Thứ Hai, 07/06/2010 16:33

Merrill Lynch: Kinh tế thế giới phát triển chậm nhưng không suy thoái kép

(Vietstock) – Nền kinh tế thế giới nhiều khả năng không rơi vào suy thoái lần nữa mặc dù đà tăng trưởng trong sáu tháng tới có thể chậm lại bởi những lo ngại sâu sắc về khủng hoảng nợ châu Âu, báo cáo việc làm đầy thất vọng tại Mỹ và sự hạ nhiệt trong đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Tất cả các yếu tố này đều cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm, nhưng để châm ngòi cho một vụ sụp đổ toàn cầu khác thì cần phải có những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Theo Ethan Harris, nhà nghiên cứu kinh tế của BofA Merrill Lynch Global Research, chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái kép bởi điều này chỉ xảy ra khi có sai sót trong chính sách.

Những sai sót trong chính sách bao gồm việc nâng lãi suất và cắt giảm chi tiêu chính phủ quá nhanh.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tổ chức các cuộc họp bàn về việc thiết lập chính sách vào Thứ Năm (10/06) và được kỳ vọng tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục.

Thêm vào đó, để tránh sai sót về thâm hụt ngân sách có thể còn khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nước đang đứng dưới sức ép xây dựng nền tảng tài chính công vững chắc hơn hoặc mạo hiểm với cơn thịnh nộ của thị trường tài chính vốn đang suy kiệt vì nợ.

Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý và một số nước khác vừa công bố cắt giảm ngân sách mạnh. Theo một viên chức cao cấp của Đức, nước này cũng sẽ có kế hoạch thu hồi lại các biện pháp chống khủng hoảng vào năm tới dù tình hình tài chính của Đức là ít căng thẳng nhất trong eurozone.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng … 0%

Báo cáo việc làm hôm thứ Sáu thực sự làm khiếp đảm những ai đang lo sợ nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kép. Lĩnh vực tư nhân chỉ tạo ra được 41,000 việc làm trong Tháng 5, thấp hơn nhiều so với con số 190,000 việc làm mà nhà kinh tế dự đoán.

Harm Bandholz, nhà kinh tế của UniCredit Research tại New York, cho rằng báo cáo việc làm “thật sự khủng khiếp” và dự đoán chỉ báo này sẽ còn tiếp tục suy giảm trong Tháng 6 bởi số lao động tạm thời được thuê để phục vụ cho cuộc tổng điều tra dân số định kỳ 10 năm một lần của chính phủ sẽ bị thất nghiệp sau khi cuộc điều tra này kết thúc.

Mỉa mai thay, chính nhờ tình trạng yếu kém của thị trường lao động lại có thể giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái. Bởi, mặc dù kinh tế phát triển, các công ty vẫn tỏ ra miễn cưỡng thuê lại nhân viên hoặc mở rộng thêm. Họ thấy việc cắt giảm nhân viên là không cần thiết thậm chí khi nhu cầu sụt giảm.

Bandholz cho rằng vấn đề hiện nay là chúng ta sẽ bước vào nửa cuối của năm ở tốc độ nào khi nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại.

Có lẽ cảnh báo rõ ràng nhất đến từ các báo cáo tuần của Viện Nghiên cứu chu kỳ kinh tế (ECRI) khi số liệu gần nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Mỹ trượt xuống mức gần 0%, mức thấp nhất trong 43 tuần.

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Edmund Phelps, phát biểu rằng dù ông không ủng hộ nhận định suy thoái kép nhưng nguy cơ tiềm tàng vẫn luôn rình rập khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp, đà suy giảm sẽ xuất hiện và kéo nền kinh tế đi xuống.

Tuần này, thị trường tập trung vào báo cáo doanh số bán lẻ công bố vào Thứ Sáu (11/06). Các nhà kinh tế dự báo mức tăng khiêm tốn 0.2%, chậm hơn so với tốc độ trong Tháng 4 nhưng vẫn khá lạc quan.

Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm hơn nhưng vẫn mạnh

Các thước đo hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc tuần trước đều trượt giảm, qua đó gia tăng quan ngại đà phục hồi mạnh mẽ của nước này đang dần suy yếu.

Thiết nghĩ, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng gần 12% trong quý I/2010 và lạm phát ở một mức cao đáng lo ngại thì việc “giảm nhiệt” cũng không hẳn là không hay.

Các chỉ số kinh tế Tháng 5 của Trung Quốc công bố trong tuần này dự kiến cho thấy lạm phát tăng nhẹ nhưng sản lượng công nghiệp và đầu tư suy giảm.

Piero Ghezzi, nhà kinh tế của Barclays Capital tại Luân Đôn, cho rằng Trung Quốc đã siết các điều kiện tiền tệ đến mức bị nhà đầu tư đánh giá thấp để giữ cho nền kinh tế không tăng trưởng quá “nóng”.

Ông tin rằng rủi ro mà Trung Quốc đối mặt với tình trạng “sụt giảm mạnh” là cực kỳ thấp.

Thùy Đoan (Theo Reuters)

Các tin tức khác

>   Hướng tới một cộng đồng thịnh vượng (07/06/2010)

>   Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo nguy cơ tái diễn khủng hoảng (03/06/2010)

>   Tân Thủ tướng Nhật Bản ưu tiên hàng đầu tăng trưởng kinh tế (04/06/2010)

>   Thêm 431 ngàn việc làm trong Tháng 5, thất nghiệp Mỹ xuống 9.7% (04/06/2010)

>   G20 tăng nỗ lực ngăn chặn tái diễn khủng hoảng (04/06/2010)

>   Eurozone: GDP quý I/2010 tăng 0.2% (04/06/2010)

>   G20 hướng đến mục tiêu giảm suy thoái và khôi phục kinh tế (04/06/2010)

>   Kinh tế quý I Hàn Quốc tăng trưởng 2.1% (04/06/2010)

>   G20: Đắn do giữa tăng trưởng và thắt lưng buộc bụng (03/06/2010)

>   Các nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn hút đầu tư (03/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật