Doanh nghiệp, ngân hàng và trái phiếu
Các doanh nghiệp mỗi ngày một mạnh tay phát hành trái phiếu. Đằng sau sự chủ động đó là câu chuyện gì?
Thị trường trái phiếu trong những tháng gần đây trở nên đặc biệt sôi động. Nếu trái phiếu chính phủ (TPCP) được cho là “bến đỗ” bình yên của các NHTM, thì sự gia tăng số lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cho thấy sự tự tin, linh hoạt hơn nhiều vào khả năng gọi vốn đầu tư trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Tín hiệu từ Chính phủ
Lãi suất TPCP đã hình thành xu hướng giảm, nhưng các nhà đầu tư vẫn tăng cường mua vào. Trong phiên đấu thầu ngày 17/6 vừa qua, lãi suất trúng TPCP kỳ hạn 3 năm chỉ còn 10,60%, giảm đến 2,06 điểm phần trăm. Đã có đến 19 thành viên tham gia đấu thầu, lượng đặt thầu gấp hơn 6 lần khối lượng mời thầu. Thêm 1.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 3 năm được bán. Sức hấp dẫn của TPCP bằng VND không chỉ là ở độ rủi ro bằng không, mà giới đầu tư còn nhận định: lãi suất TPCP sẽ còn giảm trong thời gian tới; và với tình hình thị trường như hiện nay thì mức lãi suất trên 10%/năm của TPCP vẫn hấp dẫn hơn nhiều kênh đầu tư khác.
Việc lãi suất TPCP giảm cho thấy Chính phủ, NHNN đã và đang thực hiện đúng thông điệp đã được đưa ra là ổn định kinh tế vĩ mô và giảm mặt bằng lãi suất. Chỉ tiêu kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm cho thấy sự ổn định đang ngày càng được củng cố. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2010 tăng 0,22% so với tháng trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 8,75%. Tỷ giá tiếp tục ổn định và ở mức thấp. Các bộ, ngành đã và đang không ngừng nỗ lực cải thiện cán cân thương mại…
Lãi suất TPCP giảm là căn cứ quan trọng để mặt bằng lãi suất giảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Song, vấn đề đặt ra là lãi suất giảm nhưng tín dụng có tăng? Tổng giám đốc một NHTM nhà nước lớn cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm chủ yếu do ngân hàng không thể giải ngân các khoản cho vay trung và dài hạn. Thứ nhất, do khó khăn về nguồn vốn huy động kỳ hạn dài. Để giải quyết khó khăn này, nhiều NHTM đã chấp nhận tăng chi phí đầu vào bằng việc phát hành trái phiếu với mức lãi suất hấp dẫn. “Tỉnh” nhất có lẽ là NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) với việc phát hành 15 triệu trái phiếu chuyển đổi. Từ cuối tháng 5/2010, NHTMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn năm 2010 theo hình thức riêng lẻ với kỳ hạn 2 năm. Lãi suất trái phiếu của Vietinbank trong năm đầu lên tới 12,5%/năm. Năm thứ hai, mức lãi suất được thả nổi và được tính bằng trung bình cộng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ tối đa 1%/năm. Hàng loạt NHTMCP khác đã và đang chuẩn bị phát hành giấy tờ có giá dài hạn như NHTMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) sẽ phát hành 3.000 tỉ đồng giấy tờ có giá dài hạn; ABBank, LienVietBank và Techcombank cũng cho biết sẽ phát hành 2.000 - 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2010.
Thứ hai, nhiều NHTM đang thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của các NHTM, nhất là những ngân hàng lớn hiện đang ở mức 40%. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với các nước trên thế giới. Và nó làm tăng mức độ rủi ro của ngân hàng trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Do đó, ngân hàng đã thận trọng hơn rất nhiều trong việc xét duyệt các khoản cho vay trung và dài hạn, theo hướng nâng cao chất lượng.
Và hành động của DN
Thay vì phải chật vật huy động vốn trung và dài hạn với mức chi phí cao để giải ngân những khoản tín dụng dài hạn, để rồi phải thấp thỏm lo về khả năng thu hồi vốn từ khách hàng, nhiều NHTM đã chọn cách chia sẻ rủi ro với những ngân hàng hoặc đối tác tài chính khác, và với chính cả doanh nghiệp. Đây chính là một trong những lý do khiến số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu tăng mạnh gần đây.
Có thể đưa ra vài ví dụ về chia sẻ rủi ro và lợi nhuận qua việc hợp tác phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây: NHTMCP Quốc tế (VIB) đã ký kết hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho Công ty cổ phần Vinaconex Sài Gòn. Theo nội dung ký kết, Vinaconex SG sẽ phát hành tổng cộng 138.000 trái phiếu do VIB bảo lãnh. Trái phiếu có mệnh giá một triệu đồng; kỳ hạn là 5 năm; lãi suất được điều chỉnh 3 tháng/lần. Lãi suất kỳ đầu là 14,8%/năm, các kỳ sau bằng lãi suất cho vay tiền đồng kỳ hạn 12 tháng của VIB cộng với biên độ 2,8%/năm. Thương vụ lớn hơn là Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel cùng với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tư vấn, thu xếp phát hành thành công trái phiếu thường, không có tài sản bảo đảm của Tổng Công ty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam (VCG) với tổng giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm; lãi suất năm đầu là 14%/năm. Lãi suất năm sau bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND, trả sau, kỳ hạn 12 tháng công bố tại Sở giao dịch của 4 ngân hàng VCB, BIDV, Vietinbank và Agribank, cộng biên độ 3,4%/năm. Ngày 8/6 vừa qua, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tham gia thu xếp tài chính thành công trong đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào ngày 8/6/2010. NHTMCP Techcombank, NHTMCP An Bình và Công ty cổ phần Tài chính điện lực đã tư vấn và thu xếp tài chính thành công đợt phát hành trái phiếu với khối lượng 2.000 tỷ đồng, lãi suất thả nổi, đáo hạn vào năm 2015 cho EVN…
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, số doanh nghiệp phát hành trái phiếu còn tăng mạnh trong năm 2010 và các năm tiếp theo. Quyết định phát hành trái phiếu, hoặc trái phiếu chuyển đổi; hay vay vốn ngân hàng phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp và những điều kiện của thị trường. Song rõ ràng điều này cho thấy các doanh nghiệp đã linh hoạt hơn rất nhiều trong việc giải quyết nhu cầu về vốn đầu tư.
Áp lực tăng giá USD
Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, VND tiếp tục chịu áp lực giảm giá so với USD trong nửa năm cuối 2010 do cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thiên về nhập siêu. Theo ước tính, nhập siêu trong 6 tháng đầu năm có thể lên tới 6,7 tỷ USD, tương đương 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra là 20%. Mặt khác, tình hình xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2010, ở mức 20,23%, ước tính khoảng 2 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu ứng bán trước khoảng 1,4 tỷ USD và vay thanh toán nhập khẩu ước tính khoảng 600 triệu USD. Do vậy, cung ngoại tệ sẽ giảm và cầu ngoại tệ lại tăng lên trong 6 tháng cuối năm với con số tương ứng. Đến nay VND mất giá khoảng 2,3% trong 6 tháng đầu năm và hiện đang giao dịch mức gần 19.000 đồng/USD. |
Ngân Hà
Diễn đàn doanh nghiệp
|