Chuyên gia WB luận về đường sắt cao tốc Trung Quốc
Trong khi dân số không ngừng mở rộng, Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển mạnh mạng lưới đường sắt cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đi lại của người dân. Chuyên gia John Scales đưa ra những quan điểm về tương lai đường sắt cao tốc tại nước này.
Trung Quốc đã lao vào một chương trình mở rộng đường sắt quốc gia lớn nhất từ thế kỷ 19. Một phần của chương trình này sẽ là xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc mà khi hoàn thành sẽ trở thành mạng lưới lớn nhất thế giới.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là: Kế hoạch đường sắt cao tốc có được nhìn nhận trong nội dung phát triển kinh tế? Thậm chí nếu đường sắt cao tốc ở một quốc gia đang phát triển tìm thấy một thị trường hành khách sẵn sàng trả giá cao, thì lợi ích mà chính nó mang lại bởi một cuộc hành trình nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn sẽ không có nghĩa rằng, lĩnh vực này giành được sự chú tâm phát triển trong ngành công nghiệp vận tải nói chung.
Trên thực tế, nếu xem xét câu hỏi theo khía cạnh trên, có thể nói rằng, đi tàu nhanh là cách tiêu dùng xa hoa. Nó chỉ phù hợp với một nhóm người ở các nước đang phát triển - những người tự coi mình cao hơn số đông người nghèo, những người tập trung nhiều hơn vào sự phát triển của thế giới.
Nhưng cách nhìn này có thực sự hợp lý? Theo quan điểm của các định chế phát triển tài chính như Ngân hàng Thế giới thì câu trả lời là “không”. Và dĩ nhiên, nó cũng không phải là cách nhìn được áp dụng khi hệ thống đường sá thông thường chật cứng người được thay thế bởi mạng lưới tốc độ cao hơn, chất lượng tốt hơn.
Về khía cạnh hoạt động, tuyến đường sắt cao tốc dĩ nhiên cung cấp tốc độ đi lại nhanh hơn cho người sử dụng. Nhưng nó có thể “giải phóng” các tuyến đường hiện có cho các phương tiện vận chuyển khác và ảnh hưởng tới các mô hình liên quan đến nhau. Những thay đổi căn bản về khả năng tiếp cận và độ linh hoạt sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế quốc gia cũng như khu vực.
Về khía cạnh tài chính, quyết định dồn mọi nguồn đầu tư công cộng vào đường sắt cao tốc sẽ chắc chắn làm trệch hướng các nguồn đầu tư khác vào cơ sở hạ tầng vận tải hoặc bên ngoài lĩnh vực vận tải.
Hơn nữa, tính ổn định tài chính dài hạn của đường sắt cao tốc có thể là một vấn đề nghiêm trọng với ngân sách quốc gia. Việc phân phát tài nguyên và ngân sách trong vận tải rõ ràng là rất quan trọng với phát triển kinh tế.
Đường sắt cao tốc cũng sẽ có tác động lớn với môi trường và xã hội với những kết quả tích cực hay tiêu cực. Chắc chắn một con tàu cao tốc sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, sản sinh nhiều khí thải nhà kính hơn một con tàu hành khách tốn nhiều thời gian hơn trên cùng một lộ trình.
Nhưng nếu hệ thống đường sắt cao tốc đủ sức hấp dẫn hành khách, hút họ từ hệ thống đường bộ hay hàng không, thì về lâu dài, nó có thể giảm lượng khí thải carbon nói chung của toàn bộ hệ thống giao thông vận tải. Nó cũng sẽ giảm bớt các vụ tai nạn đường bộ, tránh “đụng độ” với những phương tiện đi lại tư nhân.
Ví dụ, Nghiệp đoàn Đường sắt quốc tế dẫn giải rằng, một con tàu cao tốc có thể vận chuyển lượng hành khách gấp tám lần so với một máy bay ở cùng khoảng cách, sử dụng tương đương khối lượng năng lượng và phát sinh lượng khí thải nhà kính (tính trung bình trên mỗi hành khách) lại chỉ bằng ¼ máy bay.
Để thành công, một hệ thống đường sắt cao tốc mới cần được xây dựng trong những hành lang - nơi công suất đường sắt đã được khai thác tối đa, và rất cần tới một khả năng vận chuyển mới. Cũng cần có sự thực thi chặt chẽ về quản lý và kỹ thuật xây dựng để đảm bảo nguồn vốn và chi phí bảo trì sẽ không “tăng dần đều” vượt quá khả năng cho phép, tính toán số hành khách sẵn sàng trả chi phí cao khi sử dụng dịch vụ.
Một hành lang quốc tế thích hợp có thể là tuyến đường kết nối hai thành phố lớn cách nhau 100 -500km (Seoul - Busan: 420 km, Rome - Milan 514 km, London - Paris 495km), nhưng cũng có thể là hành lang dài hơn và các thành phố cách nhau 200 - 300km (Tokyo - Osaka 700 km, Bắc Kinh -Thượng Hải 1.300 km và Bắc Kinh - Quảng Châu 2.100 km).
Trung Quốc có những hành lang vận chuyển hành khách nhộn nhịp với những thành công từ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, chấm dứt tình trạng “nút cổ chai” trong phát triển.
Nhưng khi nhiều mạng lưới vận chuyển chính được hoàn thành và mở rộng tại các hành lang nhu cầu đi lại thấp hơn, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn từ lượng hành khách đi lại. Khi ấy, chính mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ tạo ra gánh nặng nợ nần mới cho ngân sách.
(Tác giả John Scales là điều phối viên lĩnh vực vận tải của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh. Bài viết được trích từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới về đường sắt cao tốc).
Thái An (Theo ChinaDaily)
VIETNAMNET
|