với doanh thu hàng năm vào khoảng 21,5 tỷ USD.

Hiện tạ,i Vimpelcom đang hoạt động tại Nga, Ukraine,  Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Georgia, Armenia, Kyrgyzstan, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, Vimpelcom đã liên doanh với Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (Bộ Công an) cho ra đời mạng ĐTDĐ Beeline.

Vimpelcom là liên doanh giữa tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy và tập đoàn tài chính Alfa Group của Nga. Tỷ phú có tiếng của Nga là Mikhail Fridman hiện đang kiểm soát Alfa Group.

Đại diện của Vimpelcom thông báo: "Sau khi hoàn tất mọi thủ tục pháp lý dự kiến trong quý I/2011, Vimpelcom sẽ sở hữu 51,7% cổ phần của Orascom và 100% cổ phần của Wind". Ông Alexander Alecxander Izosimov, Giám đốc điều hành (CEO) Vimpelcom nhận xét, nhờ có thương vụ mới này, Vimpelcom sẽ mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động và tầm ảnh hưởng của mình sang khắp 3 châu lục là châu Âu, châu Á và châu Phi.

Theo nhiều chuyên gia viễn thông, Vimpelcom nằm trong đội ngũ các "ngôi sao đang lên" trong làng viễn thông của thế giới gồm Bharti Telecom của Ấn Độ, MTN của Nam Phi cùng được gắn mác là "Vodafone của thế kỷ XXI".

Vodafone hiện là tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới của Anh (xét theo doanh thu). Nếu thương vụ này thành công, giấc mộng mở rộng địa bàn hoạt động và tầm ảnh hưởng của Vimpelcom ít nhiều sẽ trở thành hiện thực.

Là tỷ phú vào loại giàu nhất ở Trung Đông, ông Naguib Sawiris hiện là cổ đông lớn của Orascom Telecom và Wind. Theo tạp chí Forbes của Mỹ, ông Naguib Sawiris  hiện có tổng tài sản ước lên tới 2,5 tỷ USD. Ông Naguib Sawiris phát biểu: "Thương vụ này phản ánh các tài sản của Orascom Telecom và Wind đều có chất lượng cao. Các cổ đông đều được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của chúng tôi vào đây trong những năm qua".

Orascom Telecom đã cùng với France Telecom thành lập liên doanh Mobinil, nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ lớn nhất Ai Cập. Mobinil đang hoạt động ở cả Algeria, một số nước châu Phi và châu Á, trong đó có CHDCND Triều Tiên.

Theo thoả thuận đạt được, Orascom Telecom sẽ nhượng lại tài sản của mình ở một số nước châu Á, châu Phi như Uganda, Algeria, Pakistan, Bangladesh... cho VimpelCom, trừ ở Ai Cập và CHDCND Triều Tiên.

Dự kiến, Orascom Telecom sẽ thành lập một công ty con để quản lý tài sản và kinh doanh tại thị trường Ai Cập và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số động thái cho thấy, vụ mua bán này có thể sẽ gặp không ít trục trặc.

Thứ nhất, tuy mới đạt được thoả thuận mua lại cổ phần của Orascom, song VimpelCom đã gặp phải trở ngại đầu tiên. Đó là vào đầu tuần này, có nguy cơ cổ phần của Orascom tại Djezzy, công ty cung cấp dịch vụ ĐTDĐ lớn ở Algeria (mà Orascom thoả thuận nhượng lại cho VimpelCom) sẽ được Chính phủ Algeria mua lại. Djezzy đang kinh doanh khá tốt tại thị trường Bắc Phi.

Ngày 11/10, Chính phủ Algeria đã bắt đầu việc tuyển chọn nhà tư vấn để thực hiện việc mua lại cổ phần này. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Algeria đã phát biểu sẽ chỉ thảo luận trực tiếp vấn đề này với ông Naguib Sawiris và Orascom Telecom, chứ không với đại diện của VimpelCom. Nếu sự việc diễn biến theo chiều hướng này, thì có nhiều khả năng, VimpelCom phải từ bỏ ý định thâm nhập thị trường Algeria, được xem là "ngon ăn" nhất. Còn các thị trường khác như Uganda, Pakistan.. bị coi là "khó nhằn" hơn.

Thứ hai, khi trả lời phỏng vấn tờ báo kinh doanh Vedomosti của Nga, ông Jon Fredrik Baksaas, Chủ tịch Telenor, đối tác lớn trong liên doanh Vimpelcom cũng bày tỏ nỗi e ngại và đề nghị phải cân nhắc kỹ trước khi phê chuẩn vụ mua lại này. 

Một số người thạo tin cho rằng, nỗi e ngại này là có cơ sở, bởi một số vụ đầu tư của Vimpelcom ở một số thị trường nước ngoài chưa thể gọi là thành công, khi kết quả đều ở dưới mức mong đợi. Chẳng hạn tại Việt Nam, đại diện Vimpelcom cũng từng tuyên bố sẽ đầu tư vào Beeline 1,8 tỷ USD để thu hút khoảng 20 triệu thuê bao. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chính thức, tính đến tháng 5/2010, Beeline mới chỉ nắm 1,4% thị phần thuê bao di động ở Việt Nam (hơn 1,9 triệu thuê bao), đứng thứ 6 (sau Viettel, MobiFone, Vinaphone, S-fone và Vietnammobile).

VimpelCom cũng đã thâm nhập vào thị trường ĐTDĐ Campuchia thông qua việc sở hữu 90% cổ phần trong Sotelco. Song kết quả kinh doanh tại thị trường này cũng không hoàn toàn tiến triển như dự định ban đầu.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Hãng hàng không Viva Macau tuyên bố phá sản (14/10/2010)

>   Hãng dược phẩm Pfizer mua lại King giá 3,6 tỷ USD (13/10/2010)

>   Ông Obama thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng (12/10/2010)

>   Anh bán tài sản công để giảm thâm hụt ngân sách (12/10/2010)

>   Thượng Hải hạn chế mua nhà (10/10/2010)

>   Cảnh sát Úc điều tra vụ hối lộ để in tiền polymer (08/10/2010)

>   20 tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ (08/10/2010)

>   “Vương triều” bất động sản Hồng Kông phế truất “thái tử” (07/10/2010)

>   Triệu phú cũng xin trợ cấp thất nghiệp (04/10/2010)

>   APEC kêu gọi tăng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (03/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật