Áp dụng các quy định về kinh doanh gas:
Thương nhân lo lắng với các quy định chưa sát thực
Từ ngày 1.10.2010, Nghị định 107 quy định về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng sẽ chính thức được áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh của thương nhân (TN) và DN đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hiện nay không ít TN kinh doanh gas lo lắng vì chưa đáp ứng được các yêu cầu về diện tích kho bãi, số bình gas tối thiểu một TN phải có, khoảng cách kho bãi với khu dân cư...
Quy định chặt?
Trong khi thị trường gas còn chưa được kiểm soát chặt, Nghị định 107 có hiệu lực, quy định về việc kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo nhiều TN thì một số quy định trong NĐ 107 chưa sát thực với tình hình, nên không ít TN gặp khó khăn trong việc thực hiện, đặc biệt là những TN vừa và nhỏ. Hiện nay, chỉ còn một tháng nữa là đến ngày các cơ sở kinh doanh gas phải thực hiện quy định, nhưng đến nay, chỉ có khoảng 5 - 6 DN lớn hoạt động trong lĩnh vực này mới đáp ứng được các yêu cầu trong NĐ 107.
Một trong những điểm mà hầu hết các DN vừa và nhỏ không thể đáp ứng được, đó là điều kiện đối với TN phân phối LPG cấp 1 trong NĐ 107. Theo đó, NĐ quy định rõ: Thương nhân phân phố LPG cấp I phải có kho LPG với tổng sức chưa các bồn tối thiểu 800m3 để tiếp nhận LPG từ tàu hoặc phương tiện vận chuyển khác, được xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; có tối thiểu 300.000 vỏ LPG các loại (trừ bình mini) thuộc sở hữu của TN...
Ông Đặng Vinh Sang - TGĐ Cty TNHH một thành viên dầu khí TPHCM (Saigon Petro) - cho biết: “Thị trường gas hiện nay đang có nhiều vấn đề, trong số này các vi phạm về sang chiết gas trái phép, giả nhãn hiệu là một tệ nạn tồn tại dai dẳng trong thời gian qua. Việc thực hiện NĐ mới sẽ góp phần làm lành mạnh hoá thị trường gas hiện nay. Đối với các DN lớn, những quy định được ban hành hầu như có thể đáp ứng được, nhưng đối với các DN vừa và nhỏ thì gặp một số khó khăn”.
Các DN vừa và nhỏ cho rằng đang gặp vướng mắc, khó có đủ điều kiện, được cấp phép hoạt động sau ngày 1.10.2010. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi DN, mà còn ảnh hưởng đến tình hình cung ứng gas cho thị trường cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông Lê Phúc Đại - GĐ Cty năng lượng Đại Việt - Vinagas: “Theo quy định, tổng đại lý phải có kho có sức chứa 2.000 bình gas. Thế nhưng, trên thực tế ở TPHCM rất khó tìm được vị trí làm kho cũng như xin giấy phép thành lập kho. Ở TPHCM không có khu nào không có dân cư sinh sống, mà theo quy định không được thành lập kho ở khu dân cư nên phải ra các vùng quê, vùng ven. Mặt khác, việc xây dựng hệ thống phân phối là các đại lý, cửa hàng tại TPHCM cũng đang vướng, bởi mấy năm gần đây không thể xin cấp phép thành lập cửa hàng, đại lý bán gas”.
Ông Lê Văn Long - Trưởng ban kỹ thuật tư vấn đào tạo của Hiệp hội Gas VN - cho rằng: “Kinh doanh LPG là mặt hàng có điều kiện, vì vậy với các DN không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thành doanh nhân cấp 1 thì có thể làm đại lý, vẫn hoạt động bình thường, nhập khẩu gas theo phương thức uỷ thác nhập khẩu sau ngày 30.9”.
Tuy nhiên, Hiệp hội Gas VN cũng có đưa ra những khó khăn sau khi NĐ 107 có hiệu lực như: Vấn đề khoảng cách an toàn, nhiều DN xây dựng kho, bãi, cửa hàng theo khoảng cách an toàn trước đây, nay cũng có kiến nghị với Bộ Công Thương để giải quyết. Vấn đề cấp phép và quy hoạch, hiện nay các thành phố chưa có hệ thống quy hoạch kinh doanh gas, vì vậy phải cần có lộ trình. Riêng vấn đề đào tạo, quy định 100% phải được đào tạo với 5 nội dung; tuy nhiên các DN, TN kiến nghị tập trung đào tạo tất cả các nghiệp vụ theo 1 khoá với tất cả các nội dung; nhưng đến nay vẫn mỗi bộ, ngành lại đào tạo một chương trình riêng...
Cửa hàng, đại lý lôi kéo khách hàng
Nghị định 107 quy định rõ quyền của địa lý kinh doanh gas là lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho tối đa 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối hoặc tổng đại lý. Một thực tế đang diễn ra ở HN và TPHCM là tình trạng cạnh tranh, sắp xếp lại các cửa hàng của các DN đã diễn ra ráo riết. Theo quy định mới, mỗi cửa hàng chỉ kinh doanh sản phẩm của 3 thương nhân, nên nhiều cửa hàng kinh doanh gas đang có xu hướng chiêu dụ các khách hàng lâu nay của mình chuyển sang sử dụng 1 trong số 3 thương hiệu gas mình sẽ kinh doanh sau ngày 1.10. Chiêu thức đang được các cửa hàng áp dụng hiện nay là khi người tiêu dùng gọi đổi gas, cửa hàng báo hết các nhãn hiệu gas mà khách hàng đang sử dụng, chỉ còn 3 loại bình gas cửa hàng đã chọn. Chính cách làm này của đại lý kinh doanh gas đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Theo phân tích của đại diện một hãng gas có uy tín thì khi mua bộ bình, bếp gas, khách hàng phải trả một số tiền nhất định (tiền vỏ bình gas với mức từ 250.000 - 400.000đ/bình) khi đổi sang sử dụng loại gas khác, người tiêu dùng sẽ mất khoản tiền cược vỏ trên và sẽ phải trả số tiền cược vỏ mới.
Còn một tháng nữa là NĐ 107 sẽ được áp dụng đối với các tổ chức, thương nhân, DN kinh doanh sản xuất LPG, nhưng đây chính là thời điểm mà thị trường Gas bộc lộ những nhược điểm chưa được quản lý từ trước đến nay. Theo đại diện Hiệp hội gas VN: Nghị định 107 ra đời sẽ siết chặt hơn hoạt động kinh doanh LPG; tuy nhiên, để các DN thuận lợi trong thực hiện quy định, cơ quan chủ quan cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Có như vậy, văn bản pháp luật sẽ phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao.
Mộng Thoa - Xuân Long
lao động
|