Thứ Hai, 10/05/2010 07:06

Thị trường chứng khoán Việt Nam rộng mở

Tính đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động được gần 10 năm. Qua gần 1 thập kỷ, TTCK Việt Nam đã ghi những dấu ấn tích cực trong chặng đường phát triển kinh tế sau 35 năm đất nước thống nhất đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển thị trường vốn Việt Nam.

Sau 10 năm hoạt động, từ lúc chỉ có vài DN niêm yết, đến nay trên cả hai sàn TPHCM và Hà Nội đã có gần 500 DN niêm yết. Năm 2000, giao dịch CP chỉ đạt 1,37 tỷ đồng/phiên, trái phiếu 0,03 tỷ đồng/phiên; đến tháng 2/2010, giao dịch CP đến 1.520 tỷ đồng/phiên và trái phiếu đến 216 tỷ đồng/phiên. Từ lúc vốn hóa chỉ đạt 0,28% GDP năm 2000, đến hết tháng 2/2010 đã đạt đến 38,57% GDP - vượt xa tính toán ban đầu của Bộ Tài chính khi mục tiêu hướng tới của TTCK Việt Nam là đến năm 2010 giá trị vốn hóa đạt 15% GDP.

Tính đến nay, TTCK Việt Nam đã có gần 823.000 tài khoản, gấp hơn 300 lần so với năm đầu hoạt động, với số lượng CTCK từ 7 lên 105.

Sau hơn 3 năm chuẩn bị về khuôn khổ pháp lý, hàng hóa, tổ chức trung gian, cơ sở vật chất, ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TPHCM (nay là Sở GDCK) đã được thành lập và đi vào hoạt động, đánh dấu sự ra đời của TTCK Việt Nam. Đây là bước đi rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện sự hội nhập tất yếu của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

Với sự ra đời của TTGDCK TPHCM, đã tạo ra một kênh huy động và luân chuyển vốn mới phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là sản phẩm góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 8/3/2005, TTGDCK Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng thành công thị trường sơ cấp, phục vụ có hiệu quả hoạt động phát hành cổ phiếu (CP) và trái phiếu; tổ chức thành công các thị trường giao dịch thứ cấp hiện đại, công bằng và minh bạch.

Đến nay, sau 10 năm, TTCK Việt Nam đã góp phần quan trọng giúp Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) huy động vốn dài hạn đầu tư pttt, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm cho nền kinh tế bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Với nguyên tắc công khai, minh bạch, TTCK là động lực để các DN niêm yết và công ty đại chúng thực hiện kiểm toán, công bố thông tin, quản trị DN theo thông lệ quốc tế, góp phần cơ cấu lại hệ thống DN, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước và chuyển đổi DN có vốn đầu tư nước ngoài thành công ty cổ phần (CTCP).

Kênh huy động vốn hiệu quả

Dù có nhiều thăng trầm nhưng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện là một kênh huy động vốn hiệu quả của Chính phủ và DN. Số vốn huy động từ các kênh phát hành CP, đấu giá cổ phàn hóa, đấu thầu trái phiếu năm 2008 trên 29.000 tỷ đồng, năm 2009 trên 33.000 tỷ đồng. Đây là những con số rất có ý nghĩa khi trước đây các DN Việt Nam chỉ quen vay vốn từ kênh truyền thống là ngân hàng, khiến áp lực cung ứng vốn nền kinh tế đè nặng lên khối này. Ngay cả trong giai đoạn thị trường sụt giảm, nhiều DN vẫn huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông qua TTCK, Chính phủ và DN đã huy động được nguồn vốn lớn trong dân, biến nguồn vốn nhàn rỗi thành các khoản đầu tư hiệu quả.

TTCK mới nổi Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Chỉ tính riêng giao dịch CP và chứng chỉ quỹ, từ thời điểm năm 2008 đến nay, NĐTNN luôn trong trạng thái mua ròng. Cụ thể, năm 2008 mua ròng hơn 6.300 tỷ đồng, năm 2009 mua ròng 3.400 tỷ đồng và 2 tháng đầu năm 2010 mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng.

Chiếc áo đã chật

Nền tảng quan trọng nhất trong quá trình vận hành TTCK là ngày 29/6/2006 Luật CK đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Luật CK đã tạo lập khuôn khổ pháp lý cao cho hoạt động của TTCK, cơ bản loại bỏ những mâu thuẫn, xung đột với các văn bản pháp luật khác có liên quan; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với TTCK nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư (NĐT) và các tổ chức tham gia thị trường... Luật CK đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi TTGDCK, Trung tâm Lưu ký CK từ đơn vị sự nghiệp có thu thành các pháp nhân thành lập và hoạt động theo mô hình công ty TNHH hoặc CTCP. Quy định này làm tăng tính chủ động trong hoạt động của các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký CK, tạo vai trò độc lập với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động tại các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký CK. Cùng với đó, Luật CK và các văn bản hướng dẫn mở rộng hơn các quy định về bảo vệ lợi ích của NĐT, đặc biệt được áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, Luật CK cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, Luật CK mới chỉ bao hàm những nội dung cơ bản nhất, phù hợp với một thể chế thị trường mới hoạt động với các công cụ CK, các hoạt động giao dịch cũng như hệ thống quản lý còn đơn giản. Trong khi đó, TTCK ngày càng phát triển, các công cụ phức hợp, hình thức giao dịch phức tạp có xu hướng phát triển, đòi hỏi quy định pháp luật cũng phải được điều chỉnh tương ứng. Sau 10 năm phát triển nhưng các sản phẩm do TTCK còn nghèo nàn, nhiều sản phẩm, hoạt động CK đã được đề cập nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện, cụ thể như: nhóm các sản phẩm của TTCK phái sinh (như quyền chọn, hợp đồng tương lai); nhóm các nghiệp vụ CK như giao dịch ký quỹ cho vay mua CK, bán khống và các dịch vụ tài chính khác.

Quy mô thị trường cùng những đòi hỏi thực tế của TTCK cho thấy vai trò chủ động, độc lập của cơ quan quản lý thị trường là UBCKNN cần được nâng cao hơn nữa trong việc xây dựng, hoạch định chính sách thay vì thuộc Bộ Tài chính. Việc chuyển đổi này sẽ giúp UBCKNN có được tiếng nói riêng, tiến tới việc đưa ra các quyết định kịp thời, chính xác, hướng tới sự phát triển bền vững của TTCK.

Quang Minh

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Cơ hội hút vốn của doanh nghiệp nhỏ (10/05/2010)

>   Mạnh tay với thao túng thông tin  (10/05/2010)

>   VDS khai trương chi nhánh tại Nha Trang (10/05/2010)

>   DPM mở văn phòng đại diện tại Campuchia (09/05/2010)

>   Sáng là đại gia chứng khoán, chiều làm 'osin' (09/05/2010)

>   Nhiều biện pháp hạn chế vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán  (08/05/2010)

>   Niềm tin ngoại  (08/05/2010)

>   STC thành lập công ty với vốn điều lệ 3 tỷ đồng (08/05/2010)

>   OGC và PVX đầu tư toà nhà PVN Tower hơn 1 tỷ USD (07/05/2010)

>   SCIC: Khả thi mục tiêu thoái vốn (07/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật