Vai trò của các DN vừa và nhỏ trong nền kinh tế Thái-lan
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMES) ở Thái-lan đang giữ vai trò là động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế tại Thái-lan vừa qua, SMES gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng cũng là thời điểm thử thách về tính năng động trong kinh doanh và khả năng vượt qua nhanh cơn bão khủng hoảng.
Ở Thái-lan, SMES đóng góp 38% vào GDP (khoảng hơn 100 tỷ USD) năm 2009, trong tổng GDP của nước này khoảng 275 tỷ USD. Trung bình hằng năm ở Thái-lan có thêm từ 30 đến 40 nghìn SMES đăng ký hoạt động. Hiện tại, nước này có gần ba triệu SMES đã đăng ký và đang hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, thu hút số lao động khoảng chín triệu người (trong tổng số 38 triệu người trong lực lượng lao động của Thái-lan). Một thời gian dài trước đây, sự phát triển của nhiều SMES ở Thái-lan không được thành công như mong đợi, Chính phủ cung cấp nhiều tiền, mở nhiều tổ chức xúc tiến thương mại, nhưng mỗi tổ chức hoạt động riêng lẻ, hoạt động không tốt so với thực lực. Sau nhiều cố gắng của Chính phủ, Cơ quan hỗ trợ SMES Thái-lan (Osmep) đã được thành lập, có trách nhiệm chính đẩy mạnh sự phát triển SMES của nước này.
Theo số liệu thống kê của Osmep, số SMES ở Thái-lan đang tăng nhanh và dự báo có thể đạt năm triệu SMES trong mười năm tới. Tổng Giám đốc Osmep Y-u-tha-sặc Xu-pa-xỏn cho biết, cơ quan này đang triển khai nhiều kế hoạch trợ giúp SMES hoạt động để có hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước. Hội chợ triển lãm SMES Thái-lan năm 2010 sẽ tổ chức tại Trung tâm triển lãm quốc gia Queen Sirikit từ ngày 28 đến 31-2 tới nhằm giới thiệu các sản phẩm và thúc đẩy liên kết, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng thị trường.
Chương trình hỗ trợ kinh doanh và sản xuất tại nhà đang có nhiều triển vọng. Việc khuyến khích SMES tham gia kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động công cộng và dịch vụ xã hội dựa trên ba nguyên tắc chính: tạo thuận lợi; gánh vác trách nhiệm; đóng góp cho phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Osmep sẽ tích cực hỗ trợ SMES về công nghệ, thông tin thị trường và kiến thức cơ bản. SMES đi đầu trong nền kinh tế Thái-lan về việc sản xuất các mặt hàng mới, trong áp dụng công nghệ mới, cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. SMES vẫn còn vướng nhiều khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề tiếp cận nguồn tài chính, quản lý doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước... sẽ được Osmep từng bước hỗ trợ. Osmep đang giải ngân 2,3 tỷ bạt, ngoài ra, từ các nguồn tài chính hỗ trợ khác giúp 50 SMES vay ưu đãi từ 200 đến 300 triệu bạt để mở rộng kinh doanh, khoảng 200 SMES khác đang thiếu vốn được vay mỗi nơi ba triệu bạt lấy vốn sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng SMES Thái-lan là nơi cung cấp vốn chủ yếu với nhiều ưu đãi cho SMES nước này hoạt động.
Văn phòng Osmep cho rằng, việc Hiệp định tự do thương mại ASEAN (AFTA) có hiệu lực trước đối với sáu nước ASEAN (AFTA 6) là Thái-lan, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore là cơ hội thuận lợi để SMES Thái-lan tăng xuất khẩu và doanh thu trong năm nay. SMES Thái-lan có cơ hội tiếp cận với nguồn nguyên liệu rẻ hơn từ khu vực AFTA 6 và cả những nước ASEAN còn lại, đồng thời có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới đang hồi phục. Dự kiến năm nay, SMES Thái-lan xuất khẩu đạt giá trị 1,66 nghìn tỷ bạt (khoảng 50 tỷ USD) so với 1,59 nghìn tỷ bạt năm 2009 (chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu của Thái-lan, khoảng 175 tỷ USD); doanh thu tăng tới 6,41 nghìn tỷ bạt (khoảng 190 tỷ USD) so với 6,21 tỷ bạt của năm 2009. Osmep khuyến cáo SMES Thái-lan rằng, Việt Nam, Campuchia, Lào và Mianma sẽ là những thị trường thuận lợi nhất và là điểm mở rộng xuất khẩu chính của SMES Thái-lan cần hướng tới.
Bùi Căn
Nhân dân
|