Giá các mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định
Trước thông tin có khoảng 300 mặt hàng sẽ tăng giá trong thời gian tới, chiều 13-8, trao đổi với PV Báo SGGP, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện có một số nhà cung cấp các nhóm hàng phi thực phẩm thông báo sẽ điều chỉnh giá bán vì chi phí đầu vào đã tăng khá cao. Tuy nhiên, Saigon Co.op sẽ tiến hành làm việc cụ thể đối với từng nhóm hàng để xem xét đề nghị của phía đối tác có hợp lý hay không. Trong trường hợp bất khả kháng, Saigon Co.op mới chấp nhận việc điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Trước mắt, từ nay đến hết tháng 8-2010, giá bán tất cả các nhóm hàng tiếp tục ổn định.
Theo nhận định của bà Bùi Hạnh Thu, khả năng giá bán tăng cao (tức hơn 10%) là rất khó. Vì lẽ, ngay từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2010, TPHCM sẽ đồng loạt thực hiện chương trình tháng khuyến mãi với nhiều mặt hàng có mức giảm đến 50%.
Riêng tại hệ thống siêu thị Co.opMart cũng sẽ diễn ra chương trình khuyến mãi rất lớn với chủ đề “Tự hào hàng Việt”. Mặt khác, tháng 9 cũng là tháng tiêu dùng thấp điểm, nếu các doanh nghiệp (DN) điều chỉnh giá bán, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến sức mua.
Tại hệ thống siêu thị Big C, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại Big C cũng khẳng định: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát giá bán cũng như động thái từ thị trường để đưa ra phương thức kinh doanh tối ưu nhất cho khách hàng. Cho đến thời điểm này Big C chưa nhận được đề nghị tăng giá bán từ các nhà cung cấp”.
Với Big C, mặc dù lượng khách đến mua sắm đã tăng 15% so với cùng kỳ nhưng đây là thời điểm mua sắm khá nhạy cảm, nếu điều chỉnh giá sẽ rất khó cho người tiêu dùng.
Tại các hệ thống siêu thị khác như SatraMart, MaxiMark, CitiMart,… cho đến thời điểm này giá bán hàng hóa vẫn khá ổn định. Theo các nhà phân phối, hiện lượng hàng hóa dự trữ cũng như khả năng cung ứng của các nhà cung cấp là rất dồi dào. Vì vậy, nếu tăng giá bán sẽ khó đảm bảo sức mua. Điều này đồng nghĩa đồng vốn quay vòng sẽ chậm lại.
Liên quan đến mặt hàng gạo, tại hầu hết các siêu thị cũng như các DN, cửa hàng bán lẻ đều khẳng định, nguồn cung đang rất dồi dào nên giá bán rất ổn định. Tại một số cửa hàng bán lẻ tại quận Bình Thạnh, khu vực chợ Trần Chánh Chiếu, gạo tám Bắc vẫn ổn định ở mức 14.000 đồng/kg, thơm Thái 12.000 - 13.000 đồng/kg, các loại gạo thường từ 8.000 - 11.000 đồng/kg.
Riêng tại các siêu thị và các DN tham gia vào chương trình bình ổn giá, lượng gạo dự trữ để bình ổn tại hệ thống Co.opMart, Satra, Vinatex Mart… vẫn còn nhiều. Sẽ không có chuyện giá gạo tăng một cách bất thường tại địa bàn TPHCM.
Trao đổi với PV Báo SGGP về việc có hay không Trung Quốc đang mua gạo của Việt Nam với số lượng rất lớn, làm ảnh hưởng đến giá bán trong nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho biết, bộ đã tiến hành kiểm tra và làm việc với các đơn vị chức năng. Kết quả cho thấy, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, giá gạo bán sỉ và lẻ ở cả 2 khu vực miền Bắc và miền Nam vẫn rất ổn định. Nhằm loại trừ khả năng kẻ xấu tung tin để làm giá, bộ vẫn đang tiến hành giám sát mặt hàng này nhằm ổn định thị trường.
Thúy Hải
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|