Thứ Năm, 23/09/2010 15:41

Stephen Elop có thể vực dậy Nokia?

Tân Tổng Giám đốc Nokia, Stephen Elop
Liệu tân Tổng Giám đốc Stephen Elop có thể giúp Nokia lấy lại thị phần đã mất vào tay Apple?

Ngày 10.9, Nokia (Phần Lan) cho biết, Stephen Elop sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc vào ngày 21.9 tới. Đây là lần đầu tiên Nokia đưa một nhà điều hành không phải người Phần Lan lên vị trí lãnh đạo cấp cao. Hơn nữa, Elop lại không phải là một người chuyên về phần cứng, vốn là lĩnh vực truyền thống của Nokia. Tại sao Nokia lại chọn Elop?

Sự lựa chọn hợp lý

Elop gia nhập Microsoft (Mỹ) vào tháng 9.2008. Tại đây, ông giữ chức Chủ tịch của Microsoft Business Division (MBD), bộ phận lớn nhất của Tập đoàn Microsoft, phụ trách các sản phẩm như Microsoft Office và SharePoint. Ông cũng từng là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Macromedia (Mỹ), nhà sản xuất phần mềm nổi tiếng Flash, trước khi Adobe mua lại công ty này. Nói cách khác, Elop là con người của phần mềm và dịch vụ.

Đó là lý do vì sao Nokia chọn Elop. Trên thị trường điện thoại cao cấp, khi phần cứng đang trở nên đồng nhất thì phần mềm trở thành một yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các hãng sản xuất điện thoại. Nokia đang muốn bành trướng sang lĩnh vực phần mềm và dịch vụ. Vì vậy, Elop được xem như chiếc chìa khóa.

Khi còn là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Macromedia, Elop đã giúp phát triển Flash, phần mềm được sử dụng rộng rãi trên điện thoại di động, cho phép người sử dụng xem video trên internet. Và quan trọng hơn hết, Elop đóng vai trò không thể thiếu trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nokia và Microsoft trong những năm gần đây. Năm 2009, Nokia đã tung ra chiếc máy tính xách tay đầu tiên. Đó là chiếc netbook có màn hình 10 inch chạy phần mềm Windows 7 của Microsoft. Elop là người đứng đằng sau hệ điều hành Windows 7 vốn nhận được nhiều đánh giá ban đầu khá tích cực. Ông cũng là người hỗ trợ phát triển Symbian, hệ điều hành được sử dụng trên các điện thoại của Nokia.

“Về mảng phần mềm, Elop là một tài sản giá trị đối với Công ty. Thị trường thiết bị di động đang ngày càng được máy tính hóa và vì thế việc phát triển một phần mềm di động mạnh sẽ tạo ra lợi thế lớn”, Neil Mawston, chuyên gia phân tích tại Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Thị trường Strategy Analytics (Mỹ), nhận định.

Ở khía cạnh này, Elop là một sự lựa chọn hợp lý cho Nokia khi công ty này đang ngày càng chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ cho người sử dụng điện thoại di động như tải nhạc và video, bản đồ chỉ đường và trò chơi. Đây là thị trường mà Nokia ước tính sẽ đạt 100 tỉ euro năm nay. Nokia cũng dự đoán sẽ có khoảng 300 triệu người sử dụng các dịch vụ này vào năm 2011.

Những thách thức

Tuy nhiên, với việc Google và Apple đang tiếp tục bành trướng mạnh trên thị trường điện thoại di động, Elop không còn nhiều thời gian. Ông sẽ phải ra những quyết định nhanh chóng và kịp thời nếu muốn trụ lại chiếc ghế Tổng Giám đốc tại hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Thách thức lớn nhất của Elop là tìm ra một giải pháp phần mềm mới cho điện thoại di động của Nokia. Hiện tại, Nokia vẫn sử dụng phần mềm Symbian cho các mẫu điện thoại thông minh, nhưng hệ điều hành này đã lỗi thời so với phần mềm của Apple và không hỗ trợ điện thoại màn hình cảm ứng. Và điều quan trọng là phần mềm này đang mất dần chỗ đứng. Nhiều nhà sản xuất sử dụng Symbian trước đây đã chuyển sang dùng hệ điều hành Android của Google (Mỹ).

“Android đang tạo cơn lũ quét trên thị trường vì hệ điều hành này có thể chạy trên nhiều điện thoại thông minh, giá lại tương đối rẻ. Điều này gây sức ép rất lớn lên Nokia”, chuyên gia phân tích Richard Windsor thuộc Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật) nhận định. Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Gartner (Mỹ), điện thoại sử dụng Symbian chiếm 41% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý II/2010, so với 51% cách đây 1 năm. Trong khi đó, điện thoại dùng hệ điều hành Android lại tăng từ mức 1,8% lên đến 17,2%. Riêng tại Mỹ, Android là phần mềm đang chiếm lĩnh thị trường, theo Hãng Nghiên cứu Thị trường NPD (Mỹ).

