Thứ Tư, 22/09/2010 06:32

Trái phiếu cản trở hạ lãi suất

Giải pháp tháo gỡ nút thắt tín dụng, giảm dần mặt bằng lãi suất (LS) là những nội dung nóng bỏng tại hội thảo “Kinh tế VN 2010, triển vọng 2011”.

Các chuyên gia cho rằng cần điều chỉnh LS trái phiếu chính phủ, cũng như kiềm chế cuộc đua phát hành trái phiếu mới có thể mở đường cho LS ngân hàng (NH) giảm...

Trò chơi... trái phiếu

Ngày càng khó giảm LS - đó là nhận xét của tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia.

Theo ông Nghĩa, LS huy động thực tế đang rất cao so với lạm phát nhưng thị trường tín dụng vẫn diễn biến không bình thường. NH đang thỏa thuận, thậm chí bắt tay với người gửi tiền để biến vốn ngắn hạn thành dài hạn, tiền gửi không kỳ hạn thành có kỳ hạn, công khai thưởng LS. Thậm chí có NH còn biến vay bất động sản, chứng khoán thành vay tiêu dùng nhằm lách thông tư 13.

Theo các chuyên gia, Chính phủ nên giảm bớt đầu tư công để giảm sức ép lạm phát, đồng thời hướng nguồn vốn vào khối doanh nghiệp tư nhân nhằm tăng hiệu quả đồng vốn. Ngoài việc cải cách ngân sách nhà nước và đầu tư công, Nhà nước cần tập trung cải cách tập đoàn nhà nước một cách nghiêm túc.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh cần nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành và địa phương, tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Xảy ra thực tế trên, theo ông Nghĩa, do thị trường tín dụng đang bị chi phối bởi hàng loạt quy định hành chính: NH Nhà nước giới hạn tỉ lệ sử dụng vốn từ thị trường liên NH để cho vay, hạn chế dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn. Tới đây khi thông tư 13 có hiệu lực, các NH còn bị giới hạn tỉ lệ cho vay trên tổng huy động.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, NH Nhà nước gia tăng cung ứng vốn thông qua thị trường mở nhưng thay vì cho doanh nghiệp vay, NH lại lấy tiền mua trái phiếu chính phủ.

Còn theo tiến sĩ Võ Đại Lược - Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, do khó tiếp cận vốn NH, thời gian qua nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Hòa Phát, EVN... đã phát hành hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu với LS lên đến 14-16%. Doanh nghiệp phải vay LS cao trong khi lợi nhuận trung bình hằng năm của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ 5-6%. Như vậy không những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả mà thậm chí có nguy cơ nợ xấu.

Theo ông Nghĩa, với LS huy động thực tế từ 12-13%/năm như hiện nay, nếu cho doanh nghiệp vay NH chỉ còn lãi được tối đa 1%/năm sau khi trừ các chi phí. Trong khi đó đầu tư vào kênh trái phiếu NH gần như không phải chịu rủi ro mà lãi lên đến 2-3%. Đó là lý do NH không mặn mà cho vay. Nguồn vốn tín dụng một khi chưa được mở rộng thì mục tiêu giảm LS ngày càng trở nên xa vời.

Theo số liệu của NH Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 8 tháng của hệ thống NH thương mại chỉ đạt 16,27%, còn khá xa so với mục tiêu 25% của năm 2010.

Theo ông Võ Đại Lược, chênh lệch LS VND và USD ngày càng thu hẹp cũng là rủi ro lâu dài cho tỉ giá. Do LS huy động USD tại VN đang cao nhiều lần so với các nước khác nên giới đầu tư quốc tế đã chuyển vốn ngoại tệ vào VN gửi để kiếm chênh lệch LS.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã có khoảng 2 tỉ USD từ nguồn vốn ủy thác đầu tư chảy vào VN.

Theo ông Lược, một khi LS USD giảm mạnh, luồng vốn này sẽ bị rút ra gây tác động tiêu cực lên tỉ giá.

Giải bài toán lãi suất

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, để giảm thêm LS nhằm tạo đà cho tăng trưởng tín dụng, NH Nhà nước cần tăng cung ứng tiền theo chỉ tiêu của Chính phủ, trong đó phải đặc biệt chú trọng số tiền cung ứng còn tồn tại thực trong nền kinh tế sau khi NH Nhà nước điều tiết nguồn tiền. NH Nhà nước cũng nên điều chỉnh một số quy định về cấp tín dụng quy định tại thông tư 13 đang gây khó cho các NH thương mại.

Nên nới lỏng hơn thay vì quy định không được dùng quá 20% vốn liên NH làm vốn tín dụng, tránh tạo sức ép buộc các NH phải huy động để bù đắp bằng mọi giá. NH Nhà nước cũng nên xem xét lộ trình áp dụng thông tư 13 để giảm sức ép cho các NH thương mại.

Những rào cản tăng trưởng tín dụng từ những chính sách mới là những quy định mang tính dài hạn. Tuy nhiên theo ông Nghĩa, nếu không tháo gỡ kịp thời thì khả năng giảm LS càng trở nên xa vời và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% như định hướng của NH Nhà nước khó lòng đạt được.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, LS trái phiếu chính phủ xoay quanh 10%/năm như hiện nay là quá cao. Do vậy để giảm LS huy động và cho vay, trước mắt phải giảm tiếp LS trái phiếu chính phủ. Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn từ ngân sách và tiến hành tái cấu trúc nợ xấu để giúp tăng cung tiền cho nền kinh tế.

Đặc biệt phải có giải pháp với các khoản nợ không có khả năng thu hồi để có thể tiếp tục cho vay đối với những phân khúc dự án khả thi.

Xu hướng tỉ giá hối đoái hiện nay tương đối ổn định, do vậy khó có khả năng tăng tỉ giá trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn áp lực tăng tỉ giá vẫn khá cao. Thâm hụt thương mại vẫn còn lớn. Tới đây nhu cầu ngoại tệ để trả nợ có xu hướng tăng cao.

Vì vậy, thời điểm này các NH thương mại phải điều chỉnh giảm dần tăng trưởng tín dụng ngoại tệ để đảm bảo thanh khoản lẫn an toàn về chất lượng tín dụng. Áp lực tăng tỉ giá trong dài hạn chỉ giảm nếu thâm hụt thương mại giảm mạnh, chính sách tỉ giá được NHNN điều hành linh hoạt và dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục tăng lên cao.

Trái phiếu làm khó ngân hàng

Tại cuộc họp bàn tìm giải pháp giảm mặt bằng LS huy động, LS cho vay ngày 21-9, nhiều NH thuộc Hiệp hội NH cho rằng một trong những nguyên nhân khiến LS cao là vì LS trái phiếu của doanh nghiệp hiện quá cao.

Trong quý 2, các tập đoàn, tổng công ty lớn đã đưa ra thị trường số lượng trái phiếu trị giá gần 10.000 tỉ đồng với LS bình quân 14-16%/năm, tức cao hơn 3-5% so với mặt bằng LS huy động chung. Hệ quả là nếu không tăng LS, khuyến mãi thì NH không thể nào cạnh tranh nổi với doanh nghiệp.

Huy động vốn với LS cao NH cũng an tâm vì có thể thu lãi nhờ mua trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó tạo rào cản cho việc hạ LS.

A.H

A.Hồng - T.Sơn

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Trái phiếu doanh nghiệp: Cẩn trọng khi đầu tư (22/09/2010)

>   NVN đã phát hành thành công 40 tỷ đồng trái phiếu (21/09/2010)

>   HSG sẽ phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu (21/09/2010)

>   Habubank vừa phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu (20/09/2010)

>   Hiệp hội Thị trường trái phiếu ‘bênh’ nhà đầu tư ngoại (20/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu CPB071032 (19/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu TP1_2005 (19/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu TP1_2005 (17/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu TP1_2005 (19/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu CPB071032 (17/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật