Thứ Tư, 22/09/2010 22:38

Khổ vì hồ sơ kế toán khác nhau

Trong bài viết về “Con voi Trung Quốc”, TS Alan Phan đã trình bày kinh nghiệm của mình khi làm ăn trong một môi trường kinh doanh chưa hoàn chỉnh. Bài viết kỳ này, tác giả tiếp tục phân tích tình hình này và đưa ra vài nhận định.

Năm 1978, tôi được Tập đoàn Eisenberg gọi đến Xian (Tây An) để tống duyệt tình hình kinh doanh và số liệu kế toán của Xian Aircraft Technology, một công ty con của PLA (Quân đội nhân dân Trung Quốc).

Thời điểm đó, công ty này chỉ chuyên sản xuất các phụ kiện cho máy bay, nhưng gần đây đã lớn mạnh và lập dự án liên doanh với Boeing và Airbus để lắp ráp nguyên chiếc máy bay. Sau khi tôi bị từ chối không cho xem các hồ sơ báo cáo tài chính vì lý do “bí mật quốc gia”, Eisenberg đã phản đối mạnh mẽ và sau cùng, Xian Aircraft nhượng bộ, đem toàn bộ sổ sách để tôi xem xét. Viên kế toán trưởng mang một chồng hồ sơ dày hơn 1 mét và nói đây là hồ sơ số 1.

Tôi thắc mắc là sao chỉ có chín tháng hoạt động mà chi phí và doanh thu lại nhiều con số như vậy. Ông ta trả lời là ba bộ hồ sơ đều bao gồm khoảng thời gian hoạt động như nhau. “Vậy hồ sơ nào là chính xác?”. Ông ta chậm rãi: “Cả ba đều chính xác. Nhưng các số liệu khác nhau vì Sở Thuế cần những con số khác với Ban quản lý ở Trung ương và chúng tôi, Ban quản lý địa phương lại có nhu cầu khác hẳn”.

Rất nhiều tài sản địa ốc có giá trị ảo

Hai mươi bốn năm sau, vào 2002, khi làm việc với một công ty quốc doanh khác, tôi được biết là thói quen giữ vài bộ hồ sơ kế toán khác nhau vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi. Do đó, nếu phải định giá tài sản hay lợi nhuận của một công ty quốc doanh, thì sự định chuẩn phương thức kế toán tài chính sẽ là vấn đề đầu tiên không biết phải giải quyết theo định hướng nào?

Các tập đoàn ngân hàng lớn như Goldman Sachs hay Citicorp thường bị lên án về những thủ thuật kế toán để thổi phồng lợi nhuận hầu tăng giá trị cổ phiếu và đem phúc lợi lớn cho ban quản lý, dù họ đã theo đúng đòi hỏi của GAAP (chuẩn kế toán của Mỹ) và sử dụng những thiết bị điện tử cứng và mềm hiện đại nhất. Một công ty quốc doanh lớn và đa dạng như Petro China hay Agricultural Bank hay China Mobile… chắc chắn phải có nhiều vấn đề với hồ sơ và kết quả tài chính kế toán.

Những số liệu chính xác về tình trạng tài chính của các công ty tư nhân thì cũng không khác hơn nhiều. Ngoài mục tiêu tránh thuế, các doanh nghiệp tư nhân bên Trung Quốc còn rất nhiều lý do để cố tình thay đổi các kết quả tài chính: họ cần tài trợ thường trực từ ngân hàng hay quỹ đầu tư, họ không muốn các đối thủ cạnh tranh biết về tình trạng tài chính của mình, họ thường dính líu đến những hoạt động ngoài luồng, họ thường làm rất nhiều ngành nghề mà sự tích hợp các hoạt động theo chuẩn mực về kế toán sẽ vô cùng tốn kém…

Tóm lại, mỗi khi tôi nhận một báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, công hay tư, câu hỏi đầu tiên là tôi phải khấu trừ hay cộng thêm bao nhiêu phần trăm cho mỗi con số, để có một dự đoán gần nhất với sự thực. Tôi chắc chắn rằng các cơ quan thống kê của chính phủ cũng như các nhà phân tích tư, dù có thiện chí đến đâu, cũng không thể phỏng đoán được phân khúc này.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đều phải dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm nhận bởi các công ty kiểm toán quốc tế, tin cậy nhất là Big 4 (KPMG, Ernst & Young, Deloitte, Pricewater House). Nhưng họ không đọc kỹ lời thanh minh (disclaimer) của các công ty kiểm toán này: Tất cả các số liệu kèm theo là do sự trình bày và cung cấp của ban quản lý, họ không có trách nhiệm nếu ban quản lý cố tình dối trá.

Cơ cấu và chuẩn mực của báo cáo tài chính

Như đã nói ở trên, các tập đoàn lớn nhất của Âu - Mỹ vẫn sử dụng thường xuyên các thủ thuật về kế toán để thay đổi bức tranh tài chính thực sự của họ, từ hình thức hợp pháp như Goldman Sachs, Citicorp… đến phi pháp như Enron, Worldcom. Nhưng phương thức phổ biến là việc lập ra những công ty con ở nước ngoài để bỏ vào những khoản nợ ngoài luồng, chuyển hoàn doanh thu và lợi nhuận qua các công ty thứ ba, che giấu các tài sản đã mất nhiều giá trị, dùng thị giá để gia tốc doanh thu (mark-to-market rule)…

Chính phủ Mỹ cũng bóp méo các số liệu thống kê để đạt mục tiêu chính trị của mình bằng cách cấu trúc thành phần của các chỉ số như tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát… sao cho có lợi cho hình ảnh trưng bày cùng công chúng và các nhà đầu tư.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy chính phủ Trung Quốc dùng giá trị sản xuất cho lượng hàng tồn kho thay vì giá trị thị trường (nhiều mặt hàng không bán được, chất đầy kho cả hai, ba năm, vẫn được tính theo giá trị sản xuất). Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các tài sản không còn thị giá vì không hoạt động (rất nhiều dự án địa ốc khổng lồ bỏ trống không bán hay cho thuê được tại rất nhiều địa phương). Thống kê của Trung Quốc thậm chí không dùng chiết khấu cho rất nhiều tài sản cố định.

Tổng quát, khi thay đổi thành phần cấu trúc của một báo cáo tài chính, chính phủ và các công ty Trung Quốc có thể đưa ra một bức tranh rất khác xa thực tế.

Trực giác và kinh nghiệm đầu tư

Tóm lại, nếu phân tích tình hình kinh tế Trung Quốc theo các dữ liệu, số thống kê và dựa trên những mô hình cùng phương thức đã học từ các đại học Âu - Mỹ, thì xác suất sai lệch rất đáng kể. Những nhà học giả Trung Quốc thường chính xác hơn về các dự đoán của mình khi họ dựa vào trực giác và cảm nhận chủ quan.

Cảm nhận chủ quan của cá nhân tôi thì Trung Quốc là một thị trường có sức tăng trưởng GDP hay FDI lớn hơn những con số tăng trưởng chính thức nhiều. Lý do là dù chính phủ Trung Quốc, trung ương và địa phương, có thổi phồng thành quả của họ qua các con số, thì con số phỏng đoán của nền kinh tế ngầm của Trung Quốc lại lớn hơn mọi sự thổi phồng này.

Trong khi đó, với bản tính che đậy cố hữu của các nhà cầm quyền, những vấn nạn và đe dọa cho sự bền vững của nền kinh tế Trung Quốc cũng lớn lao hơn rất nhiều so với những tài liệu được thông báo. Trong tương lai gần, bong bóng tài sản về địa ốc và chứng khoán sẽ vỡ và chưa ai có thể biết những hậu quả của nó tại Trung Quốc và toàn cầu.

Do đó, khi Quỹ Viasa của chúng tôi đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc, chúng tôi phải quên đi định lý đầu tư thành công vượt bậc của Warren Buffet: quan trọng nhất là giá trị cơ bản lâu dài của các công ty. Chúng tôi hiểu rằng trực giác và chủ quan trong những phân tích nhận định về các đơn vị này không đủ chính xác để làm căn cứ cho những đầu tư lâu dài. Chúng tôi đã đầu tư vào nhiều chứng khoán và công ty ở Trung Quốc, nhưng hoàn toàn ngắn hạn và dùng kỹ thuật lướt sóng cùng các nguồn tin ngoài luồng để quyết định.

Bạn không cần biết hình thù của con voi, nhưng bạn có thể nghe tiếng chân nó chạy và đoán hướng đi. Nếu bạn đúng, bạn cũng vẫn có thể kiếm được tiền với con voi Trung Quốc. Nếu bạn sai, con voi sẽ giẫm nát bạn.

Tiến sĩ Alan Phan là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển Công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu USD. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. Tiến sĩ Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email để liên hệ là aphan@asiamail.com.

Theo ALAN PHAN

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các tin tức khác

>   Pháp đề xuất dùng thuế tài chính để giảm nghèo (21/09/2010)

>   Triệu phú Trung Quốc săn nhà ở London (21/09/2010)

>   Công bố ý tưởng xây toà nhà cao 160 tầng (21/09/2010)

>   Malaysia, Singapore đạt thỏa thuận đổi đất (21/09/2010)

>   Công bố nước giàu, nghèo nhất thế giới (20/09/2010)

>   Ra mắt hãng hàng không lớn nhất thế giới (20/09/2010)

>   Thế giới tuần 13-19/9: Động thái ngược (20/09/2010)

>   Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 20-24/9 (20/09/2010)

>   10 quỹ lợi ích quốc gia lớn nhất thế giới (17/09/2010)

>   Khách sạn Singapore đắt nhất châu Á (16/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật