Hy Lạp sẽ không tái cấu trúc nợ
|
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - George Papaconstantinou | (Vietstock) – Hy Lạp sẽ không tái cấu trúc nợ và không cần tiến hành thêm nhiều biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách để đạt được các mục tiêu trong chương trình cứu trợ khẩn cấp mà quốc gia này đã đồng ý với Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, George Papaconstantinou, trên tờ Eleftherotypia trong ngày Chủ Nhật 30/05.
Trước đây, Hy Lạp đã nhận được gói giải cứu 110 tỷ EUR (tương đương 134 tỷ USD) để tránh nguy cơ vỡ nợ với lời cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách bớt 11% GDP xuống dưới mức trần 3% của EU vào năm 2013.
Thị trường lo sợ rằng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” quá mạnh tay của Hy Lạp nhằm thực hiện theo đúng cam kết khi nhận gói giải cứu sẽ đẩy nền kinh tế nước này chìm sâu hơn vào suy thoái và đe dọa đến việc hoàn thành các chỉ tiêu tài chính, từ đó khiến khủng hoảng nợ kéo dài.
“Hy Lạp sẽ không cần thực hiện thêm các biện pháp cắt giảm, đặc biệt là các biện pháp ‘khắc nghiệt’. Theo tôi chỉ có một hướng đi trước mắt là kiên trì với các mục tiêu tài chính đã đặt ra.”, bộ trưởng nhận định.
Theo dự báo, nền kinh tế Hy Lạp, vốn đóng góp khoảng 2.5% cho khu vực eurozone, sẽ tiếp tục chìm trong suy thoái năm thứ hai liên tiếp vào năm 2010 sau mức sụt giảm 2% năm 2009.
Ngân hàng Trung ương Hy Lạp dự đoán suy thoái kinh tế sẽ trầm trọng thêm với GDP tăng trưởng âm 4% trong năm nay do các biện pháp gia tăng thuế cũng như cắt giảm lương bổng và trợ cấp.
“Hy Lạp sẽ chạm đáy suy thoái vào năm 2010 và phục hồi dần dần sau đó. Tôi vẫn còn lạc quan và tin tưởng rằng kinh tế sẽ phục hồi nhanh.”, ông Papaconstantinou nói.
Bộ trưởng cũng nhắc lại lập trường của chính phủ xã hội rằng tái cấu trúc nợ không phải là lựa chọn trong thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
“Tái cấu trúc nợ sẽ là một thảm họa đối với mức độ tín nhiệm của đất nước. Điều này sẽ dẫn tới việc Hy Lạp bị cách ly ra khỏi các thị trường vốn, thậm chí khiến nước này thực hiện nhiều biện pháp khắc hơn nữa và suy thoái xuống rất sâu.”, ông Papaconstantinou nhận xét.
Theo ông, Hy Lạp có thể dựa vào gói giải cứu của EU và IMF để đáp ứng các nhu cầu vốn mà không cần phải vay mượn thị trường trước quý I/2012.
Bộ trưởng Papaconstantinou cho biết: “Chính phủ Hy Lạp đã chứng tỏ rằng nước này sẽ không tính đến chi phí chính trị khi bắt tay vào thực hiện những biện pháp được xem là cần thiết và đem lại lợi ích cho nền kinh tế.”
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNBC)
|