Thứ Tư, 14/04/2010 11:34

Nâng cao vị thế kiểm toán

Vài năm gần đây, hoạt động kiểm toán trở nên rất sôi động. Cùng với sự bùng nổ về số lượng công ty và nhân lực thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp của ngành này đang được đặt ra một cách rất nghiêm túc.

Báo cáo của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho thấy, năm 2009, cả nước có hơn 143 công ty kiểm toán đang hoạt động ở Việt Nam với tổng số lượng nhân viên toàn ngành tới 8 nghìn người, trong đó có 1.116 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên.

Với số lượng khách hàng khoảng 26 nghìn đơn vị đã mang về một khoản doanh thu khá lớn trong toàn ngành khoảng 2.200 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy tổng doanh thu mỗi kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề mang lại 1,96 tỷ đồng/năm. Còn nếu chia cho số lượng nhân viên làm trong ngành kiểm toán thì doanh thu đạt 275 triệu đồng/người/năm.

Những áp lực từ doanh thu

Mặc dù số lượng công ty kiểm toán không phải ít nhưng miếng bánh thị phần hiện đang nghiêng phần nhiều về nhóm “4 đại gia”, bao gồm: Deloitte Việt Nam, Ernst & Young Việt Nam, Price Waterhouse Coopers, KPMG Việt Nam, với doanh thu chiếm gần 55% tổng doanh thu toàn ngành, tương đương 1.196 tỷ đồng.

Trong khi đó, số lượng nhân viên được cấp chứng chỉ kiểm toán viên của “4 đại gia” chỉ 217 người (bằng 19,5% tổng lượng nhân viên được cấp chứng chỉ kiểm toán viên) và số lượng khách hàng là 4.155 đơn vị (chiếm hơn 16% tổng số khách hàng).

Nếu như doanh thu của các công ty trong nhóm này đều trên 250 tỷ đồng, thì những công ty xếp thứ 5 trở xuống chỉ đạt dưới 90 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những công ty có doanh thu vài tỷ đồng cũng không phải là hiếm.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA, để công ty kiểm toán có lãi, mỗi một kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề phải mang về nguồn doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.

Doanh số khoán trên mỗi kiểm toán viên cũng là áp lực lớn. Ngoài việc nhờ thương hiệu công ty lớn nên khách hàng tự tìm về thì bên cạnh đó, những công ty chưa có thương hiệu phải đôn đáo tìm khách hàng, cạnh tranh và bản thân từng nhân viên kiểm toán cũng phải tận dụng mọi mối quan hệ cá nhân để tìm khách hàng.

Cũng theo ông Mai, các kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với chính công ty kiểm toán về nguồn thu nhập, mà quan trọng hơn, họ đang đóng vai trò then chốt để có được những bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp đáng tin cậy đối với công ty, đối với cổ đông, cơ quan thuế và nhà đầu tư.

Do đó, việc nâng cao trình độ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp đối với các kiểm toán viên là nhiệm vụ quan trọng của mỗi công ty kiểm toán nói riêng và VACPA nói chung. Đối với những người hành nghề kiểm toán và các công ty kiểm toán độc lập thì một trong các yêu cầu cao nhất là độc lập, khách quan, tức không bị lợi ích chi phối, không chịu áp lực từ cấp trên, không chịu ràng buộc của khách hàng.

Nâng cao trình độ và đạo đức nghề nghiệp

Bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nói: “Hội nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trực tiếp đối với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín, danh tiếng của kiểm toán viên và gián tiếp góp phần vào sự công khai, minh bạch đối với các thông tin tài chính của các doanh nghiệp”.

Ở Việt Nam, nghề kiểm toán đã có từ năm 1991, trong 14 năm đầu, việc quản lý, giám sát các hoạt động của kiểm toán viên đều do Bộ Tài chính thực hiện. Tuy nhiên do yêu cầu của thực tiễn, năm 2005, Bộ Tài chính chuyển giao chức năng quản lý hành nghề kiểm toán cho VACPA.

Hiện VACPA có khoảng 1.000 hội viên, hầu hết trong đó đang làm việc tại các công ty kiểm toán, chỉ có 15 hội viên làm việc ở các tổ chức khác. Trong 5 năm qua, VACPA thực hiện chức năng, đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn; kiểm soát chất lượng dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp; tư vấn trao đổi vướng mắc, kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng và uy tín hội viên, duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam.

Trong năm 2009, VACPA đã kiểm tra và phát hiện ra 8 trường hợp có sai phạm trong đăng ký hành nghề, trong đó chủ yếu là sai phạm liên quan đến việc cho thuê chứng chỉ hành nghề. VACPA đã báo cáo lên Bộ Tài chính để Bộ này ra quyết định phạt 1 năm không được hành nghề. Khi có những phát sinh liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, VACPA đều có chế tài đối với hội viên, gồm: khiển trách, cảnh cáo, hoặc xóa tên hội viên. Tuy nhiên, trường hợp VACPA phát hiện ra sai phạm ngoài chức năng thì Hội sẽ báo cáo lên Bộ Tài chính để có hình thức xử phạt.

Theo kế hoạch của VACPA, ngày 15/4, Hội sẽ đưa ra chương trình hoạt động trong 10 năm tới. Cụ thể, VACPA tạo cơ chế, chính sách thu hút thêm các cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn cao để điều hành hoạt động Hội.

Tiếp theo, xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động chặt chẽ hơn theo kinh nghiệm của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.Hội cũng dự định thành lập trung tâm đào tạo và tư vấn riêng để tạo điều kiện nâng cấp chuyên môn cho hội viên và hội viên tiềm năng.

Đồng thời, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của Ban kiểm soát để không chỉ kiểm tra phát hiện sai sót mà chủ yếu sẽ là hỗ trợ hội viên chấn chỉnh, sửa chữa sai sót.

Duy Cường

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Cấp phép cho Công ty tài chính 100% vốn của Nhật (13/04/2010)

>   Dự Luật Kiểm toán độc lập: Có làm khó doanh nghiệp? (11/04/2010)

>   ADB sẽ nghiên cứu thêm cơ hội hỗ trợ Việt Nam  (09/04/2010)

>   WB phê duyệt 682 triệu USD tín dụng cho Việt Nam (08/04/2010)

>   Chuẩn bị thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng và đầu tư (07/04/2010)

>   Ưu tiên phát triển thị trường vốn khu vực ASEAN (07/04/2010)

>   Động lực đẩy tiền đến đúng địa chỉ (07/04/2010)

>   Tăng vốn hay sáp nhập ? (07/04/2010)

>   Cần thiết lập hệ thống luật kiểm toán ổn định (05/04/2010)

>   Khơi dòng vốn để phục vụ cho đầu tư phát triển (03/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật