Lối thoát nào cho Eurozone?
Có một thực tế đáng buồn là các nước châu Âu chưa bao giờ nghiêm túc xem xét vấn đề cam kết xây dựng một châu Âu thống nhất, hay nói cách khác, xây một nước châu Âu siêu cường.
Hồi đầu tháng 6, các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhóm họp khẩn cấp và thông qua một cơ chế cứu trợ với 750 tỷ euro quỹ bình ổn tài chính để cứu các nước gặp khủng hoảng nợ công trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, các học giả cho rằng động thái này mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là kinh tế thuần túy. Chỉ riêng việc cứu Hy Lạp cũng mất tới non nửa số tiền trên, trong khi Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia đang sắp phải chịu chung số phận với Hy Lạp.
Một số học giả cho rằng, việc lập cơ chế cứu trợ thực chất là hành động để trấn an toàn thế giới rằng EU sẽ dốc toàn lực thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, rằng số phận của Eurozone và rộng hơn là cả EU chưa thể đi đến hồi kết.
Trên thực tế, vẫn còn đó nguy cơ khủng hoảng phát triển lên đến mức không thể kiểm soát, nếu lòng tin của thị trường tiếp tục giảm. Tình hình châu Âu tiếp tục xấu đi sẽ tác động mạnh đến các khu vực còn lại của thế giới.
Vấn đề đặt ra trước EU hiện nay không chỉ là giải quyết khủng hoảng tại Hy Lạp, hay tại các nước có nguy cơ bùng nổ khủng hoảng tương tự, mà là phải lập ra cơ chế hoàn chỉnh về quản trị kinh tế chung, chiến lược đảm bảo ổn định tài chính lâu dài cho Eurozone. Quản trị kinh tế chung trở thành vấn đề cấp thiết phải thực hiện. Cần có sự thống nhất về chính sách kinh tế và ngân sách trong nội bộ Eurozone, có các biện pháp kiểm soát tích cực. Việc này đòi hỏi EU phải cải tổ lại cơ cấu tổ chức, nhất thể hóa ở dạng liên bang.
4 kịch bản
Về tương lai Eurozone cũng như đồng euro, các học giả thế giới có nhiều ý kiến khác nhau, tựu chung lại có những kịch bản sau:
Một là, việc cứu trợ Hy Lạp kéo dài hơn dự kiến và có thể phải cơ cấu lại nợ. Khả năng cao là Bồ Đào Nha sẽ nối gót Hy Lạp, thậm chí Tây Ban Nha cũng sẽ chìm ngập trong nợ nần. Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" với mức độ ngày càng khắt khe khiến bất ổn xã hội tăng cao theo. Cuối cùng, đồng euro chấm dứt sự tồn tại hoặc chuyển sang một dạng khác, các nước đầu tàu kinh tế lần lượt rút khỏi Eurozone do không thể tiếp tục "vác cọc" cho các nước sắp vỡ nợ, Liên minh tiền tệ tan vỡ. Kịch bản này tuy ít khả năng trở thành hiện thực nhưng cũng không thể loại trừ.
Hai là, các chương trình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và EU có thể giúp Hy Lạp cố gắng duy trì sự sống với hy vọng tài chính công vững chắc trở lại. Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" được người dân ủng hộ và cũng có thể khiến họ tự lực, táo bạo hơn trong kinh doanh. Các nước khác sẽ nhìn gương Hy Lạp để có các biện pháp chấn hưng kinh tế, tránh vết xe đổ. Đức cũng có thể hỗ trợ tiến trình này bằng cách thúc đẩy nhu cầu nội địa thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu. Kết quả là Eurozone có thể sẽ được khôi phục. Mặc dù khả năng diễn ra kịch bản này rất thấp, nhưng cũng không thể loại trừ.
Ba là, mặc dù EU đổ tiền cứu các nước gặp khủng hoảng nặng nề, nhưng bản thân các nước Eurozone lại tiếp tục tự mình chống thâm hụt mà không có sự phối hợp, cũng không có sự điều tiết chung ở tầm vĩ mô, các nước tiếp tục thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", chịu khắc khổ để khỏi rơi vào hiểm họa đổ vỡ kinh tế nhưng theo đó cũng không kích thích được nền kinh tế phát triển. Kịch bản này sẽ càng trở nên rõ nét hơn nếu EU không có biện pháp nào mang tính đột phá.
Bốn là, EU lập chiến lược cải tổ mạnh mẽ từ trong ra ngoài, cả về kinh tế, cả về nhất thể hóa. Theo đó, ngoài đồng tiền chung, EU còn có ngân sách chung, có cơ chế điều tiết tài chính thống nhất với một Bộ trưởng Tài chính chung, điều phối chính sách tài chính cho cả khối.
Với kịch bản này và một chiến lược triển khai hợp lý cùng với việc lấy lại lòng tin từ phía nhân dân và các nhà đầu tư, EU có thể ra khỏi khủng hoảng hiện nay và củng cố nhất thể hóa trong mọi mặt. Đổi lại, các nước EU phải chấp nhận rút bớt chủ quyền quốc gia để tăng cường nhất thể hóa cả khối.
Ánh sáng nơi cuối con đường
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu là hệ quả tất yếu từ khả năng lãnh đạo yếu kém của các đầu tàu, bộc lộ "gót chân Asin" của các cơ chế điều phối trong Eurozone, vai trò trung tâm của châu Âu bị để mất. Dự án mang tên "Euro" cũng như một dự án lớn hơn, bao trùm hơn mang tên "EU" đang chìm dần.
Khoản cứu trợ cả gói 750 tỷ euro mới được thông qua chỉ có thể kéo dài thời gian hấp hối, chứ không giải quyết được cốt lõi của vấn đề. Phải mất 50 năm, châu Âu mới xây dựng được thị trường chung và đồng tiền chung, nhưng hiện tại những cơ chế này đang đứng trước thách thức lớn chưa từng thấy trong lịch sử.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu là việc thiếu cơ chế điều tiết và kiểm soát tỷ giá. Nhưng quan trọng hơn là việc các nước thuộc Eurozone tuy có chung chính sách tiền tệ, nhưng lại độc lập về chính sách tài chính. Do xuất phát từ lợi ích quốc gia, nên chính sách tài chính của các nước thành viên thường không coi trọng chính sách cho cả khối.
Một nguyên nhân khác nữa là mâu thuẫn nội bộ giữa các "đại gia" châu Âu ngày càng gay gắt. Khi vấn đề nảy sinh và cần sự phản ứng nhanh chóng của các "đại gia" thì họ quay ra tranh cãi nhau không ngừng, rốt cuộc đã bỏ lỡ thời cơ. Điển hình như trường hợp của Hy Lạp: phải mất hàng tháng, Eurozone mới thống nhất được cơ chế cứu trợ với khoản vay trị giá 110 tỷ euro cho một Hy Lạp khi đó đã kiệt quệ sức lực. Sự yếu kém về năng lực đối phó với khủng hoảng được coi là một nhân tố quan trọng làm cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu càng thêm trầm trọng.
Cũng có thể châu Âu cần một hình thức liên kết khác. Chẳng hạn như liên bang. Nhưng có một thực tế đáng buồn là các nước châu Âu chưa bao giờ nghiêm túc xem xét vấn đề cam kết xây dựng một châu Âu thống nhất, hay nói cách khác, xây dựng một nước châu Âu siêu cường. Nguyên nhân có lẽ là do họ còn loay hoay giữa sự lựa chọn nhất thể hóa hoàn toàn và chủ nghĩa dân tộc.
Nếu châu Âu cân nhắc kỹ vị thế siêu cường có thể đạt được và chấp nhận đánh đổi hai ghế thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc của Anh và Pháp lấy một ghế của siêu cường châu Âu, đồng thời có chính sách quản trị kinh tế thống nhất và tiến hành nhất thể hóa toàn diện một cách thực chất, thì "sự tích Hy Lạp", có lẽ, đã không xảy ra.
Hà Chi
VIETNAMNET
|