Thế giới tuần 14-20/6: Tín hiệu khởi sắc
Việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố tăng tính linh hoạt tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối tuần qua, được xem như là một tín hiệu chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài lâu nay giữa nước này với Mỹ và phương Tây. Ngoài vấn đề tỷ giá, một loạt tin tức khác cũng góp phần làm sáng thêm bức tranh kinh tế thế giới tuần qua.
Quyết định bất ngờ. Hôm 19/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy hơn nữa cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, nhằm tăng tính linh hoạt về tỷ giá đồng tiền này. Trong quá trình thúc đẩy cải cách cơ chế tỷ giá đồng Nhân dân tệ, cơ quan này tiếp tục chú trọng quan hệ giữa cung và cầu của thị trường. Ngân hàng sẽ giám sát thả nổi tỉ giá trong phạm vi đã được công bố trước đây đối với thị trường ngoại hối liên ngân hàng.
Trung Quốc vượt Mỹ. Theo ông Li Daokui, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới có thể tăng trưởng từ 9 - 10%/năm, vượt Mỹ vào năm 2020. Ông Li cho rằng, vấn đề nợ công ở châu Âu sẽ không dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu hay đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái lần 2. Tuy nhiên, ông Li đã không tính đến việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cuối tuần tuyên bố cho phép linh hoạt tỷ giá, nên dự báo này có thể cần phải nghiên cứu lại.
Đồng loạt tăng điểm. Tính cả tuần giao dịch chứng khoán, tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,35%, chỉ số S&P 500 tăng 2,37%, chỉ số Nasdaq tăng 2,95%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600, tính đến hết tuần, tăng 2,4% lên mức 255,5 điểm, cao nhất từ ngày 13/5. Ngân hàng Merrill Lynch dự báo, từ nay tới cuối năm, chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Âu có thể tăng trưởng 17%. Trong khi đó, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tính cả tuần tăng 3,3%.
Vượt mặt nhóm G7. Theo báo cáo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với xu hướng phát triển hiện nay, trong vòng 5 năm tới, kinh tế châu Á sẽ tăng khoảng 50%, chiếm hơn 1/3 sản lượng thế giới và có thể sánh ngang với nền kinh tế Mỹ và châu Âu. IMF cho rằng, trong vòng 20 năm tới, GDP của châu Á sẽ vượt xa các nền kinh tế công nghiệp khối G7. Khả năng đến năm 2030 châu Á trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới là rất lớn, bởi điều này đã thể hiện rõ qua những thành tựu mà khu vực này đạt được trong hai mươi năm qua.
Qua thời tồi tệ. Theo báo cáo mới nhất từ EPFR Global, nhà đầu tư đã gạt sang bên nỗi lo về nợ công và chuyển tiền đầu tư vào các tài sản mang lại lợi tức cao. Tài sản tại các nước mới nổi và chứng khoán Mỹ đang hút được nhiều tiền đầu tư nhất. Sự dịch chuyển của vốn đầu tư cho thấy, thời kỳ tồi tệ nhất của đợt bán tháo trên thị trường đã qua. Số liệu kinh tế từ Trung Quốc và Mỹ đủ lạc quan để nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào những tài sản mà họ đã bán tháo cách đây vài tháng.
Giảm thâm hụt tốt. Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đã giảm được gần 40% trong 5 tháng đầu năm 2010. Điều đó cho thấy, quốc gia đang nặng gánh nợ nần này có thể sẽ khiến thị trường lạc quan với tốc độ phục hồi trong năm nay. Năm 2009, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 13,6% GDP. Nước này đặt mục tiêu giảm thâm hụt xuống mức 8,1% GDP trong năm nay. Một đại diện Bộ Tài chính Hy Lạp nhận định, con số 40% trên cho thấy, chương trình mà nước này cam kết với EU, ECB và IMF đang đi đúng hướng.
Chưa tăng lãi suất. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhận định, lãi suất ở châu Âu và Mỹ khó có thể tăng trước năm 2011. Theo BIS, các ngân hàng trung ương không có ý định tăng lãi suất khi giới đầu tư đang lo ngại các điều kiện thị trường đầy biến động có thể sẽ làm trệch hướng quá trình phục hồi kinh tế còn mong manh này. Ngoài ra, BIS cũng cho biết, trên thị trường đang xuất hiện những quan ngại rằng, chính sách "thắt lưng buộc bụng" về tài chính ở một số nước có thể làm kinh tế giảm sút.
Bắt mạch kê đơn. Hôm 17/6, các lãnh đạo EU đã thống nhất kế hoạch siết lại các quy định về ngân sách và phấn đấu để quá trình phối hợp chính sách kinh tế được chặt chẽ hơn. Động thái này là nhằm trấn an các thị trường tài chính rằng, EU có thể kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công và đang nỗ lực phòng tránh nguy cơ khủng hoảng lặp lại. EU nhất trí phải tăng cường kiểm tra "sức khỏe" tài chính của các ngân hàng và kết quả của các đợt "sát hạch" này sẽ được công bố vào nửa cuối tháng 7 tới.
Dương Lâm
TBKTVN
|