Trốn thuế tại khách sạn Equatorial
Cảnh báo kiểu lời thật lỗ giả của doanh nghiệp nước ngoài
Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án trốn thuế tại khách sạn Equatorial (số 242 Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5). Trong khi đó, quá nửa số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP.HCM báo cáo lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí còn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Qua mặt cơ quan thuế
Khách sạn đạt chuẩn quốc tế năm sao Equatorial (TP.HCM) là kết quả liên doanh giữa công ty dịch vụ tổng hợp Hoàng Việt và công ty Planergo (Hong Kong). Qua thanh tra, cục Thuế TP.HCM phát hiện hàng loạt sai phạm tại khách sạn này. Trong hồ sơ chuyển giao cho cơ quan An ninh điều tra, cục Thuế TP.HCM nhận định từ năm 2003 đến 2008, khách sạn Equatorial không mở sổ sách kế toán theo quy định, không áp dụng hệ thống kế toán Việt Nam. Ngoài ra, các phương thức đăng ký chuyển lỗ và xác định số liệu không nhất quán liên quan đến chênh lệch tỷ giá giữa các năm cũng chưa được liên doanh này thực hiện. Từ đó, việc căn cứ các số liệu để xác định kết quả kinh doanh và xác định thu nhập chịu thuế trở nên “rối như canh hẹ”. Nghiêm trọng hơn, khách sạn đã không kê khai nộp thuế nhà thầu hơn 6,3 tỉ đồng và kê khai thiếu tiền thuế phải nộp hơn 8,5 tỉ đồng.
Nhận thấy hành vi này diễn ra liên tục trong thời gian dài với số tiền lớn có dấu hiệu của tội “trốn thuế”, cục Thuế TP.HCM tạm dừng các thủ tục xử lý hành chính trong lĩnh vực thuế sau khi thanh tra và chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan An ninh điều tra đề nghị xem xét, xử lý hình sự.
Hành vi gian lận thuế xảy ra ở khách sạn Equatorial, với ngành thuế TP.HCM, không phải là thủ đoạn mới, xa lạ. Những năm gần đây, cục Thuế TP.HCM đã phát hiện và hết sức cảnh giác trước những bất thường liên quan đến thuế trong hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Báo cáo qua các năm của ngành thuế cho thấy: năm 2008, có 50% trong tổng số gần 3.500 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ; năm 2009, tỷ lệ này là 60%. Dù báo cáo lỗ triền miên nhưng theo nhận định của ngành thuế, không ít doanh nghiệp FDI trong số này vẫn liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chuyển giá hay trả giá?
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, phó cục trưởng cục Thuế TP.HCM, cho biết: “Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp FDI lớn, doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng cứ báo cáo lỗ triền miên để qua mặt cơ quan thuế. Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng này. Đợt thanh tra một số doanh nghiệp FDI – trong đó có khách sạn Equatorial – mới đây, chúng tôi đã kiên quyết chuyển cơ quan An ninh điều tra đề nghị xử lý hình sự những doanh nghiệp bị phát hiện có dấu hiệu gian lận, trốn thuế nghiêm trọng”.
Theo ông Hạnh, một số doanh nghiệp FDI thường dùng thủ thuật chuyển giá để đưa lợi nhuận về cho công ty mẹ của đối tác nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ thường xuyên.
Lời cảnh báo
Khách sạn Equatorial là doanh nghiệp FDI đầu tiên ở TP.HCM bị khởi tố hình sự về tội trốn thuế. Nói như lãnh đạo ngành thuế, đã đến lúc phải tăng cường giám sát, chấn chỉnh và đưa ra trừng trị trước pháp luật những doanh nghiệp có hành vi gian dối trong hoạt động kinh tế, dù đó là doanh nghiệp nào. Cơ quan hữu trách cũng hy vọng việc khởi tố vụ án trốn thuế tại khách sạn Equatorial sẽ là lời cảnh báo cho những hành vi gian dối kiểu lời thật lỗ giả để trốn thuế, đe doạ nền kinh tế và sự nghiêm minh của luật pháp Việt Nam. |
Mới đây, trong đợt thanh tra những công ty liên doanh thường xuyên thua lỗ trên địa bàn TP.HCM, cục Thuế thành phố còn lưu ý đến đại gia bất động sản Saigon Metropolitan (SM), liên doanh giữa công ty TNHH một thành viên xây dựng Bình Minh thuộc tổng công ty Xây dựng Sài Gòn và công ty Saigon Metropolitan Limited (SML) thuộc British Virgin Island của Anh. Báo cáo tài chính mới nhất của liên doanh này cho thấy, dù đã qua bốn lần tăng vốn từ 29 triệu USD lên 49,7 triệu USD nhưng ở thời điểm hiện tại, SM vẫn đang lỗ luỹ kế gần 20 triệu USD và nợ thuế hơn 7 tỉ đồng. Không khó để hình dung vì sao mới đây công ty xây dựng Bình Minh – trong hợp đồng mới ký kết lại – đã đồng ý chuyển nhượng 30% vốn thuộc sở hữu của mình cho Saigon Metropolitan Limited. Kịch bản tăng vốn lần thứ năm nhằm giải quyết khó khăn tài chính hẳn đã được đặt ra! Với ký kết này, Saigon Metropolitan Limited trở thành đối tác nắm 90% vốn trong liên doanh SM!
Không khó để hình dung điều sẽ tiếp tục xảy ra, bởi như nhận định của lãnh đạo cục Thuế thành phố, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất “thô sơ” của doanh nghiệp Việt Nam vào các liên doanh với đối tác nước ngoài là một hạn chế rất lớn. Thiếu tiềm lực tài chính, doanh nghiệp Việt Nam không dễ chống cự với ý muốn thôn tính để biến doanh nghiệp liên doanh thành doanh nhiệp FDI 100% vốn nước ngoài. Điều này cũng khiến cơ quan thuế hết sức đau đầu, bởi không biết những khoản nợ thuế thời còn liên doanh bao giờ mới thu hồi được.
Minh Dũng
Sài Gòn Tiếp thị
|