Vì sao AIG chưa bán
Đầu tuần này, American International Group Inc (AIG), tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Mỹ đã bán Bộ phận bảo hiểm nhân thọ châu Á của mình (Công ty bảo hiểm AIA) cho Prudential Plc, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Vương quốc Anh, với giá 35,5 tỷ USD.
Vụ bán lại đã gây chấn động dư luận, bởi đây là một trong số những vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, “món hàng” mà AIG muốn bán tiếp sau AIA có thể sẽ là International Lease Finance Corp. (ILFC), công ty cho thuê máy bay lớn thứ hai thế giới hiện nay.
Việc AIG đang phải bán dần các tài sản của mình để trả nợ cho Chính phủ Mỹ là chuyện không hề mới. Tháng 9/2008, Chính phủ Mỹ đã phải “bơm” khẩn cấp 182,5 tỷ USD để cứu cho AIG khỏi bị phá sản. Số tiền này được tính tương đương 80% cổ phần của AIG, nên Chính phủ Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất của AIG. Tuy nhiên, tiền của Chính phủ Mỹ chính là tiền của người đóng thuế Mỹ, nên trước sức ép của công luận, Chính phủ Mỹ đang phải tìm mọi cách thu hồi nợ thông qua việc để AIG bán dần tài sản đi trả nợ. Đến thời điểm này, AIG mới thu được 11,9 tỷ USD từ việc bán đi một số tài sản. Theo nhiều nguồn tin, AIG đang trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán về việc bán Công ty American Life Insurance Co (một công ty con của AIG) cho Tập đoàn bảo hiểm MetLife Inc (Mỹ) với giá khoảng 15 tỷ USD.
Do AIG vẫn đang kinh doanh lỗ, nên việc trả nợ chỉ có thể trông mong vào bán tài sản. Trong quý IV/2009, AIG đã bị lỗ gần 8,9 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 61,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2008. Tính chung, cả năm 2009, AIG bị lỗ 10,9 tỷ USD, vẫn được coi là có tiến bộ so với khoản lỗ khổng lồ 99,3 tỷ USD của năm 2008.
Theo nhiều nhà phân tích, ngay từ giai đoạn đầu của khủng hoảng, AIG cũng đã tính đến việc bán đi ILFC, bởi đây khoản đầu tư ngoài ngành (không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bảo hiểm) của AIG. Hơn nữa, bán được ILFC thì mới ra vấn đề, mới “ra tấm, ra món”, tức là một lúc có thể thu về vài chục tỷ USD. Thế nhưng, ngay cả tại thời điểm này, việc bán ILFC không dễ, thậm chí là chưa khả thi. Thứ nhất là khó tìm được đối tượng mua. Thứ hai là không được giá.
Chẳng nói đâu xa, vào cuối năm 2008, AIG đã rao bán 49% cổ phần của AIA mà chẳng “ma nào” quan tâm, giờ mới tìm được Prudential và may mắn được hời cả về giá. AIG có thể cũng sẽ áp dụng chiến thuật chờ thời cơ thích hợp trên với ILFC.
Trên thực tế, ILFC là một “đại gia” trong lĩnh vực cho thuê máy bay trên thế giới. Theo số liệu chính thức của Hãng Ascend, ILFC hiện sở hữu 1.075 máy bay chở khách các loại, với tổng trị giá (trên sổ sách) hơn 40 tỷ USD, chỉ thua kém Công ty GE Capital Aviation Services của Tập đoàn General Electric (với 1.812 chiếc máy bay).
Nói đến ILFC, người ta không thể không nhắc tới cái tên Steven Udvar-Hazy. Ông Stevens Udvar-Hazy, 64 tuổi, người sáng lập ra ILFC vào năm 1973 cũng được coi là cha đẻ của mô hình cho thuê máy bay hiện nay. Khi thành lập ILFC, ông chỉ có trong tay hơn 500.000 USD, nhưng năm 1990 đã bán lại toàn bộ Công ty cho AIG với giá 1,3 tỷ USD. Sau khi mua lại ILFC, AIG đã ký hợp đồng thuê chính ông chủ cũ làm giám đốc điều hành (CEO) kiêm luôn chủ tịch. Đầu năm nay, ông Steven Udvar-Hazy đã đề nghị được mua lại 10% cổ phần của ILFC, với giá dạm mua là 4 tỷ USD. Dù đang rất cần tiền, nhưng AIG đã từ chối bán. Do quá thất vọng, nên đầu tháng 2 năm nay, ông Steven Udvar-Hazy đã xin từ chức với ý định sẽ thành lập một công ty cho thuê máy bay mới.
Ngay sau đó, AIG đã bổ nhiệm ông John Plueger, nhà quản lý cao cấp vào vị trí CEO và ông Douglas Steenland, thành viên Ban Giám đốc AIG, nguyên Chủ tịch và CEO Hãng hàng không Northwest Airlines (Mỹ) làm Chủ tịch.
Mới đây, ông Robert Benmosche, Chủ tịch và CEO AIG đã phát biểu một cách xa xôi rằng, AIG chỉ bán ILFC cho đúng đối tượng cần mua và phải được giá.
Ông Philip Baggaley, chuyên gia phân tích về vận tải của Standard & Poor’s ở New York nhận xét: “Vào thời điểm này, AIG chưa có động thái tiếp thị hay sẵn sàng bán ILFC đi. Dường như AIG lên kế hoạch “trường kỳ mai phục” chờ các thị trường tài chính và hàng không hồi phục trở lại. Điều này chỉ có thể xảy ra sau vài năm nữa”.
Theo các chuyên gia hàng không, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn chưa chấm dứt, ngành hàng không nói chung và lĩnh vực cho thuê máy bay nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục hoàn toàn thì việc bán được giá một khối tài sản khổng lồ như ILFC là điều khó khả thi.
Hơn thế nữa, ILFC là một trong số ít công ty con của AIG làm ăn khấm khá ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng.
Trong mấy quý gần đây, ILFC đều có lợi nhuận cỡ vài trăm triệu USD mỗi quý.
Trung Hiếu
ĐẦU TƯ
|