Ngày 02/07: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua
(Vietstock) – Vàng lao dốc, hoạt động sản xuất toàn cầu sa sút trong tháng 5, doanh số bán xe kém khả qua, dự luật cải cách tài chính Mỹ vượt qua ải Hạ viện, Quốc hội Mỹ kéo dài chương trình tín thuế dành cho người mua nhà… là các thông tin gây chú ý nhiều nhất trong loạt báo cáo kinh tế được công bố trên thế giới trong ngày đầu quý 3.
Kinh tế Mỹ
Chỉ số sản xuất tháng 6 của Viện quản lý nguồn cung (ISM) giảm mạnh xuống 56.2 điểm từ mức 59.7 điểm trong tháng 5, xấu hơn kỳ vọng giảm xuống 59 điểm của các nhà kinh tế.
Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tăng lên 472 ngàn người từ mức đã được điều chỉnh trong tuần trước là 459 ngàn người; trái với mức ước tính giảm xuống 458 ngàn người.
Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên 4.616 triệu người từ mức sau điều chỉnh 4.573 triệu người trong tuần trước, đi ngược với dự báo giảm xuống 4.510 triệu người.
Doanh số bán xe tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm so với tháng trước. Cụ thể, doanh số bán xe của General Motors tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 12.5% so với tháng 5. Doanh số của Ford cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2009 nhưng giảm 13% so với tháng trước. Mức sụt giảm hàng tháng trong doanh số bán xe là một trong những dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế đang suy yếu.
Chi tiêu xây dựng tháng 5 giảm nhẹ 0.2% sau khi tăng 2.3% trong tháng 4, khả quan hơn dự đoán giảm 0.9% từ các nhà kinh tế.
Theo Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia (NAHB) , doanh số nhà chờ bán giảm thả phanh 30% trong tháng 5 do sự hết hạn của chương trình tín thuế dành cho người mua nhà lần đầu. Sau đà tăng 6% trong tháng 4, giới chuyên gia dự đoán doanh số nhà chờ bán giảm 10.5%.
Liên quan đến thị trường nhà ở, Quốc hội Mỹ hôm 01/07 phê chuẩn dự luật trong đó cho phép kéo dài chương trình tín thuế 8,000 tỷ đôla dành cho người mua nhà lần đầu thêm 3 tháng, tức là đến 30/09 thay vì thời hạn 30/06 như đề xuất ban đầu.
Ngoài ra, lãi suất thế chấp tại Mỹ chìm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua nhưng người tiêu dùng vẫn chưa vội vàng trong việc thanh toán nợ nần và mua nhà. Theo Công ty thế chấp Freddie Mac, lãi suất thế chấp trung bình đối với các khoản vay kỳ hạn 30 năm trong tuần này giảm mạnh xuống mức 4.58% từ mức thấp kỷ lục 4.69% của tuần trước.
Dự luật cải cách tài chính Mỹ đã được Hạ viện phê chuẩn lần cuối vào ngày hôm qua và dự kiến được Thượng viện bỏ phiếu vào giữa tháng 7 trước khi đệ trình lên Tổng thống Barack Obama ký thành luật, trễ hơn so với dự kiến ban đầu là vào ngày 04/07.
Kinh tế châu Âu
Tây Ban Nha hôm 01/07 chào bán thành công 3.5 tỷ euro trái phiếu kỳ hạn 5 năm bất chấp việc Moody’s cho biết hãng đang xem xét cắt giảm mức xếp hạng tín nhiệm của nước này bớt 2 bậc. Vào cuối ngày thứ Năm, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đã hạ mức khuyến nghị đầu tư đối với 5 khu vực của Tây Ban Nha khi cho rằng triển vọng của các khu vực này tiêu cực.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất tháng 6 của eurozone cũng mở rộng với tốc độ chậm nhất trong vòng 4 tháng qua. Chỉ số PMI đạt 55.6 điểm, thấp hơn so với mức 55.8 điểm trong tháng trước.
Doanh số bán lẻ tháng 5 của Đức tăng nhẹ tăng 0.4% sau 2 tháng suy yếu trước đó, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2009 thì con số này giảm khoảng 2.4%.
Theo Tổ chức Markit Economics và Viện quản lý sức mua, cung cầu của Anh thì chỉ số PMI tháng 6 của nước này trượt xuống 57.5 điểm từ mức cao 15 năm 58 điểm trong tháng 5.
Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ nâng lãi suất thêm 0.25% lên 0.5% lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua khi cho rằng nền kinh tế đang phục hồi mạnh.
Kinh tế châu Á
Hoạt động sản xuất Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 6 do Chính phủ đang thực hiện những bước đi để hạ nhiệt thị trường bất động sản và hạn chế việc tốc độ giải ngân tín dụng tại các ngân hàng cũng như sự hồi phục yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, chỉ số PMI tháng 6 giảm xuống 52.1 điểm từ mức 53.9 điểm trong tháng 5, thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 53.1.
Các doanh nghiệp Nhật Bản có được tâm lý phấn khởi chưa từng thấy trong vòng 2 năm qua. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết niềm tin của các nhà sản xuất hàng đầu nước này cải thiện quý thứ tư liên tiếp. Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng 1 điểm, đi ngược với dự đoán sụt giảm 4 điểm từ các nhà kinh tế và gia tăng đáng kể so với ước tính -14 điểm được công bố hồi tháng 3.
Tại Hàn Quốc, số liệu đưa ra hôm thứ Năm cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 tăng 32.4%, cao hơn mức dự đoán từ 22.6-29% của các nhà phân tích và tăng mạnh so với dự doán hồi đầu năm. Thặng dư thương mại trong tháng qua đạt mức cao kỷ lục 7.472 tỷ đôla, cao hơn ước tính của thị trường là 4.96 tỷ đôla.
Vòng quanh các thị trường
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/07 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 41.49 điểm (0.42%) xuống 9,732.53 điểm. Chỉ số S&P 500 trừ 3.33 điểm (0.32%) xuống 1,027.38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 7.88 điểm (0.37%) xuống 2,101.36 điểm.
Thị trường châu Âu sụt mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày với chỉ số FTSE 100 của Anh rớt 2.26%, chỉ số DAX của Đức giảm 1.81% và chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 2.99%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 2.04%, Kospi của Hàn Quốc hạ 0.71%, Shanghai Composite của Trung Quốc mất 1.03%, All Ordinaries của Australia rớt 1.44%. Các chỉ số chính của Singapore, Malaysia và Đài Loan cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Hai thị trường Hồng Kông và Thái Lan đóng cửa nghỉ lễ.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.95% xuống 2.93%.
Trên thị trường Mỹ, đồng euro phục hồi so với đồng đôla, trong khi đồng bạc xanh rớt giá so với đồng yên.
Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York lao dốc 39.20 USD/oz xuống 1,206.70 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 8 trên sàn NYMEX giảm mạnh 2.68 USD/thùng xuống 72.95 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 02/07:
Mỹ:
- Số liệu việc làm trong lĩnh vực dịch vụ
- Tỷ lệ thất nghiệp tháng 6
- Số đơn đặt hàng lâu bền
- Số đơn đặt hàng tại các nhà máy
Eurozone:
- Chỉ số giá sản xuất (PPI)
- Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 |
Phạm Thị Phước – Anh Vũ
|