Thứ Tư, 22/09/2010 06:12

Trái phiếu doanh nghiệp: Cẩn trọng khi đầu tư

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang trở thành hiện tượng đáng chú ý khi hầu hết các đợt chào bán của DN đều thành công, đặc biệt là trái phiếu (TP) chuyển đổi. Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo khoản vay này không thể trở thành nợ xấu.

Phát hành TPDN: Lợi cả đôi đường

Thời gian qua, hoạt động tín dụng tại các ngân hàng bị thắt chặt, thị trường cổ phiếu (CP) đang bị bão hòa bởi lượng cung dồi dào. Trong khi đó, thị trường TP lại có những dấu hiệu khởi sắc, khiến các DN đổ dồn về kênh huy động này. Thị trường đã chứng kiến nhiều DN lớn nhỏ đều đã thành công với các đợt phát hành TP quy mô lớn như CTCK Sài Gòn (SSI) phát hành thành công 2.000 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) phát hành thành công 400 tỷ đồng, Tập đoàn Sông Đà phát hành thành công 1.500 tỷ đồng…

Ông Trần Phú Sơn, Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, nhận xét các DN thường thích phát hành TP hơn vay ngân hàng vì thủ tục phát hành TP đơn giản hơn đi vay ngân hàng. TP là một khoản vay thường không có đảm bảo, khả năng trả nợ phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của DN. DN chỉ cần kết quả kinh doanh năm trước đó có lãi, thương hiệu uy tín, hay được đánh giá có tiềm năng phát triển là có thể phát hành TP huy động vốn.

Thí dụ DN đang có một quỹ đất tốt, có được do đi thuê trong thời hạn dài 50 năm. Theo Luật Đất đai hiện hành, DN không thể dùng quỹ đất đó làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng lại có thể phát hành TP cho những NĐT nhìn ra tiềm năng tương lai, NĐT sẽ cho DN vay tiền thông qua việc mua TP, giúp DN xây dựng, kinh doanh và thu lời từ đó.

Ngoài ra, DN thường thích phát hành TP vì có thể tự quyết số nguồn vốn thu được trong hoạt động kinh doanh, trong khi nếu đi vay ngân hàng sẽ bị ngân hàng giám sát sâu vào hoạt động kinh doanh. Đồng thời, khi DN vay ngân hàng, các khoản lãi phải trả sẽ đưa ngay vào báo cáo tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận DN, trong khi nếu phát hành TP sẽ có rất nhiều cách để làm đẹp báo cáo tài chính.

Đối với việc phát hành TP chuyển đổi, DN còn có lợi ở nhiều mặt. Giả sử DN đó có CP niêm yết giá thị trường là 40, phát hành TP chuyển đổi cho dù không có lãi hoặc lãi rất thấp, với giá chuyển đổi là 30. Trong tình trạng thị trường tốt, nếu đứng ở vị trí NĐT TP này dù không có lãi nhưng vẫn hấp dẫn - do họ được lời ít nhất 10 giá khi chuyển đổi, thậm chí còn nhiều hơn thế. Phía DN lại được sử dụng nguồn vốn này trong thời gian dài mà không phải trả lãi, sau thời điểm TP được chuyển đổi thành CP, nguồn vốn này sẽ chạy thẳng vào vốn chủ sở hữu của DN.

Như trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một thí dụ điển hình. Tập đoàn này đã phát hành thành công 1,1 triệu TP chuyển đổi tương đương 1.100 tỷ đồng cho đối tác chiến lược Temasek Holdings (Singapore) với giá chuyển đổi 67.375 đồng/CP (giá thị trường 74.000/CP).

Theo đó Temasek có quyền thực hiện chuyển đổi CP sau 1 năm với lãi suất TP trong trường hợp này là 0%. Nếu Temasek không chuyển đổi TP, lãi suất sẽ được xác định bằng lãi suất tiền gửi +3%/năm.

SSI đã thành công trong việc phát hành TPDN với 2.000 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng TPDN?

Tuy nhiên không phải TP nào cũng an toàn. Với TP chính phủ, khoản đầu tư này gần như an toàn tuyệt đối. Nhưng với TPDN, khoản đầu tư này vẫn có khả năng trở thành một khoản nợ xấu nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ khi quyết định mua.

Hiện nay, quy định về phát hành TPDN còn khá mở, gần như trao quyền tự quyết cho DN. Đối với những đợt chào bán công khai ra công chúng, UBCKNN cũng chỉ có thể kiểm soát DN lúc phát hành; sau khi phát hành, nguồn vốn này DN sử dụng ra sao, NĐT phải tự giám sát, đến lúc có chuyện xấu xảy ra NĐT phải chịu rủi ro. Còn đối với phát hành riêng lẻ, vấn đề đã nằm ngoài tầm kiểm soát của UBCKNN.

