Thế giới nên “phụ thuộc” vào Mỹ như thế nào?
Trả lời phỏng vấn của truyền hình BBC trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G-20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói: “Thế giới không thể phụ thuộc vào Mỹ như trong quá khứ”. Đó là cách nói “giận dỗi” của ông Geithner khi mà Mỹ và EU không thống nhất được cách thức thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới. Theo cách nói của ông Geithner thì châu Âu phải tự lo cho mình, thúc đẩy chi tiêu nội địa để phát triển sản xuất chứ không nên dựa vào thị trường của Mỹ.
Trong chính sách an ninh mới của Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ là tăng xuất khẩu, tạo việc làm cho chính người dân Mỹ. Chính vì vậy họ đang đòi hỏi các nước châu Âu phải tăng thêm các gói kích cầu để Mỹ có điều kiện thực hiện mục tiêu của mình. Còn bằng ngược lại, các nước thắt lưng buộc bụng, không dám chi tiêu thì Mỹ khó bề tăng xuất khẩu.
Có thể nói, theo chính sách an ninh mới, giờ đây Mỹ phải là nước xuất khẩu chứ không còn là nước nhập khẩu như trong nhiều thập kỷ qua nữa. Việc các nước lớn trong EU như Anh, Đức, Pháp cũng như Nhật Bản tuyên bố cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách đã không khỏi làm Washington lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế Mỹ. Và đó cũng là lý do Mỹ liên tục gây áp lực yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ để hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và tăng cường xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Trong lúc Mỹ muốn thúc đẩy các nước tiếp tục kích cầu để Mỹ gia tăng xuất khẩu nhưng ở hướng ngược lại, Mỹ lại hành động khác. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo rằng các nước chớ có đặt nền móng về sự thịnh vượng của mình dựa vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Và trong khi Mỹ phê phán các nước thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu nội địa thì bản thân nước Mỹ cũng đang cố gắng cắt giảm thâm hụt ngân sách 50% vào năm 2013 so với năm 2009 là 1,42 ngàn tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ mới ở giai đoạn phục hồi bước đầu với đầy rẫy những nguy cơ có thể làm tái diễn cuộc khủng hoảng. Thế nhưng, làm thế nào để loại bỏ những rủi ro đó xem ra không phải là vấn đề đơn giản vì nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của từng quốc gia, nhất là Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới và là thị trường của rất nhiều nước.
Các nhà kinh tế dự báo rằng chắc chắn Mỹ sẽ kiểm soát chặt nhập khẩu cũng như sử dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch tinh vi như áp thuế chống bán phá giá, bảo trợ nông dân cũng như các ngành công nghiệp của nước này, nhằm giúp họ tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Và việc Mỹ tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới không khó bởi tư tưởng sính hàng Mỹ ở một số quốc gia vẫn còn phổ biến. Nếu các quốc gia này không có chiến lược điều chỉnh phát triển sản xuất trong nước ngay từ bây giờ thì trong tương lai gần hàng hóa của họ sẽ bị chính hàng hóa Mỹ bóp chết.
Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới cho thấy sắp tới đây, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt và xu hướng hợp tác dường như sắp nhường chỗ cho các cuộc chiến tranh thương mại.
VŨ MINH
Sài Gòn Giải phóng
|