TQ hướng tới thay đổi mô hình tăng trưởng
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, Phó Thủ thướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường nói, nước này sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa vào nhu cầu trong nước.
Trước tiên, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng, để thúc đẩy tăng trưởng. Nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để hướng tới mục tiêu tăng trưởng việc làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, điều chỉnh cơ cấu phân phối thu nhập quốc gia, tăng thu nhập cho tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời đảm bảo sự tăng trưởng ổn định trong chi tiêu tiêu dùng.
Trong khi đó, chính phủ sẽ đổi mới cơ cấu đầu tư và tiếp tục cải thiện hoạt động tái đầu tư. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Tiếp đến, Trung Quốc sẽ chú trọng vào các vấn đề như đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải trong quá trình tái cơ cấu và thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp trước những điều chỉnh của kinh tế thế giới và những thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng nội địa.
Trung Quốc cần đáp ứng những đòi hỏi của các thị trường, với việc khuyến khích sự đổi mới của các doanh nghiệp về công nghệ. Bên cạnh đó, nước này phải nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này cũng đứng trước yêu cầu tiết kiệm cũng như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển nền kinh tế xanh, nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế sẽ gắn với bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, Trung Quốc sẽ tăng cường những cải cách và mở cửa hơn nữa đối với thế giới, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc. Nước này sẽ kiên định theo đuổi những cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện những đổi mới theo định hướng thị trường.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính phủ, với việc đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy lĩnh vực tư nhằm những củng cố những động lực tăng trưởng kinh tế vốn có. Việc thực thi chính sách mở cửa trong hơn 30 năm qua và sự gắn kết chặt chẽ kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới đã giúp nước này thu hút những công nghệ tiên tiến, nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Chính sách này đã kinh tế giúp Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Cũng tại WEF, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Mẫn nói, nước này sẽ xem xét việc nâng giá đồng Nhân dân tệ khi các nước rút các gói kích thích kinh tế, sau khi đã giữ đồng tiền này ổn định trong thời gian xảy ra khủng hoảng.
Một số nhà phân tích cho rằng việc giữ đồng Nhân dân tệ ở mức thấp so với đồng USD đã giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy thặng dư thương mại với phương Tây. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng vấn đề tỷ giá sẽ không giải quyết được hoàn toàn sự mất cân bằng thương mại của toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng đã giúp Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết phải ngừng phụ thuộc vào xuất khẩu nếu muốn phát triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên, đây là điều khó có thể thực hiện ngay lập tức, nhất là khi chi tiêu tiêu dùng ở nước này mặc dù tăng trong thời kỳ khủng hoảng, song còn xa mới có thể bù đắp sự suy giảm trong sức mua của người Mỹ.
Lê Minh
Vietnam+
|