Thứ Sáu, 27/08/2010 16:27

Truy thu thuế: Câu chuyện chưa có hồi kết

Nhiều loại sản phẩm nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã và đang bị truy thu thuế. Nhưng truy thu thuế nào thì lại là câu hỏi chưa có đáp án thống nhất.

Cảm tính! 

Theo nguyên tắc, khi nhập khẩu hàng hóa được thể hiện tại pháp luật quản lý XNK và quản lý thuế, doanh nghiệp phải tự xác định và khai báo mã nhập khẩu mặt hàng nhập. Căn cứ khai báo này, hải quan xác nhận và lập thủ tục nhập khẩu cho doanh nghiệp. Việc áp sai, hay đúng mã hàng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp. Và nếu chưa chắc chắn về mã hàng nhập khẩu, thì doanh nghiệp sẽ “nhờ” hải quan, hoặc tự cơ quan hải quan xem xét, cân nhắc… để xác định mã đúng nhất.

Mặt khác, xác định các đặc điểm kỹ thuật, công dụng… của hàng hóa là phần việc của các cơ quan chuyên môn khác. Chẳng hạn, tiêu chuẩn kỹ thuật các chủng loại ôtô, tàu biển, xe máy… là việc của Bộ GTVT, tiêu chuẩn thuốc chữa bệnh cho người, động vật… là việc của Bộ Y tế…

Căn cứ trên các tiêu chuẩn, phân loại ấy và căn cứ tình hình sản xuất, nhu cầu trong nước, Bộ Tài chính có trách nhiệm xác định có cho nhập khẩu, và ban hành các mã hàng, mức thuế với từng mã hàng xuất, nhập khẩu. Căn cứ vào đó, hải quan có trách nhiệm thu đúng, thu đủ thuế nộp về ngân sách. Luật Quản lý thuế trao quyền hạn khá rộng cho cơ quan hải quan trong quản lý thuế xuất, nhập khẩu. Điều 39 luật này cho phép cơ quan hải quan được ấn định mức thuế nếu khai báo là sai, không chính xác hoặc người khai không tự tính được số thuế phải nộp.

Vấn đề là ở chỗ, hiện nay ngay cả việc khai chính xác thì vẫn là chưa… đủ với cơ quan chức năng. Chẳng hạn như khi nhập khẩu dòng xe “lai” vừa chạy xăng, vừa chạy điện, doanh nghiệp đã khai báo đúng mã hàng được ưu đãi thuế. Cơ quan đăng kiểm (thuộc Bộ GTVT) công nhận đủ tiêu chuẩn và hải quan cho nhập khẩu. Nhưng sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành mọi nghĩa vụ, nhập xe và kinh doanh, thì Bộ Tài chính lại yêu cầu phải truy thu thuế với lý do: động cơ điện trên loại xe này cũng chạy bằng năng lượng chuyển hóa từ xăng, nên không thuộc diện ưu đãi thuế.

Không được xử lý truy thu, hay phạt người phát hiện, chứng minh và tận dụng được khiếm khuyết của hệ thống quy định về quản lý

Điều rõ ràng là, nếu cơ quan đăng kiểm không đồng ý với khai báo hàng hóa của doanh nghiệp, thì hải quan không có cơ sở cho doanh nghiệp nhập khẩu. Nhưng thay vì điều chỉnh mức thuế áp dụng cho loại xe này nhập khẩu sau đó, hoặc đề nghị cơ quan đăng kiểm điều chỉnh tiêu chuẩn áp dụng của loại xe nhập khẩu ấy, thì Bộ Tài chính lại áp đặt lệnh truy thu thuế với những doanh nghiệp đã nhập khẩu dòng xe được công nhận là đủ tiêu chuẩn nhập khẩu. Đó cũng là cách làm áp đặt, cảm tính mà Bộ Tài chính đã sử dụng nhiều lần với dòng xe tải VAN. Nói cách khác, doanh nghiệp là những người “lãnh đủ” từ những nhận định, ý kiến còn khác nhau giữa các cơ quan quản lý.

Đèn vàng!

Pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề, mặt hàng mà pháp luật không cấm. Ở góc độ quản lý, nguyên tắc này là một cách thừa nhận không chính thức hệ thống quy định pháp lý không thể điều chỉnh được hết những vấn đề phát sinh trong thực tế. Và do vậy, tự do kinh doanh các ngành nghề, mặt hàng mà pháp luật không cấm chính là một cách bảo vệ các cá nhân, tổ chức đã phát hiện ra khiếm khuyết của hệ thống, nhờ thế mà Nhà nước có thể sửa chữa, bổ sung thêm quy định mới và từ đó ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp lý. Nguyên tắc này được gọi tên một cách đơn giản là “đèn vàng”. Nghĩa là, nếu đèn xanh được đi, đèn đỏ phải dừng lại, thì đèn vàng là có thể đi, hoặc dừng lại. Nguyên tắc đèn vàng luôn được các doanh nghiệp khai thác triệt để vì hạn chế số thuế phải nộp cũng chính là cách để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp hoặc giảm giá bán của sản phẩm. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm những khiếm khuyết của hệ thống quy định pháp lý. 

Dẫn chứng cho các hoạt động này của doanh nghiệp thể hiện trong cuộc tranh cãi về truy thu thuế xe tải VAN, xe lai động cơ xăng, điện hiện nay. Hay trong các cuộc tranh cãi chưa bao giờ dứt giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng trong nhập khẩu nhiều mặt hàng

Quay trở lại với trường hợp nhập khẩu xe tải VAN. Có thể trên thực tế sẽ có không ít người mua xe sẽ lắp thêm ghế để biến loại xe này thành xe chở người. Thế nhưng, việc lắp thêm ghế (mà không xin phép) là vi phạm của người sử dụng chứ không phải của nhà nhập khẩu. Và đương nhiên, nếu vi phạm không do nhà nhập khẩu gây ra thì cũng không thể có lý do để truy thu thuế đối với họ. Đó là nguyên tắc pháp lý. Và còn một nguyên tắc khác mà bất kỳ nhà quản lý nào cũng phải tôn trọng, đó là không được xử lý truy thu, hay phạt người phát hiện, chứng minh và tận dụng được khiếm khuyết của hệ thống qui định về quản lý. Vì việc làm đó sẽ làm triệt tiêu động lực hoạt động của doanh nghiệp, rộng hơn là triệt tiêu quá trình hoàn thiện của hệ thống pháp lý, cũng như quá trình phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Quốc Dũng

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính mâu thuẫn giữa nói và làm (27/08/2010)

>   Có thể giảm bội chi ngân sách xuống dưới 6% GDP (26/08/2010)

>   Rút ngắn lộ trình giảm thuế xăng dầu (25/08/2010)

>   Tỷ giá tính thuế: Nghị định nói “không”, thông tư bảo “có”! (25/08/2010)

>   Cục Hải quan TPHCM nộp ngân sách trên 36.000 tỷ đồng (24/08/2010)

>   Phải khấu trừ thuế TNDN khi trả lợi tức (23/08/2010)

>   Bưu kiện giá trên một triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu (23/08/2010)

>   Góp vốn nhưng không mua căn hộ phải nộp thuế TNCN (22/08/2010)

>   Bịt kẽ hở, tăng giám sát (21/08/2010)

>   Tăng thuế nhập khẩu phân bón (20/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật