Tỷ giá tính thuế theo quy định nào?
Tỷ giá đồng nội tệ so với USD là thông tin mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa hết sức quan tâm. Bên cạnh nỗi lo canh cánh về các quyết định thay đổi tỷ giá NHNN, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu còn rất băn khoăn về cách áp tỷ giá khi tính thuế.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu thay thế cho Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 8/12/2005 (có hiệu lực từ 1/10/2010) được coi là sự tháo gỡ quan trọng cho nhiều vướng mắc liên quan đến tỷ giá tính thuế. Nghị định 87 quy định giá tính thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được xác định theo quy định của pháp luật về trị giá hải quan. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định giá tính thuế là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm tính thuế.
Trước khi Nghị định 87 nói trên có hiệu lực, việc này được thực hiện theo 2 văn bản: Nghị định 149/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 79/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đáng nói là 2 văn bản này lại có một số điểm chưa thống nhất. Khoản 2, Điều 98 Thông tư 79/2009/TT-BTC quy định: “Trường hợp người nộp thuế kê khai trước ngày đăng ký tờ khai hải quan thì tỷ giá tính thuế được áp dụng theo tỷ giá tại ngày người nộp thuế đã kê khai, nhưng không quá ba ngày liền kề trước ngày đăng ký tờ khai hải quan”.
Trong khi đó, Khoản 3, Điều 7 Nghị định 149/2005/NĐ-CP quy định: “Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định giá tính thuế là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế được đăng trên báo Nhân Dân, đưa tin trên trang điện tử hàng ngày...”.
Như quy định tại Nghị định 149, thì người nộp thuế chỉ được phép sử dụng tỷ giá để tính thuế là tỷ giá công bố của ngày đăng ký tờ khai, và chỉ những trường hợp cơ quan hải quan không có (hoặc không thể có) tỷ giá của ngày đăng ký tờ khai thì mới được phép sử dụng tỷ giá công bố của ngày liền kề trước đó.
Sự không thống nhất giữa Thông tư 79/2009/TT-BTC và Nghị định 149/2005/NĐ-CP trong quy định về tỷ giá tính thuế hàng nhập khẩu dẫn tới việc cùng một mặt hàng, cùng nhập khẩu vào một thời điểm, nhưng hai lô hàng nhập khẩu qua hai cửa khẩu khác nhau có khi lại được tính thuế theo hai tỷ giá khác nhau! Mặt khác, việc áp dụng tỷ giá tính thuế chỉ hơn kém nhau một ngày cũng có thể khiến doanh nghiệp mất (hoặc được) tiền tỷ!
Đơn cử, ngày 26/11/2009 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá 1 USD quy đổi bằng 17.961 VND (tỷ giá của ngày 25/11/2009 là 17.034 VND, chênh lệch tăng 927 VND/1 USD) hoặc ngày 11/2/2010 là 1 USD quy đổi bằng 18.544 VND (tỷ giá của ngày 10/2/2010 là 17.941 VND, chênh lệch tăng 603 VND). Hoặc mới đây ngày 17/8/2010, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với USD áp dụng cho ngày 18/8/2010 từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%).
Một lô hàng dầu thô nhập khẩu trị giá 50 triệu USD, nếu tính tỷ giá ngày 26/11/2009 (tỷ giá USD chênh lệch 927 đồng) thì số thuế chênh lệch tăng là: 50 triệu USD x 927 đồng x 10% = 4,635 tỷ đồng so với ngay ngày hôm trước (25/11/2009).
Điều này rất dễ dẫn tới việc doanh nghiệp cùng cán bộ hải quan tìm cách “lách” để thực hiện quy định theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, gây thất thu thuế của nhà nước.
Vì vậy, ngày 23/8/2010, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các đơn vị hải quan trong toàn quốc thống nhất việc áp dụng tỷ giá tính thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, cơ quan này yêu cầu hải quan xác định thời điểm tỷ giá tính thuế theo quy định tại Luật thuế Xuất nhập khẩu và Nghị định 149/2005/NĐ/CP: “Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định tỷ giá tính thuế là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế”.
Nguyễn Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|