WEF: Thảo luận chiến lược “rút kích cầu”
Thời gian và biện pháp rút kích cầu đang là chủ đề nóng tại hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2010 diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, hai ngày cuối tuần. Những người tham dự hội nghị đã có cuộc tranh luận gay gắt về chủ đề này.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu năm 2009 là năm để ban hành kế hoạch kích thích nhằm cứu thị trường thì năm 2010 là năm liên quan đến chính sách “rút kích cầu”. Các nền kinh tế lớn gồm Mỹ và châu Âu muốn nắm bắt thời cơ và phương thức rút kích cầu là việc không dễ dàng.
Tranh luận gay gắt về việc rút kích cầu của Mỹ
Sau khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ đã dành hàng ngàn tỉ đô la để cứu hệ thống ngân hàng, làm gia tăng thâm hụt ngân sách, tạo ra sự bất mãn cho những người đóng thuế. Mỹ là một trong những nước chịu nhiều áp lực nhất trong việc rút kích cầu.
Gần đây, chính quyền của ông Obama không ngừng phát ra các tín hiệu rút kích cầu, bao gồm việc đôn đốc các ngân hàng trả nợ kích cầu của chính phủ, giới hạn mức tiền lương của giới lãnh đạo ngân hàng, thu thuế các giao dịch, hạn chế quy mô và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính...
Tại diễn đàn Davos, một số người trong giới tài chính đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề này.
Nhà đầu tư nổi tiếng George Soros, được mệnh danh là “con cá sấu khổng lồ của ngành tài chính Mỹ”, cho rằng chính phủ Mỹ rút kích cầu và áp dụng các biện pháp quản lý giám sát nghiêm ngặt ngành tài chính quá sớm.
Theo ông, đầu tiên các ngân hàng phải trả nợ nhận được từ sự hỗ trợ của chính phủ, sau đó mới có thể áp dụng chính sách rút kích cầu. Các biện pháp chính sách quá nghiêm ngặt có thể sẽ khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay, không có lợi cho nền kinh tế Mỹ để thoát ra khỏi những khó khăn hiện nay.
Ông George Soros cũng chỉ trích đề xuất của chính quyền Obama về phương án thu thuế các ngân hàng. Đồng thời, ông cũng phản đối việc các nước rút kích cầu quá sớm, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế lần thứ hai.
Ngoài ra, sự thay đổi trong chính sách tiền tệ và chính sách lãi suất của Mỹ cũng được quan tâm. Kể từ khi khủng hoảng tài chính, Mỹ đã giảm lãi suất với tỷ lệ đáng kể, mức lãi suất có lúc gần bằng không. WEF gần đây đã phát hành bản “Báo cáo rủi ro toàn cầu”, chỉ ra chính sách lãi suất bằng không của Mỹ đang tạo ra tình trạng bong bóng tài sản trên toàn cầu, thúc đẩy bất động sản, vàng và thị trường chứng khoán không ngừng tăng giá, sẽ là một trong những nguy cơ quan trọng của năm 2010.
Chu Dân - Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho rằng nếu Mỹ bắt đầu tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ lỏng lẻo hiện nay, có thể dẫn đến một lượng lớn đô la Mỹ bất ngờ bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, từ đó tác động đến các nền kinh tế mới nổi.
Châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc rút kích cầu
Hiện nay, 16 nước thuộc khu vực đồng euro rút kích cầu đang gặp vô vàn khó khăn. Về chính sách tài khóa, khoản nợ quốc gia của các nước này khó nhanh chóng thay đổi và thâm hụt tài chính năm 2010 có thể tiếp tục gia tăng. Hy Lạp và một số nước châu Âu khác đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tín dụng. Về chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương châu Âu kiên quyết thực thi chính sách rút kích cầu bị ngân hàng các nước thành viên chống lại.
Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu, Jean-Claude Trichet, đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết để đẩy nhanh việc thực hiện chính sách rút kích cầu, đồng thời cảnh báo nghiêm khắc các chính phủ phải giảm thâm hụt ngân sách càng sớm càng tốt. Tại diễn đàn Davos, ông bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định hạn chế quy mô và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng lớn của ông Obama.
Ông cho biết những cải cách của ông Obama là phù hợp với phương hướng chính sách của ngân hàng trung ương châu Âu và có thể đảm bảo cho các ngân hàng tập trung vào việc cung cấp dịch vụ tài chính cho nền kinh tế thực. Tuy nhiên, thái độ này của ông Trichet đã gặp phải sự phản đối của các ngân hàng lớn của Đức và Pháp.
Bộ Tài chính Anh cũng công khai tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp tương tự của chính quyền Obama để giám sát ngân hàng. Lãnh đạo đảng bảo thủ Anh, David Cameron, ngày 28-1 tại diễn đàn Davos nói rõ: “Bất luận tình hình kinh tế hiện nay như thế nào, chúng tôi cần làm giảm thâm hụt ngân sách kỷ lục của Anh trong năm nay”.
Tuy nhiên, thái độ rút kích cầu của các chính trị gia người Anh cũng gặp phải sự phản đối của giới tài chính. Một số lãnh đạo của các tổ chức tài chính lo sợ Anh, Mỹ áp dụng càng nhiều các quy định quản lý tài chính, sẽ “đuổi” ngân hàng và các tổ chức tài chính khác tìm đến trung tâm tài chính của các nền kinh tế mới nổi.
Cần sự hợp tác quốc tế
Con đường các chính phủ phải đi trong việc rút kích cầu trong năm 2010 sẽ không được bằng phẳng. Các nước cần hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách rút kích cầu cũng như khi hợp tác trong việc thực hiện chính sách kích thích kinh tế.
Một số nhà phân cho rằng các nước không thống nhất trong việc tăng lãi suất có thể sẽ dẫn đến rối loạn dòng tiền nóng, gây ra những thảm họa khó lường. Vì vậy, các nước khi thực hiện chính sách rút kích cầu đòi hỏi phải có kỹ năng, kết hợp với điều kiện của quốc gia và chú trọng hợp tác quốc tế.
Một số nhà phân tích chỉ ra Mỹ và Anh đơn độc thực thi chính sách rút kích cầu là không hay. Một số người tham dự diễn đàn nói đùa nếu quy định của Anh và Mỹ quá nghiêm ngặt, các ngân hàng có thể không ngần ngại chuyển hoạt động kinh doanh sang Somalia.
Để cứu thị trường cần có sự can đảm. Để rút kích cầu đòi hỏi phải có kỹ năng và sự hợp tác. Theo các nhà phân tích, các nước hiện đang từng bước ra khỏi khủng hoảng, cần thiết phải phối hợp trong chính sách tài chính và tiền tệ.
Phúc Minh (theo WSJ, People)
TBKTSG
|