Trong quy định về phát hành TPDN, DN có thể có tài sản đảm bảo hoặc không cần đảm bảo, chính vì vậy nên đa phần các DN đều thực hiện phát hành TP không có đảm bảo, hoặc được đảm bảo bởi một tổ chức không đáng tin cậy. Không phải DN nào cũng dễ dàng được ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Bản thân các DN cũng không muốn thuê ngân hàng bảo lãnh phát hành vì phí khá cao. Thông thường, ngân hàng sẽ chấp nhận bảo lãnh phát hành khi DN phải trả 1-3% số tiền huy động được qua đợt phát hành.

Việc phát hành TP chuyển đổi cũng là một hình thức lách luật của các DN khi họ muốn phát hành thêm CP, đặc biệt là những TP có thời hạn chuyển đổi ngắn không khác gì phát hành CP mà đội lốt phát hành TP. Khi đó, ngoài rủi ro vì hiệu ứng pha loãng CP, NĐT còn phải chịu nhiều rủi ro vì thiếu thông tin về DN. Kết quả và kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN không được cung cấp đầy đủ, minh bạch như khi phát hành CP khiến NĐT có thể đưa ra quyết định không sáng suốt.

Hiện nay các đối tượng mua TPDN chủ yếu vẫn là các tổ chức như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… Với những rủi ro TPDN có thể thấy trước họ phải trích lập dự phòng để đảm bảo hoạt động kinh doanh của tổ chức. Tuy nhiên, với thị trường TPDN còn ít thông tin và kém thanh khoản như hiện nay, các tổ chức này khó lòng có thể xác định được giá của TPDN để thực hiện trích lập vào kỳ hiện tại.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường TP (VBMA), cho biết tại các nước phát triển, hoạt động mua bán, repo TP diễn ra đều đặn, được sự quan tâm của đông đảo NĐT, nên có khá nhiều hãng thông tin liên tục cập nhật giá của các loại TP và tính ra giá tham chiếu thông báo vào 9-10 giờ sáng ngày hôm sau, nên NĐT có thể dễ dàng so sánh và cân đối lại các danh mục TP của mình. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của VBMA trong thời gian tới khi muốn xây dựng một thị trường TP phát triển hơn.

Lỗ hổng pháp lý

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản đóng góp dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo VCCI, hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) ở Việt Nam hiện nay cho thấy thị trường TPDN tập trung chủ yếu ở trái phiếu (TP) ngân hàng và TP bất động sản. Quy mô của thị trường TP Việt Nam (gồm cả TP chính phủ) hiện ở mức 17% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như Singapore 74%, Trung Quốc 53%, Malaysia 82%, Thái Lan 58%.

TPDN là một cách thức huy động vốn dài hạn hữu hiệu. Phát hành TPDN thường có những lợi thế hơn hẳn so với các kênh huy động vốn khác: không phải chịu sức ép chi phối từ cổ đông, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản lãi trả TP, không phải tuân thủ các điều kiện vay vốn khắt khe của các ngân hàng thương mại.

Lổ hổng này xuất phát từ Nghị định 52 về phát hành TPDN năm 2006 không còn phù hợp với thực tiễn phát triển TTCK, nhiều quy định mâu thuẫn với các văn bản pháp lý khác và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam, cho rằng không nên đưa DN nhà nước trong thời gian chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc CTCP được phát hành TPDN.

Bởi lẽ một trong những điều kiện bắt buộc để được phép phát hành TPDN là DN phải ổn định, song nếu việc phát hành TPDN thực hiện trước khi chuyển đổi và ngay sau đó DN được chuyển đổi sẽ tiềm ẩn những rủi ro đối với các NĐT mua TP của DN.

Theo Khoản 2 Điều 30 của dự thảo, hồ sơ phát hành TP phải có các hợp đồng bảo lãnh, tư vấn pháp lý, báo cáo đánh giá hệ số tín nhiệm. Trong khi đó, đối với phát hành TP trong nước, không bắt buộc các hợp đồng này.

Thanh Hằng

Khánh Ly

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   NVN đã phát hành thành công 40 tỷ đồng trái phiếu (21/09/2010)

>   HSG sẽ phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu (21/09/2010)

>   Habubank vừa phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu (20/09/2010)

>   Hiệp hội Thị trường trái phiếu ‘bênh’ nhà đầu tư ngoại (20/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu CPB071032 (19/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu TP1_2005 (19/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu TP1_2005 (17/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu TP1_2005 (19/09/2010)

>   Ngày 27/09/2010, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu CPB071032 (17/09/2010)

>   22/09/2010, ngày ĐKCC trả gốc và lãi trái phiếu TP1A3405 (19/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật