TTCK: Chuẩn bị chu kỳ mới
Chỉ số VN - Index đã suy giảm sâu từ đỉnh cao 549,19 đạt được vào ngày 6/5. Chỉ số này liên tục “test” thử ngưỡng hỗ trợ 480 điểm khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra quan ngại trước xu hướng sắp tới của thị trường. DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Giám đốc Cty CP Chứng khoán SHS để nhìn nhận rõ hơn về những cơ hội đầu tư đến cuối năm 2010.
- Trong thời điểm TTCK đang điều chỉnh mạnh như hiện nay, theo ông, nên lựa chọn chiến lược đầu tư nào?
Tính đến thời điểm này, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 10% và HNX-Index cũng giảm không thua kém. Việc giảm mạnh của cả 2 chỉ số có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của sự điều chỉnh các TTCK thế giới do vấn đề hậu khủng hoảng tại Châu Âu, cũng như chính sách kiềm chế tăng trưởng kinh tế nóng của Trung Quốc. Sự điều chỉnh có thể khiến các nhà đầu tư VN một mặt gia tăng chốt lời ở các mã cổ phiếu nhỏ, sức lan tỏa này cũng kéo theo sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu lớn do yếu tố đòn bẩy bị áp lực giải chấp. Ngoài ra, cũng không ngoại trừ khả năng có những sự dịch chuyển của dòng tiền sang ngoại tệ và bất động sản khi mà các nhà đầu tư nhận thấy những rủi ro ở TTCK tăng lên.
Trong thời gian qua, nhìn chung sự tăng trưởng của thị trường chủ yếu xuất phát từ nhóm các cổ phiếu nhỏ, trong khi nhóm cổ phiếu lớn (bluechips) vẫn trong trạng thái đi ngang. Sự điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu bluechips đã khiến nhóm này trở nên rất hấp dẫn với mức P/E trung bình ở mức 10 - 12, đây là mức khá lý tưởng cho mục tiêu đầu tư trung hạn từ 3 - 6 tháng. Đây là nhịp dừng chân của thị trường sau một chu kỳ tăng để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng mới và thiết lập một mặt bằng mới cao hơn. Đứng ở góc độ đầu tư tổ chức, tôi đánh giá đây là cơ hội lý tưởng cho việc giải ngân mạnh vốn đầu tư. Nếu không bị áp lực tài chính trong việc đầu tư, các nhà đầu tư nên hết sức bình tĩnh hoặc tranh thủ cơ hội để tái cơ cấu danh mục; trong giai đoạn tới các nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu ở các ngành bất động sản, dầu khí, vật liệu cơ bản và thủy sản...
- Vậy cụ thể với mã cổ phiếu SHS, là tổng giám đốc của Cty này, ông cho rằng nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì?
Cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua SHS đã hoàn tất việc phát hành tăng vốn điều lệ từ 410 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động lần này được tập trung đầu tư đổi mới hệ thống công nghệ, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động của Cty, trong đó ưu tiên cho hoạt động đầu tư và đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh phát hành, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ khách hàng đầu tư.
Tương ứng với quy mô vốn mới, Cty đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2010 và đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2010 thông qua, theo đó EPS dự kiến năm 2010 là 2.145 đồng/CP và mức cổ tức dự kiến chi trả là 15% - đây là mức thu nhập mục tiêu ngang với kết quả đã đạt được trong năm 2009, tạo tiền đề cho sự bứt phá trong năm 2011. Cũng trong năm 2010, chúng tôi tập trung cấu trúc lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực thi chiến lược tập trung phát triển các hoạt động trọng tâm, xây dựng SHS phát triển ổn định và bền vững với mục tiêu đưa SHS nhanh chóng tiến đến quanh top 10 Cty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất, phấn đấu đạt từ 2-2,5% thị phần môi giới toàn thị trường và đưa SHS vào trong top 10 Cty chứng khoán có thị phần tư vấn và hoạt động ngân hàng đầu tư lớn nhất.
- Vậy nếu nhìn toàn cảnh thị trường từ nay đến cuối năm, ông đánh giá cơ hội cho các nhà đầu tư như thế nào?
TTCK VN năm 2010 sẽ có được một sự tăng trưởng ấn tượng và khả năng VN - Index có thể đạt tới mức đỉnh 650 điểm trong năm nay là khả thi bởi mấy lí do sau:
Thứ nhất, kinh tế VN sẽ đạt được mức tăng trưởng khả quan cùng với các yếu tố vĩ mô dần được cải thiện. Trên thị trường tiền tệ, thanh khoản ngân hàng đang được cải thiện và lãi suất thị trường đang theo chiều hướng giảm dần về mức hợp lý. Trong khi đó, thị trường ngoại hối sau những cú sốc ngắn hạn mang tính chất tâm lý cũng đã dần đi vào ổn định với việc tỷ giá VND/USD ổn định theo chiều hướng giảm. Đây là nhân tố làm giảm áp lực lạm phát nhập khẩu. Nếu so với cùng kỳ năm 2009 thì dòng vốn FDI thực đổ vào nền kinh tế đã tăng đáng kể với mức 13,6%, điều đó cho thấy dòng vốn ngoại đổ vào nền kinh tế VN ngày càng hiện thực hơn...
Thứ hai, vấn đề lạm phát được cải thiện đáng kể khi áp lực giá hiện nay là không còn quá lớn đối với nền kinh tế. Sau khi tăng khá mạnh trong quý 1, giá cả các loại hàng hóa nói chung đang có xu hướng giảm dần. Hiện nay, lo ngại lạm phát hiện chỉ còn ở việc tăng giá xăng dầu cũng như kế hoạch tăng lương cơ bản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách.
Thứ ba, chính sách tín dụng nới lỏng hơn sẽ là bệ đỡ cho các DN trong thời gian tới. Chủ trương cắt giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng cho phép chúng ta tin tưởng rằng các DN sẽ hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Những tín hiệu tích cực của TTCK VN có thể thể hiện nửa cuối năm 2010. Đối với các DN niêm yết, ước tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt mức tối thiểu 10% và trong tương quan ấy có thể đánh giá khả năng VN-Index đạt tới mức 650 điểm với mức P/E bình quân 16-18 là hoàn toàn có tính khả thi. Mức này tuy có thể cao hơn một chút so với năm 2009, nhưng các yếu tố kỳ vọng đã có sự thay đổi.
- Xin cảm ơn ông!
Phương Dung
diễn đàn doanh nghiệp
|