Điều khiến cho nhiệm vụ của Elop càng trở nên khó khăn là Nokia có tiếng chậm chân trong việc nắm bắt các xu hướng công nghệ luôn thay đổi liên tục. Mặt khác, Hãng cũng hay chậm trễ trong việc đưa ra các sản phẩm mới.

Sự sa sút của Nokia thể hiện rõ từ khi Apple (Mỹ) ra mắt chiếc iPhone cách đây 3 năm. Sự xuất hiện của iPhone với một loạt các ứng dụng mới, từ âm nhạc, trò chơi, đến thời tiết, tin tức, đã làm thay đổi trải nghiệm của người sử dụng điện thoại di động. Để cạnh tranh với iPhone, Nokia từng tung ra chiếc Nokia Oyj. Sản phẩm này có 3 năm cải tiến để có thể trở thành đối thủ ngang tài ngang sức với iPhone. Tuy nhiên, đến nay Nokia Oyj vẫn chưa đạt được mục tiêu này.

Điều này đã khiến các cổ đông của Nokia lo lắng. “Sự kiên nhẫn của các cổ đông đang cạn dần và mọi người bắt đầu lo ngại về sự sa sút giá trị thương hiệu của Nokia”, ông Max Jul Pedersen, một trong những cổ đông của Nokia, nhận định. Ông cho biết: “Năm ngoái, chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Nokia xấp xỉ 6 lần của Apple nhưng vẫn không thể tạo ra được một sản phẩm có thể địch lại iPhone. Ngân sách R&D hằng năm của Nokia vào khoảng 7,7 tỉ USD, chiếm 14% doanh số. Trong khi đó, chi phí cho R&D của Apple là 1,3 tỉ USD, chỉ tương đương 3% doanh số của Hãng.

Theo kết quả khảo sát về xếp hạng thương hiệu vào cuối tháng 4.2010 của Hãng Nghiên cứu Thương hiệu Millward Brown Optimor (Mỹ), Nokia đã tụt mất 30 hạng xuống vị trí thứ 43. Hãng cũng mất 58% giá trị thương hiệu, mức giảm lớn nhất trong số 100 thương hiệu hàng đầu thuộc khảo sát của Millward Brown Optimor.

Một điều khác khiến Elop không thể không lo lắng là sự cạnh tranh khốc liệt đã làm xói mòn biên lợi nhuận của Nokia. Vào tháng 7, Hãng cho biết biên lợi nhuận hoạt động ở mảng thiết bị di động có thể giảm xuống còn 7% trong quý III/2010. Trọng trách của Elop là phải đảm bảo mức biên lợi nhuận đạt 10-11% trong năm nay. Nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn vì Elop khó có thể nhanh chóng bẻ lái một con tàu khổng lồ như Nokia, nhất là khi con tàu này đang đi với tốc độ rất chậm so với Apple và Google.

Năng lực quản lý của Elop đến đâu?

Chưa kể những thách thức lớn từ yếu tố thị trường bên ngoài và văn hóa chậm thay đổi của Nokia, Hội đồng Quản trị của Nokia có thể đã quá kỳ vọng vào gốc gác phần mềm của Elop mà quên rằng năng lực quản lý của ông tại Microsoft không hẳn đã tuyệt vời. Mặc dù 2 năm đảm nhiệm bộ phận MBD của Microsoft chưa phải là thời gian dài để Elop có thể tạo ra một kết quả rõ ràng, nhưng đến nay bộ phận này hầu như không có cải thiện nào đáng kể. Một số ý kiến thậm chí cho rằng, MBD đã đi xuống trong suốt thời gian Elop đương nhiệm.

Trong một phát biểu về việc Elop ra đi, ông Steve Ballmer, Tổng Giám đốc Microsoft, đã khẳng định: “Bộ phận MBD sẽ tiếp tục đi lên khi đạt được tốc độ tăng trưởng 15% trong quý vừa qua”. Tuy nhiên, con số này có được là nhờ trong quý II/2010 Microsoft đã tung ra các sản phẩm mới, trong đó có phần mềm được đánh giá cao là Office 2010. Trong quý I/2010, doanh thu và lợi nhuận của MBD đều giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Văn Quốc

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Tỷ phú Bill Gates vẫn giàu nhất nước Mỹ (23/09/2010)

>   Khổ vì hồ sơ kế toán khác nhau (22/09/2010)

>   Pháp đề xuất dùng thuế tài chính để giảm nghèo (21/09/2010)

>   Triệu phú Trung Quốc săn nhà ở London (21/09/2010)

>   Công bố ý tưởng xây toà nhà cao 160 tầng (21/09/2010)

>   Malaysia, Singapore đạt thỏa thuận đổi đất (21/09/2010)

>   Công bố nước giàu, nghèo nhất thế giới (20/09/2010)

>   Ra mắt hãng hàng không lớn nhất thế giới (20/09/2010)

>   Thế giới tuần 13-19/9: Động thái ngược (20/09/2010)

>   Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 20-24/9 (20/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật