Thứ Tư, 26/05/2010 16:48

50 năm nữa, BRIC chi phối kinh tế toàn cầu

BRIC sẽ là những nước đầu tiên thoát khỏi khủng hoảng. Trong tương lai, không chỉ đứng cạnh nhau với tư cách là 4 nền kinh tế mới nổi, mà sẽ được nhắc đến với tư cách là những trụ cột mới trong một trật tự thế giới đang định hình, có sức chi phối rất lớn nền kinh tế toàn cầu.

Nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) chiếm 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu và 42% dân số thế giới. Năm 2009, BRIC chiếm 15% GDP toàn cầu, 33% dự trữ ngoại tệ thế giới và 12,8% khối lượng giao dịch thương mại thế giới. Trong giai đoạn 1999-2008, Brazil có tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 3,3%, Nga và Ấn Độ là 7%, trong khi Trung Quốc lên tới 9,75%. Tuy cơ sở hạ tầng kinh tế khác nhau, nhưng mỗi nước BRIC lại có một sức mạnh đặc thù của mình. Brazil có thế mạnh về nguyên liệu sắt và nông nghiệp; Nga có trữ lượng dầu thô và khí đốt khổng lồ; Ấn Độ là nơi trao đổi và cung cấp dịch vụ thông tin, điện toán; trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ, là “công xưởng của thế giới” với giá nhân công rẻ.

Kinh tế

Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, rất ít người tin rằng Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ngạc nhiên như hiện nay. Càng ít người nghĩ rằng, Trung Quốc vốn là một nước thuộc thế giới thứ ba, có thể trở thành nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Và tất nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, không có nhiều người lạc quan rằng Nga - nước thừa kế của Liên Xô - có thể giành lại vị thế cường quốc nhanh đến vậy. Với Ấn Độ, ít người có thể dự kiến được rằng nước này sẽ trở thành một cường quốc về dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Ðộ là những nền kinh tế đang phát triển mạnh, liên tục với mức tăng trưởng cao, có vị trí quan trọng trong thương mại thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, BRIC được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc bình ổn nền kinh tế thế giới, là một tổ chức có ảnh hưởng đối với cục diện chính trị và kinh tế thế giới, chỉ đứng sau G8 và G20. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, triển vọng hợp tác của BRIC là rất khả quan và điều này mang lại hy vọng cho cộng đồng các nước đang phát triển.

Trên thực thế, các số liệu thống kê cho thấy, 4 nước trong nhóm BRIC đang từng bước làm đảo lộn “bảng tổng sắp”. Năm 2007, Golman Sachs đưa ra một báo cáo khiến cả thế giới giật mình, theo đó Nhóm BRIC đã vượt Mỹ về công nghiệp năng lượng. Cùng với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ được xếp hạng trong tốp 3 nước hấp dẫn đầu tư nhất thế giới. Nga đã trở lại danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang phấn đấu trở thành một trong năm nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020.

Chính trị

Hiện Nga và Trung Quốc đang là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An LHQ, sở hữu lá phiếu phủ quyết. Hai nước còn lại là Brazil và Ấn Độ đang là những ứng cử viên hàng đầu cho các ghế thành viên thường trực của cơ quan này trong bất cứ kịch bản mở rộng và cải tổ nào. Trong khi Nga và Trung Quốc thường được xem là các cường quốc thuộc “câu lạc bộ quyền lực toàn cầu” hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai thì Ấn Độ và Brazil lâu nay vẫn được xem là tiếng nói của những cường quốc tầm trung đang trỗi dậy.

Quân sự

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, cả 4 nước BRIC đều có lực lượng quân sự mạnh nhất ở châu lục mà họ hiện diện. 3 trong số 4 nước đã là những cường quốc hạt nhân quân sự trong khi thành viên còn lại là Brazil cũng đã đặt chân ở “ngưỡng hạt nhân” và có thể bước qua ngưỡng đó bất cứ khi nào. Bốn nước này cũng là những quốc gia nắm trong tay các công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự và có ngân sách lớn dành cho lĩnh vực quốc phòng.

Và điều quan trọng nhất, các nước BRIC đều muốn hướng đến một trật tự thế giới đa cực và không ủng hộ chính sách hai mặt của phương Tây về các vấn đề như phát triển, dân chủ, nhân quyền… Các nước này cũng có mối quan ngại chung về thái độ của phương Tây đối với hồ sơ của Iran, vấn đề độc lập của Kosovo hay các chủ nghĩa khủng bố quốc tế và phong trào ly khai.

Gần hai thập kỷ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nhà phân tích cho rằng, thế giới tương lai sẽ là một thế giới đa cực với sự nổi lên của nhiều cường quốc mới. Mỹ sẽ vẫn là siêu cường áp đảo và vị thế bá quyền của Washington sẽ có thể kéo dài ít nhất trong 50 năm hoặc lâu hơn nữa. Tuy nhiên, những thay đổi trong cán cân quyền lực quốc tế đã diễn ra nhanh hơn dự đoán của nhiều người, dù đó là những người ít kỳ vọng nhất vào sự suy giảm quyền lực của Mỹ. Không lâu nữa, BRIC sẽ không chỉ đứng cạnh nhau với tư cách là 4 nền kinh tế mới nổi, mà họ sẽ được nhắc đến với tư cách là những trụ cột mới trong một trật tự thế giới đang định hình.

Triển vọng

Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của mình trong những năm gần đây khiến 4 nước BRIC nhận thấy cần phải định hình lại vị thế của họ trên vũ đài quốc tế. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay càng khiến 4 quốc gia này nhận thấy rõ tính cấp thiết của việc lập ra một trật tự kinh tế-chính trị quốc tế mới. Ngoài ra, các mối quan hệ song phương đang được củng cố giữa bốn nước này và sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị cũng đã góp phần cải thiện cơ cấu hợp tác trong nội bộ nhóm. Trên thực tế, trong thời gian qua, bốn nước BRIC đã có những hoạt động hợp tác, trao đổi thương mại và thống nhất một số biện pháp chung để chống những bất công trong hoạt động kinh tế, thương mại, tài chính tại các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, Nhóm BRIC cũng sẽ phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài, thậm chí là từ nội khối.

Nhà khoa học chính trị Ấn Ðộ S.K.Gusta cho rằng, bốn nước BRIC hiện có những đặc điểm phát triển kinh tế rất riêng biệt, nên có thể bổ sung cho nhau trong những lĩnh vực khác nhau như tài chính, năng lượng, dịch vụ, công nghệ, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm cũng như tại các cuộc đàm phán mậu dịch đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhà phân tích chính trị Ấn Ðộ Andray Xinh đánh giá, các nước BRIC là những nền kinh tế thị trường mới nổi trên thế giới và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu hiện nay.

Chuyên gia của Viện Kinh tế thời kỳ quá độ (Nga) nhận định, những nền kinh tế mới nổi trên thế giới, bao gồm cả 4 nước BRIC, sẽ có xung đột về quyền lợi với những nước đã phát triển. Do vậy, một điều rất quan trọng là phải có các cuộc trao đổi ý kiến và phối hợp hành động trong khuôn khổ BRIC để giảm bớt các vụ xung đột như vậy. Theo ông, BRIC cũng nên thể hiện với thế giới rằng, sự gia tăng vị thế của nhóm này sẽ không gây nguy hại cho các nước khác.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nếu không có gì xảy ra ngoài dự tính, 50 năm nữa các nước BRIC sẽ là những thực thể kinh tế có sức chi phối rất lớn nền kinh tế toàn cầu. Trong 40 năm nữa, quy mô kinh tế của các nước BRIC sẽ vượt qua các nước G7 (Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa) về GDP. Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032, còn của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2041. Năm 2050, sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Nga. Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Ðầu tư Goldman Sachs, ông Gim của Mỹ dự đoán, bốn nền kinh tế này sẽ tạo thành “lực lượng thống trị” nền kinh tế thế giới vào năm 2050.

Đại Lâm

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Hy Lạp xốc lại bộ máy tài chính (26/05/2010)

>   Đan Mạch công bố kế hoạch khắc khổ (26/05/2010)

>   CBO: GDP quý I của Mỹ tăng 4.6% nhờ chính sách kích cầu (26/05/2010)

>   Tình hình kinh tế Thái Lan trong hai quý đầu năm (25/05/2010)

>   Anh: GDP quý I điều chỉnh tăng 0.3% (25/05/2010)

>   Thế giới ngập trong nợ nần – hậu quả đến đâu? (25/05/2010)

>   NABE: Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.2%, lãi suất lên 0.5% cuối năm 2010 (24/05/2010)

>   Hy Lạp thật ra giàu hay nghèo? (24/05/2010)

>   Kinh tế toàn cầu trước tác động của suy thoái tại châu Âu (24/05/2010)

>   Kinh tế Thái Lan tăng trưởng mạnh, dù bất ổn (24/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật